Nợ phải trả gấp gần 8 lần vốn chủ, Chủ tịch chuỗi nhà sách Fahasa rút bớt vốn để thành lập công ty mới

(Banker.vn) Ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Phát hành nhà sách TP.HCM (Fahasa, UPCoM: FHS) vừa có thông báo hoàn tất bán 3 triệu cổ phiếu FHS và giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này xuống còn 14,3%.

Cụ thể, vị lãnh đạo đứng đầu chuỗi nhà sách Fahasa đã bán ra 3 triệu cổ phiếu FHS vào ngày 9/8. Thời gian giao dịch kết thúc sớm hơn gần 3 tuần so với dự kiến. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức chuyển quyền sở hữu tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam.

Nợ phải trả gấp gần 8 lần vốn chủ, Chủ tịch chuỗi nhà sách Fahasa rút bớt vốn để thành lập công ty mới
Nợ phải trả tại thời điểm cuối quý 2 của Fahasa 1.529 tỷ đồng, gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu.

Trước đó, ông Thuận cho biết mục đích bán 3 triệu cổ phiếu là để góp vốn thành lập công ty. Khối cổ phiếu này tương đương khoảng 23% vốn của Fahasa. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Thuận từ 37,8% xuống còn 14,3%, tương đương hơn 1,82 triệu cổ phiếu.

Tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/8 là 31.000 đồng/cp, ước tính khối cổ phiếu vừa được ông Thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 93 tỷ đồng. Hiện tại, Fahasa chưa công bố bên nhận chuyển nhượng cổ phiếu của ông Thuận.

Việc bán bớt cổ phiếu của ông Thuận được thực hiện trước thời điểm Fahasa chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Công ty dự kiến thanh toán 7,65 tỷ đồng cổ tức vào ngày 18/9.

Về tình hình kinh doanh, Fahasa ghi nhận doanh thu đạt 1.114 tỷ đồng trong quý 2/2024, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi khấu trừ giá vốn, Công ty thu về 263 tỷ lợi nhuận gộp. Tương đương, biên lợi nhuận gộp Công ty vào mức 24%. Đây là mức biên tương đối khả quan với một nhà kinh doanh nhà sách kiêm phát hành sách như Fahasa.

Theo tìm hiểu, Fahasa là một trong số ít các nhà sách tập trung nhiều cho việc phát hành sách giáo khoa. Nhiều đơn vị khác không mặn mà, không thiết tha với mặt hàng này vì kinh doanh gần như không có lợi nhuận.

Đại diện nhà sách cho biết, trong kinh doanh sách giáo khoa, doanh nghiệp phải chịu chi phí rất lớn cùng với áp lực về tồn kho, mà chiết khấu phát hành chỉ ở mức 8 - 10%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cập nhật thông tin các địa phương sử dụng bộ sách giáo khoa nào để phối bộ sách cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng tại từng khu vực khác nhau. Mặc dù vậy, phía Công ty vẫn làm để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Với Fahasa, việc phát hành sách giáo khoa được xem là một trong số yếu tố giúp kích cầu khách hàng mua sắm thêm dụng cụ học tập, mang lại doanh thu cho các nhà sách.

Trong quý 2 vừa qua, Công ty có tiết giảm đáng kể các chi phí, lợi nhuận sau thuế theo đó đạt hơn 7 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Fahasa đạt 1.829 tỷ đồng doanh thu và 22,5 tỷ đồng lợi nhuận, gần như đi ngang so với cùng kỳ.

Ở các năm trước đó, dù là doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên lợi nhuận mang về lại khá èo uột. Trong 5 năm trở lại đây, lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đạt 56,6 tỷ đồng đạt được trong năm 2023.

Hội đồng quản trị Fahasa dự báo tình hình thị trường tiếp tục còn nhiều khó khăn trong năm 2024. Dù vậy, công ty vẫn đầu tư mở thêm các nhà sách mới hiện đại, quy mô lớn ở các thị trường tiềm năng và làm mới các nhà sách hiện hữu. Ngoài ra, công ty cho biết sẽ khai thác hàng hoá mới để bắt kịp xu thế của giới trẻ, đẩy mạnh kinh doanh các ngành hàng sách, văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh, đồ chơi và hàng quà tặng.

Hệ thống của Fahasa hiện có hơn 120 nhà sách tại các tỉnh thành trên cả nước. Công ty cũng cho biết đã và đang đầu tư mạnh mẹ cho thương mại điện tử để phù hợp xu thế ứng dụng công nghệ. Trung tâm thương mại điện tử Fahasa đang dần chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động chung của công ty.

Tại thời điểm 30/6/2024, Fahasa có tổng tài sản 1.724 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 1.419 tỷ đồng hồi đầu kỳ. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất đến từ hàng tồn kho với hớn 902 tỷ đồng, tăng 29% so với hồi đầu năm.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, Công ty ghi nhận tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối quý 2 là 1.529 tỷ đồng, gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, phần lớn là nợ phải trả người bán ngắn hạn với hơn 1.372 tỷ đồng, công ty không ghi nhận phát sinh nợ vay tài chính.

Tính đến cuối quý 2, Fahasa hiện có vốn chủ sở hữu 194 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm một nửa so với đầu kỳ, còn 24,8 tỷ đồng.

FAHASA dồn "tổng lực" cho phát hành sách hè 2024 và chào đón chuỗi nhà sách mới

Ngày 05/06, Công ty CP Phát hành sách TP.HCM (FAHASA - UPCOM: FHS) tổ chức khai trương Nhà Sách FAHASA Đông Sài Gòn (TP. Thủ ...

Fahasa (FHS) dành 6 tỉ đồng khuyến mãi, tặng quà nhân sinh nhật thứ 48

Công ty CP Phát Hành Sách TP.HCM - (Fahasa, UPCoM: FHS) cho biết trong tháng 8, đơn vị sẽ tổ chức nhiều chương trình khuyến ...

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục