Nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên vượt mức 31.000 tỷ USD

(Banker.vn) Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vừa được công bố, tổng nợ quốc gia của Mỹ đã vượt qua mức 31.000 tỷ USD. Như vậy, về cơ bản, mỗi người dân phải gánh một khoản nợ hơn 93.000 USD. Sự gia tăng của lãi suất trong vài tháng qua - lãi suất huy động vốn của FED hiện nằm trong khoảng 3% đến 3,35% - đã đẩy nợ quốc gia tăng lên nhanh chóng.

 

Vài năm trở lại đây, Chính phủ Mỹ đã liên tục chi nhiều hơn so với thu ngân sách thu thông qua thuế, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách. Một số dự luật với chi phí cao đã được Chính phủ phê duyệt kể từ khi đại dịch bắt đầu, bao gồm Dự luật Kế hoạch Giải cứu người Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD và 750 tỷ USD để giảm nợ cho sinh viên, tất cả đều làm tăng mức thâm hụt và sau đó càng đẩy nợ công tăng.

Tuy Dự luật Giảm lạm phát (IRA) được thông qua vào tháng 8, dự kiến có thể giúp chính phủ liên bang giảm thâm hụt ngân sách ròng 240 tỷ USD song các chính sách và chương trình do Tổng thống Biden đưa ra ước tính ​​sẽ làm tăng mức thâm hụt thêm hàng nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.

Ủy ban Ngân sách Liên bang (CRFB) ước tính, đến năm 2031, thâm hụt ngân sách lên tới mức 4.800 tỷ USD.

“Việc gia tăng vay nợ sẽ tiếp tục dẫn đến áp lực lạm phát, đẩy nợ quốc gia lên mức kỷ lục ngay năm 2030 và gấp 3 lần các khoản thanh toán lãi suất liên bang trong thập kỷ tới - hoặc thậm chí sớm hơn nếu lãi suất tăng nhanh hoặc nhiều hơn dự kiến,” CRFB cho biết. 

Phần lớn các khoản vay của Mỹ trong vài năm qua được thực hiện trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp trong lịch sử, nhưng lạm phát hiện đang tăng với tốc độ chóng mặt, do đó chi phí của khoản nợ này có thể sẽ tăng lên.

Hiện tại, mỗi ngày Chính phủ Mỹ phải chi hơn 965 triệu USD để trả lãi cho nợ quốc gia. Quỹ Peterson ước tính, con số này sẽ tăng gấp 3 lần trong thập kỷ tới, trở thành khoản chi phí tăng nhanh nhất trong ngân sách liên bang.

Trong cơ cấu của nợ quốc gia, nợ chính phủ phải trả cho các cơ quan của mình chiếm khoảng 6.500 tỷ USD, còn phần lớn là nợ công, khoảng 24.000 tỷ USD. Các khoản nợ này do các chính phủ nước ngoài cũng như các ngân hàng và nhà đầu tư tư nhân, chính quyền bang, địa phương và Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), dưới hình thức trái phiếu Kho bạc, tín phiếu. Trong đó, chính phủ nước ngoài và các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ khoảng 7.700 tỷ USD nợ công. Trong nước, FED nắm giữ tỷ trọng nợ công lớn nhất, vào khoảng 40%.

Việc lãi suất tăng sẽ làm trầm trọng thêm nợ công, khiến Chính phủ Mỹ khó đối phó hơn với nền kinh tế đang chậm lại.

Ông Michael A. Peterson, Giám đốc điều hành của Quỹ Peter G. Peterson cho biết: “Trong thời gian dài, các nhà hoạch định chính sách đã giả định lãi suất thấp sẽ kéo dài, và chúng tôi hiện đang thấy mức độ nguy hiểm của giả định đó. Khi khoản nợ vượt qua 31.000 tỷ USD, đã quá thời điểm để hành động”.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ