Nhiều ưu việt khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải

(Banker.vn) Ngày 21/12, Học viện Ngân hàng tổ chức Hội thảo quốc gia “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam”.

20221221_135808.jpg

Hội thảo là một diễn đàn học thuật chuyên sâu do Học viện Ngân hàng phối hợp với Câu lạc bộ Khối Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên, người làm thực tế học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài và hòa giải thương mại, đánh giá những quy định của pháp luật hiện hành về thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hoà giải thương mại và những vấn đề còn tồn tại trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, từ đó đặt ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải thương mại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại ở Việt Nam; đưa ra định hướng, yêu cầu và giải pháp cụ thể, giải pháp gợi mở nhằm hoàn thiệnp pháp luật và nâng cao hiệu quả thực tiễn việc thực thi phán quyết trọng tài thương mại, kết quả hòa giải thương mại tại Việt Nam.

Hòa giải thương mại và Trọng tài thương mại là các phương thức có nhiều ưu điểm trong giải quyết tranh chấp thương mại, nhất là trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, các phương thức này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi vì phần lớn các bên tham gia hoạt động thương mại chưa hiểu rõ những quy định của pháp luật, những lợi ích mang lại từ Hòa giải thương mại và Trọng tài thương mại.

Hiện nay, các công ty, tập đoàn tại các nước phát triển ngày càng ưa chuộng hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, do đó doanh nghiệp trong nước nói chung và các tổ chức tài chính, tín dụng tại Việt Nam nói riêng cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Khi hội nhập kinh tế quốc tế thì các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài diễn ra theo chiều hướng tăng và phức tạp, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị, tiếp cận về kiến thức và có những hành động cụ nhằm thích ứng với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, như là điều khoản cần có trong giao dịch trong nước và quốc tế.

Vì vậy việc đổi mới về phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại bằng trọng tài và hiểu một cách đầy đủ những ưu thế khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một bước tiến cần thiết. Những lợi ích của các bên khi sử dụng phương thức Hòa giải thương mại và Trọng tài tài thương mại có thể kể đến như: thời gian giải quyết tranh chấp nhanh, hiệu lực của phán quyế trọng tài là chung thẩm rút ngắn được các trình tự giải quyết hai cấp, giữ được bí mật kinh doanh, được lựa chọn thời gian, địa điểm và người có chuyên môn tương ứng với vụ tranh chấp để giải quyết tranh chấp, phán quyết trọng tài được cơ quan Thi hành án thi hành theo Luật thi hành án dân sự.

Chính vì những hiệu quả và lợi ích nổi bật như vậy, giải quyết tranh chấp bằng hình thức Trọng tài thương mại đã được Nhà nước công nhận và khuyến khích các bên tranh chấp áp dụng.

Bùi Trang

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục