Nỗi nhớ của người con xa quê - Tết đoàn viên

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Ai có thể đếm được năm tháng đời người đã đi qua bao cái Tết về đại để vẫn là một?. Tết gia đình. Tết đại đoàn viên. Tết dân tộc. Tết đậm đà phong vị cộng đồng. Hãy giải lao giữa những quãng đường vất vả gian nan, về với vòng ôm của gia đình.

 

Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng sống ở Sài Gòn một thời gian khá dài, đủ để yêu quý mảnh đất và con người ở đó. Tuy nhiên, mỗi dịp năm mới Tết đến, chẳng tránh được cảm xúc tủi tủi, nhớ nhớ quê nhà. Trước khi vào Sài Gòn, tôi chẳng để ý Tết như thế nào đâu, vì năm nào cũng y như năm nào, nhớ nhất cái khoản lì xì thôi. Cho đến khi xa Hà Nội, tôi bắt đầu khắc khoải nỗi nhớ cái cảm giác mỗi khi gió mùa đông bắc tràn về hay khi nàng xuân khoe áo mới - Tết đến.

Những ngày áp Tết, đường phố đông đúc chật chội; các chợ xuân, chợ hoa, chợ đầu mối hoạt động rộn ràng bất kể ngày đêm với đủ sắc màu, âm thanh. Ai ai cũng nô nức mua sắm chào đón Tết cổ truyền.

Gia đình tôi đông con cháu, được tiếng mô phạm mẫu mực. Tết là Tết của gia đình, người thân được dịp sum vầy quanh mâm cỗ. Phụ nữ trong nhà toàn người có bàn tay vàng. Tôi rất thích nhìn mẹ và các bác làm bánh chưng. Mẹ tôi lọc thịt sao mà khéo, miếng thịt lợn ba chỉ to đùng, trắng ngộn, mẹ bài mảnh lưỡi dao sục vào tảng thịt, rạch và tở từng lát dài gọn như xén. Miếng thịt có cả nạc cả mỡ để gói bánh to bản, dày vừa độ, ướp muối tiêu xếp đầy ụ mấy cái bát ô tô; thường làm dư ra nhiều để biếu khách khứa, hàng xóm, họ hàng xa. Còn các cô các mợ phụ trách đồ chỗ đỗ vàng tơi, nóng hổi; tôi thừa cơ nhón một ít bỏ miệng, từng nhúm thơm bùi, mềm dẻo. Cả nhà cùng nhau gói bánh, mắt nhìn miệng nói mà đôi tay vẫn thoăn thoắt. Một lát sau, tất cả nhân thịt, đỗ xanh, yến rưỡi gạo nếp được gói gọn trong tấm lá bọc lau sạch bóng, vừa nãy còn ngổn ngang thúng mẹt, nồi niêu xoong chảo, gạo đỗ lá lạt, giờ thì hơn ba chục cái bánh gói chẳng cần khuôn mà vẫn đều chằn chặn, vuông góc, cao thành.

Tôi bám theo mọi người làm chân sai vặt, tăm tắm nghe lời; lúc nắm đỗ, lúc rửa rau, bóc hành tỏi. Sau đó là nổi lửa cho nồi bánh, nghe tiếng nước sôi lục bục, lửa cháy một khối vàng sậm dưới đáy cái thùng cao lù.

Hăm ba tháng Chạp ông Táo chầu trời, mẹ tôi thắp hương lên bàn thờ, làm một mâm cúng nhỏ. Hăm bảy Tết, gió mùa mang hơi mưa về giăng khắp phố phường. Hăm chín Tết, cả nước nghỉ lễ. Ba mươi Tết, hoa đào mãn khai, nhà nhà háo hức đón năm mới. Không gian cô đọng trong khoảnh khắc giao thừa, cả thành phố lặng đi thấy rõ. Giao thừa – thời gian đứt đoạn chia thành từng chặng, người ta tạm biệt dấu chân của năm cũ, chào đón nốt nhạc đầu tiên của hành khúc mới.

Đó là một phần ký ức trong tôi về ngày lễ cổ truyền ở quê cha đất tổ. Khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tôi rời xa văn hóa quê nhà, cũng có khi bỡ ngỡ. Mảnh đất Sài Thành vẫn giữ nguyên cái nắng nóng chan hòa từ xưa đến nay, chỉ tới đêm gió biển mới tràn về mát lộng. Giáp Tết, cả thành phố như nở hoa, tưng bừng náo nhiệt. Tôi cùng bạn bè đổ xô ra đường, đến các khu trung tâm ngắm nghía hội hoa thường niên. Nơi "xôm tụ" nhất phải kể đến đường hoa Nguyễn Huệ, một con đường dài hoa tươi trải lối, năm nào cũng thật đẹp và lộng lẫy. Dẫu hai năm gần đây, do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động cộng đồng, mọi người hạn chế tụ tập đông người, tuân thủ "quy tắc 5K", nhưng không khí Tết cổ truyền vẫn rộn ràng, văn hóa ngày Tết vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như tục gói bánh chưng, bánh tét, chợ đầu xuân... 

Những hội chợ xuân ở Sài Thành, thay cho sắc đào quất là các loại mai như mai Chiếu Thủy, mai Tứ quý… mang lại phú quý khá phổ biến. Tôi cũng từng mua một cành Nhất chi mai về trưng, tuổi thọ lâu hơn hoa đào. Về cơ bản, người trong Nam cũng có mâm cỗ cũng các ngày lễ ông Công ông Táo có khác cũng chỉ là về hình thức một số món ăn.

Sài Thành - vùng đất hiếu khách nên dân khắp nơi đổ về nơi đây khá nhiều. Tết đến ai cũng lên kế hoạch về nhà. Ai dằn lòng ở lại mới tận hiểu cái không khí đầm ấm sum họp bên người thân ruột thịt quý báu đến nhường nào.

Ai có thể đếm được năm tháng đời người đã đi qua bao cái Tết về đại để vẫn là một?. Tết gia đình. Tết đại đoàn viên. Tết dân tộc. Tết đậm đà phong vị cộng đồng. Hãy giải lao giữa những quãng đường vất vả gian nan, về với vòng ôm của gia đình hướng trọng một cái Tết đoàn viên ấm áp.

Theo: