Những thực phẩm tối kỵ với người mắc bệnh tiểu đường

(Banker.vn) Người bệnh tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống, ngoài đảm bảo cung cấp dinh dưỡng thì phải cân bằng đường huyết để bảo vệ sức khỏe.
Vì sao quả bơ được lựa chọn là loại thực phẩm tuyệt vời cho người mắc bệnh tiểu đường? Người bệnh tiểu đường ăn bao nhiêu mít để không ảnh hưởng sức khỏe?

Những thực phẩm người bệnh tiểu đường nên tránh

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thùy Ngân - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Vì vậy, người bệnh cần tránh những thực phẩm có hại cho tim gồm: Thực phẩm có chứa chất béo bão hòa như sữa nguyên kem, bơ, thịt bò, xúc xích, thịt xông khói, dầu dừa, dầu hạt cọ…; thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa, tương tự như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa cũng không tốt cho cơ thể như khoai tây chiên, bánh quy, snack, bơ thực vật, đồ nướng…; thực phẩm giàu cholesterol: sữa nguyên kem, mỡ động vật, lòng đỏ trứng, gan, nội tạng…; dưa muối, cà muối, khô cá, khô mực có tẩm muối, mắm, đồ hộp…

Ngoài ra người bệnh tiểu đường nên hạn chế thực phẩm dễ gây tăng đường huyết. Tuy nhiên cũng không nên kiêng hoàn toàn mà cần chú ý một lượng vừa phải.

Người bệnh tiểu đường cần hạn chế hoa quả sấy khô
Người bệnh tiểu đường cần hạn chế hoa quả sấy khô. Ảnh minh họa

Có không ít người bệnh tiểu đường hiểu lầm khi cho rằng hoa quả sấy khô sẽ ít lượng đường hơn. Theo chuyên gia dinh dưỡng, các loại hoa quả sấy khô, mứt hoa quả... chứa lượng đường rất cao, không tốt cho sức khỏe người bệnh.

Trên thực tế, các sản phẩm trái cây khô, trái cây qua chế biến khiến lượng nước mất đi, lượng đường được cô đặc làm hàm lượng đường tăng lên. Ngoài ra, nhà sản xuất thường cho thêm đường hoặc sirô vào trái cây trước khi sấy để trái cây khô ngọt, hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, trái cây sấy khô có hàm lượng calo cao hơn các loại trái cây tươi nên dù ăn lượng trái cây nhỏ vẫn làm cơ thể thừa calo, dẫn đến nguy cơ tăng cân cao. Do đó, người bệnh nên đọc kỹ thành phần dinh dưỡng, thông tin có liên quan ghi trên nhãn bao bì của sản phẩm trước khi sử dụng.

Nhóm thực phẩm nên bổ sung

Nhóm đường bột: Ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ... được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa rán, xào... Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột, nên nếu người bệnh tiểu đường ăn các loại này thì cần phải giảm hoặc cắt cơm.

Nhóm thịt cá: Người bệnh tiểu đường nên ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ, các loại đậu đỗ... được chế biến đơn giản như hấp, luộc, áp chảo nhằm loại bớt mỡ.

Nhóm chất béo, đường: Các thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường như dầu đậu nành, vừng, dầu cá, mỡ cá, olive...

Nhóm rau: Người bệnh nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như ăn sống, hấp, luộc, rau trộn nhưng không nên sử dụng nhiều loại sốt có chất béo.

Hoa quả: Người bệnh tăng cường ăn trái cây tươi, không nên chế biến thêm bằng cách cho thêm kem, sữa, hạn chế ăn các loại quả chín ngọt như: sầu riêng, hồng chín, xoài chín...

Nguyên tắc tránh đường huyết tăng

Nhằm ngăn chặn và làm chậm các biến chứng của bệnh tiểu đường, người bệnh cần chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh đường huyết tăng đột ngột.

Cần chú ý ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên để tình trạng quá đói, hoặc quá no; không nên thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu, khối lượng các bữa ăn hàng ngày; vận động sau khi ăn, tránh nằm, ngồi một chỗ sau ăn, dành thời gian tập luyện thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng trong bữa ăn hàng ngày của người bệnh tiểu đường được xác định cụ thể sẽ tốt trong ổn định, điều trị bệnh. Do đó, lượng protein nên đạt 1- 1,2 g/kg/ngày đối với người lớn (tương đương 15- 20% năng lượng khẩu phần); tỷ lệ chất béo 25% tổng số năng lượng khẩu phần, không nên vượt quá 30%, hạn chế các axit béo bão hòa. Điều này giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa động mạch; gluxit nên đạt từ 50 - 60% tổng số năng lượng khẩu phần của người bệnh tiểu đường. Nên chọn lựa loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: Gạo lức, bánh mì đen, yến mạch, các loại đậu nguyên hạt...

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục