Những sai lầm tài chính người trẻ cần tránh

(Banker.vn) Tránh được những sai lầm về tài chính là một trong những việc làm cần thiết giúp bạn đạt được những mục tiêu cao hơn trong tương lai.

Rơi vào bẫy lạm phát lối sống

"Lạm phát lối sống" diễn ra khi bạn bắt đầu coi những thứ xa xỉ là thứ cần thiết. "Mạng xã hội khiến người ta bị thôi thúc phải bằng bạn bằng bè", Nick Reilly – một chuyên gia tài chính tại Seattle (Mỹ) cho biết, "Cảm giác sợ bị bỏ lại phía sau, cùng tâm lý ‘Mình đã có được nó’ khiến nhiều người trẻ tiêu phần lớn thu nhập cho những thứ chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn ngắn hạn".

Người trẻ thường đánh giá thấp việc họ có thể tiết kiệm bao nhiêu tiền thuê nhà, tiền ăn uống và lạm chi sẽ khiến các kế hoạch tài chính của họ thê thảm đến mức nào.

Những sai lầm tài chính người trẻ cần tránh
Hình minh họa

"Sống trong chung cư dùng thang bộ và chung cư dùng thang máy có lẽ không mang lại cảm giác khác biệt khi bạn còn trẻ. Nhưng nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền", Watson cho biết. Ông gợi ý giữ chi phí thuê nhà dưới 25% tổng thu nhập hàng tháng, và tiền ăn dưới 15%.

Lập kế hoạch nghỉ hưu quá muộn

Lập kế hoạch nghỉ hưu là cân bằng giữa tiết kiệm và chi trả cho cuộc sống hiện tại. Nhưng các chuyên gia tài chính chỉ ra cái giá của việc lập kế hoạch nghỉ hưu muộn có thể rất cao.

Nhờ lãi kép, ngay cả những khoản tiết kiệm khiêm tốn cũng tăng lên theo cấp số nhân theo thời gian. Chẳng hạn, một người bắt đầu tiết kiệm 100 USD/tháng ở tuổi 25, số tiền có thể tăng lên khoảng 150.000 USD vào năm 65 tuổi với tỷ suất lợi nhuận 5%.

Trong khi đó, nếu đợi đến 35 tuổi mới bắt đầu tiết kiệm 100 USD/tháng, ở tuổi nghỉ hưu, số tiền có được chỉ bằng một nửa.

Nhưng phần lớn chúng ta không tận dụng lãi kép. Trong một báo cáo mới của Natixis, 60% người được phỏng vấn cho biết họ sẽ phải làm việc lâu hơn dự kiến để nghỉ hưu.

40% người được hỏi cho biết "sẽ cần phép màu" để nghỉ hưu một cách an toàn.

"Một số người trì hoãn dành tiền nghỉ hưu vì vẫn còn nợ sinh viên. Nhưng lý do lớn hơn là họ cho rằng rất lâu mới đến lúc nghỉ hưu", ông Jay Lee - chuyên gia lập kế hoạch tài chính tại Ballaster Financial - bình luận.

"Nhưng nếu bắt đầu quá muộn, nhiều người sẽ rơi vào thế 'nước đến chân mới nhảy', hoặc thậm chí phải trì hoãn kế hoạch nghỉ hưu", ông nói thêm.

Không dành tiền cho những tình huống bất ngờ

Theo CNN, "quỹ khẩn cấp" có thể được dùng cho trường hợp bị mất việc, ốm đau hoặc các khoản chi tiêu bất ngờ. Tuy nhiên, nhiều người trẻ thường bỏ qua những rủi ro đó.

"Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy người trẻ không có quỹ khẩn cấp. Nhưng đó là một điều đáng lo ngại, bởi nếu gặp những tình huống khẩn cấp, họ sẽ rơi vào cảnh nợ nần", ông Lee cảnh báo.

Theo ông Lee, những người độc thân nên để dành khoản tiền đủ tiêu trong vòng 6 tháng. Đối với các cặp vợ chồng, số tiền cần có là khoảng 3 tháng chi tiêu.

Theo ông Rob Williams - Giám đốc quản lý Kế hoạch tài chính, thu nhập hưu trí và quản lý tài sản tại Charles Schwab, nên nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao để chi trả cho những trường hợp khẩn cấp hoặc khi thị trường suy thoái nghiêm trọng.

Điều này rất quan trọng đối với những sự kiện lớn nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như bị sa thải, vốn thường có nguy cơ cao trong thời kỳ suy thoái.

Giữ quá nhiều tài sản rủi ro

Dù các công cụ đầu tư mới, như NFT, SPAC và tiền số có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn, quá tập trung vào chúng sẽ khiến tài chính của bạn gặp rủi ro.

"Nhờ truyền thông xã hội, mọi người sẽ rất nhanh biết đến ai đó vừa giàu lên hoặc ít nhất cũng là biết cơ hội làm giàu", Reilly nói.

Các khoản đầu tư rủi ro cao này đang ngày cấp hấp dẫn nhà đầu tư trẻ tuổi muốn giàu nhanh. Nó cũng khiến các phương pháp gây dựng tài sản truyền thống trở nên kém hấp dẫn.

"Việc đổ hết tài sản vào các công cụ rủi ro cao như NFT hay tiền số là cực kỳ nguy hiểm", Watson nói, "Cốt lõi của lập kế hoạch tài chính là chuẩn bị cho điều xấu nhất chứ không phải là theo đuổi lợi nhuận cao nhất".

Đình Trọng t/h

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán