Nhận biết ưu, nhược của 3 sàn chứng khoán ở Việt Nam

(Banker.vn) Sàn chứng khoán có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tại Việt Nam có 3 sàn chứng khoán với những ưu, nhược điểm riêng.
Chuyên gia: Thị trường chứng khoán khó vượt kháng cự, nhà đầu tư hạn chế xuống tiền Cảnh báo: Giả mạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội kêu gọi đầu tư siêu lợi nhuận Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7

Sàn chứng khoán là gì?

Sàn chứng khoán là nơi các nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua bán các loại chứng khoán đang có trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể trao đổi, tặng cũng như chuyển nhượng loại tài sản bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, phái sinh và các loại tài sản đầu tư khác trên sàn.

Hiểu đơn giản, sàn chứng khoán được ví như “chợ mua bán chứng khoán online”, "sàn giao dịch chứng khoán online". Đây là nơi trung gian hỗ trợ các công ty phát hành hoặc thu hồi chứng khoán, thực hiện các nghĩa vụ nợ – vốn cho nhà đầu tư, nơi chi trả cổ tức… Cũng như là một sân chơi để người mua và người bán chứng khoán trao đổi với nhau. Bên cạnh đó, các sàn chứng khoán cũng cung cấp một lượng lớn thông tin công ty, tài liệu đầu tư để bạn tham khảo kỹ trước khi ra quyết định.

Vai trò của sàn chứng khoán

Vai trò của sàn chứng khoán là tạo môi trường giao dịch, tạo cơ hội cho người bán và người mua gặp nhau. Các nhà đầu tư sẽ gặp nhau trên sàn và thực hiện các giao dịch mua bán theo nhu cầu thỏa thuận hay khớp lệnh. Thông qua sàn chứng khoán, các nhà đầu tư có thể thực hiện tất cả các giao dịch khác nhau.

Nhận biết ưu, nhược của 3 sàn chứng khoán ở Việt Nam
Các sàn chứng khoán có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế

Có lẽ vai trò quan trọng bậc nhất của sàn chứng khoán là việc huy động vốn cho doanh nghiệp. Các công ty, doanh nghiệp muốn phát triển quy mô kinh doanh, tăng trưởng thị phần đều cần nguồn vốn lớn. Nhờ có sàn chứng khoán mà họ huy động được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp mong muốn lên sàn để huy động vốn.

Sàn chứng khoán có thể giúp nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận nhờ am hiểu thị trường chứng khoán, nắm bắt được tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và có phương pháp giao dịch đúng đắn.

Vai trò tái phân phối sẽ giúp giảm thiểu chênh lệch thu nhập giữa các nhà đầu tư, tạo cơ hội nhận được cổ tức từ việc kinh doanh phát triển của công ty.

Khi doanh nghiệp phát hành chứng khoán lên sàn cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có nhiều người sở hữu. Theo đó, hoạt động kinh doanh cũng được minh bạch hơn, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư, tạo tiền đề phát triển công ty.

Ngoài ra, sàn chứng khoán còn được gọi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán của một quốc gia phát triển cho thấy sự tăng trưởng kinh tế quốc gia cũng tốt hơn.

Ba sàn chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam

Hiện nay tại Việt Nam đang có 3 sàn chứng khoán tập trung trực thuộc 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các Sở giao dịch đều có những nhiệm vụ tương đối độc lập, hỗ trợ và bổ sung cho nhau.

Ngày 11/12/2021, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức được thành lập với mục tiêu sẽ sáp nhập 2 Sở giao dịch vào làm 1.

Hiện nay, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) là công ty mẹ của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE)

Sàn HoSE (viết tắt của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh) trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là được thành lập năm 2000. Sàn có sự tham gia của nhiều mã chứng khoán cũng như sự tham gia của cá nhà đầu tư lớn nhất.

Điều kiện niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE khắt khe như: Những quy định doanh nghiệp phải công khai các khoản nợ đối với các cổ đông lớn, hội đồng quản trị, giám đốc và ban kiểm soát…; các công ty phải có vốn hoá điều lệ trên 120 tỷ đồng; doanh nghiệp phải có ít nhất 2 năm liên tiếp không lỗ, đồng thời không có các khoản nợ quá hạn 1 năm, không có lỗ luỹ kế tích luỹ tại năm đăng ký lên sàn; nếu công ty niêm yết đưa thông tin sai quá 4 lần sẽ bị cảnh cáo hoặc nếu không đáp ứng được các yêu cầu về vốn điều lệ, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng… sẽ bị sàn HoSE huỷ đăng ký mã chứng khoán trên sàn.

Do đó, mã cổ phiếu được giao dịch trên sàn này được đánh giá là uy tín. Sàn HoSE có mã là VN30 (mã chỉ số cổ phiếu giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay).

Hoạt động giao dịch trên sàn HoSE diễn ra từ 9h - 15h trong ngày từ thứ 2 đến thứ 6, trừ những ngày lễ theo quy định. Theo đó, 15 phút đầu tiên là phiên khớp lệnh giá mở cửa trong ngày (ATO), dựa vào khối lượng mua và bán, giá mở cửa sẽ được xác định bởi giá mà tại đó số lượng người mua và người bán gặp nhau là nhiều nhất. Phiên khớp lệnh liên tục diễn ra từ 9h30 - 14h30, trừ thời gian nghỉ trưa. Tiếp đó là phiên ATC, phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa cho phiên giao dịch của ngày.

Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)

Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) được ra đời năm 2005 và chính thức hoạt động giao dịch năm 2009, sàn chịu trách nhiệm tổ chức quản lý các tài sản chứng khoán.

Nhận biết ưu, nhược của 3 sàn chứng khoán ở Việt Nam

Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)

Sàn HNX cũng là sản có mức độ uy tín cao, không có quá nhiều quy định như sàn HoSE, tuy nhiên đây vẫn là sàn chứng khoán lớn tại Việt Nam được nhiều công ty lựa chọn để niêm yết.

Sàn HNX không có phiên khớp lệnh giá mở cửa mà chỉ có phiên khớp lệnh giá đóng cửa, tuy nhiên sàn HNX sẽ có thêm phiên khớp lệnh sau giờ nhằm đảm bảo tính thanh khoản của thị trường.

Trên sàn HNX cũng cung cấp cho các nhà đầu tư các loại chứng như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh…

Những quy định đối với doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX: Doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn phải có vốn hoá điều lệ là 30 tỷ đồng; doanh nghiệp không lỗ quá hạn 1 năm…

Sàn giao dịch chứng khoán UPCOM

Sàn UPCOM là nơi diễn ra các giao dịch chứng khoán của những mã cổ phiếu không đủ tiêu chuẩn niêm yết trên sàn HoSE, HNX. Sàn UPCOM được ra đời năm 2009 và được quản lý bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Khối lượng giao dịch trên sàn UPCOM cũng rất lớn và các quy định cũng dễ hơn.

Sàn UPCOM được xây dựng nhằm đáp ứng các nhu cầu về phát triển thị trường tại Việt Nam. Việc gia nhập sàn UPCOM đơn giản và không có nhiều quy định, vì vậy các nhà đầu tư hoạt động trên sàn UPCOM cũng có nhiều rủi ro.

Sàn UPCOM có những ưu điểm như: Hoạt động công khai, có tính minh bạch và có cam kết về mức độ an toàn, uy tín cho khách hàng tham gia. UPCOM được đánh giá giá là có mức độ uy tín hơn sàn OTC; các nhà đầu tư có thể tiếp cận được nhiều doanh nghiệp tiềm năng nhưng chưa được niêm yết trên sàn HoSE, HNX; tạo đòn bẩy cho các nghiệp có thể niêm yết trên sàn HoSE hay HNX.

Nhược điểm của sàn UPCOM: Tính thanh khoản của các mã cổ phiếu trên sàn khá thấp; nhiều mã chứng khoán không còn được giao dịch, sự lựa chọn mã chứng khoán hạn chế; không phù hợp cho việc đầu tư dài hạn, bởi biên độ dao động lớn, ngây ra nhiều rủi ro trong dài hạn; tiêu chuẩn trên sàn UPCOM thấp hơn so với HoSE hay HNX.

Trên đây là tất cả những thông tin chung về sàn chứng khoán và các sàn chứng khoán uy tín nhất tại Việt Nam. Qua những dữ liệu này, nhà đầu tư có thể có quyết định lựa chọn giao dịch những cổ phiếu trên sàn giao dịch phù hợp với quan điểm, chiến lược cũng như "khẩu vị rủi ro" trong đầu tư của mỗi người.

Thế Hoàng

Theo: Báo Công Thương