Những tỉnh sẽ có bất động sản công nghiệp khởi sắc trong năm 2024

(Banker.vn) Dự báo năm 2024, các tỉnh phía Nam của Hà Nội như Nam Định hay Thái Bình sẽ có nhiều tiềm năng, kỳ vọng phát triển mới của lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Bất động sản nhà ở Hà Nội vẫn “khát” nguồn cung Thị trường bất động sản đang ấm lại sau Tết?

Tiếp tục ghi nhận những tín hiệu lạc quan

Trong những năm qua, phân khúc bất động sản công nghiệp có sự phát triển ổn định trong nhu cầu mua và thuê. Với năm 2024, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu lạc quan.

Theo báo cáo tháng 2/2024 của Savills Việt Nam, sắp tới, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận mức phát triển nổi bật về bất động sản công nghiệp. Trong đó, tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Ninh là tỉnh nổi bật về thu hút đầu tư.

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, năm 2023, thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp tại tỉnh đạt 1,104 tỷ USD (vượt 163,7% so với năm 2022). Bắc Ninh không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất và logistics, mà còn từ các chủ đầu tư cho thuê trong nước và nước ngoài. Hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra sôi động trên toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực Yên Phong.

Những tỉnh sẽ có bất động sản công nghiệp khởi sắc trong năm 2024
Năm 2024, phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu lạc quan.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc là một thị trường đáng chú ý. Hiện tại, có nhiều hoạt động đầu tư và sẽ có thêm nhiều thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài khởi công dự án tại Vĩnh Phúc trong năm 2024.

Tỷ lệ sử dụng đất tại các tỉnh phía nam Hà Nội như Hưng Yên và Hà Nam đang cho thấy tín hiệu rất tích cực. Giá đất cạnh tranh mở ra cánh cửa mới cho các quỹ đầu tư, giúp họ tận dụng sớm những cơ hội sinh lời hấp dẫn.

Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, vị trí gần thị trường tiêu thụ chính, thuận lợi tiếp cận cảng biển đi kèm cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện cũng là những yếu tố củng cố sức hút của khu vực này.

Thời gian tới, thị trường sẽ ghi nhận mức phát triển nổi bật về bất động sản công nghiệp. Trong đó, các tỉnh phía Nam của Hà Nội như Nam Định hay Thái Bình có nhiều tiềm năng cho sự phát triển này.

Cũng theo Savills Việt Nam, đối với lĩnh vực thu hút được lượng đầu tư lớn tại các tỉnh phía Bắc, công nghệ cao và điện tử là lĩnh vực ghi nhận mức đầu tư liên tục từ các nhà cung ứng sản xuất cho các "ông lớn" về công nghệ trên thế giới.

Sự ký kết của các hiệp định thương mại quốc tế, các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và bức tranh kinh tế tổng thể của Việt Nam đã và đang thu hút đầu tư từ đa dạng các ngành nghề tới Việt Nam.

Nhu cầu của các doanh nghiệp khá đơn giản. Ví dụ, các doanh nghiệp chế xuất cần có cơ sở hạ tầng tốt để có thể tiếp cận các cảng, biên giới và sân bay lớn, ưu đãi thuế hấp dẫn và vị trí gần các nhà cung cấp đối tác.

Vốn FDI trong các khu công nghiệp sẽ chiếm khoảng 45%

Nhận định thêm về sự phát triển của phân khúc này trong năm 2024, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục khởi sắc trong năm 2024.

Thực tế, nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự tăng trưởng ở cả 2 miền Nam - Bắc. Nhu cầu bất động sản công nghiệp vẫn còn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu về các kho nhiều tầng đa dụng và nhà xưởng xây sẵn.

Đáng chú ý, Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Các nhà đầu tư đến từ Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... sẽ là khách hàng tiềm năng của bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Điều này sẽ giúp cho vốn FDI trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Theo đó, các chuyên gia dự kiến trong năm 2024, vốn FDI trong các khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ chiếm khoảng 45% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định dù thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn tăng trưởng bền vững.

"Do kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư; chính trị - xã hội của nước ta ổn định, việc cải thiện môi trường đầu tư, chính sách đối với đầu tư nước ngoài của Việt Nam ngày càng phù hợp…" - chuyên gia Đinh Trọng Thịnh chỉ ra.

Thêm vào đó, Việt Nam đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới và bất động sản các khu công nghiệp. Trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư và đưa vào sử dụng hàng ngàn km đường cao tốc liên vùng, giúp thúc đẩy sự giao lưu kinh tế - văn hóa thuận tiện giữa các vùng trong nước.

Chúng ta cần phải có quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu, đồng thời có quy hoạch tổng thể của cả nước, của từng địa phương, từng lĩnh vực để đưa ra chính sách ưu tiên phù hợp. Quy hoạch này cũng cần có tầm nhìn và có tính ổn định trong khoảng thời gian dài để các doanh nghiệp yên tâm phát triển.

Bên cạnh đó, để có thể bắt đầu đầu tư bất động sản công nghiệp hiệu quả tại Việt Nam, Savills Việt Nam khuyến cáo nhà đầu tư cần hiểu rõ quy trình cấp phép và thời gian nhận giấy chứng nhận đầu tư. Thời gian cấp phép có thể khác nhau tùy theo từng tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh tuyển dụng. Việt Nam có thế mạnh về nhân công nhưng cũng có thể có những thách thức đối với lao động lành nghề ở một số khu vực nhất định.

Đồng thời, cần tránh tự giới hạn bản thân bằng việc chỉ hợp tác với một hoặc hai chủ đầu tư dự án. Các nhà đầu tư nên sử dụng dịch vụ của một công ty môi giới công nghiệp uy tín, có kinh nghiệm để có được góc nhìn tổng quan đầy đủ về thị trường, tiếp cận với mọi lựa chọn đầu tư tiềm năng và được hỗ trợ tất cả các phân tích kỹ thuật và bảo vệ lợi ích trong đàm phán thương mại.

Dự kiến trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ quy hoạch tăng thêm 115.000 ha đất dành cho khu công nghiệp, với khoảng 558 khu công nghiệp trên cả nước, gấp gần 1,5 lần so với số lượng hiện nay. Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương