Nhà máy nước trăm tỷ ở Gia Lai bị cưỡng chế, kê biên

(Banker.vn) Nhà máy nước cung cấp nước sạch cho cả ngàn hộ dân và trụ sở các cơ quan ở huyện Chư Sê (Gia Lai) bị kê biên. Lý do, chủ đầu tư hiện nợ ngân hàng hơn 71 tỷ đồng
Bộ Công an yêu cầu Gia Lai cung cấp các hồ sơ dự án về cây xanh Nhà máy nước trăm tỷ ở Gia Lai gây tranh cãi về chất lượng nguồn nước Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo làm rõ vụ 359 ha rừng cao su “vô chủ”

Ngày 2/7, theo nguồn tin của phóng viên Báo Công Thương có được, Cục Thi hành án dân sự (Cục THADS) tỉnh Gia Lai vừa có văn bản đề nghị cưỡng chế, kê biên đối với Nhà máy nước của Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê (địa chỉ: 02 Phạm Văn Đồng, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai).

Cục THADS tỉnh Gia Lai cho biết, việc thi hành án được thực hiện theo bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02 của Tòa án nhân dân huyện Chư Sê đối với Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê.

Theo đó, công ty này phải trả nợ tổng số tiền nợ gốc còn lại và nợ lãi tính đến ngày 10/11/2023 là hơn 71 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc còn lại là 49,7 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn tính tháng 11/2023 là 21,1 tỷ đồng; lãi quá hạn tính đến tháng 11/2023 là hơn 177 triệu đồng. Ngoài ra, công ty này còn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm hơn 179 triệu đồng để sung vào công quỹ Nhà nước.

Theo Cục THADS tỉnh Gia Lai, trường hợp Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê không thực hiện nghĩa vụ trả số nợ trên thì ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp theo các hợp đồng thế chấp tài sản đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm.

Đó là, toàn bộ tài sản hình thành từ dự án Đầu tư xây dựng mới nhà máy nước sạch công suất 9.000 m³/ngày đêm tại huyện Chư Sê của Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê theo hợp đồng thế chấp số 363 (năm 2019).

Toàn bộ quyền phát sinh và có liên quan đến “Dự án đầu tư xây dựng mới nhà máy nước sạch công suất 9000 m³/ngày đêm tại huyện Chư Sê, Gia Lai” bao gồm: Quyền khai thác, quyền kinh doanh, quyền mua bán, quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, quyền góp vốn, quyền thụ hưởng bảo hiểm, đền bù, bồi thường thiệt hại… Các quyền phát sinh từ nguồn thu và các khoản lợi tức thu từ việc kinh doanh, khai thác dự án theo Hợp đồng thế chấp quyền tài sản.

Do đó, để có cơ sở cho việc thực hiện cưỡng chế, kê biên đối với Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê, Cục THADS tỉnh Gia Lai có văn bản đề nghị UBND huyện Chư Sê cung cấp các thông tin như: Các xã được đầu tư kinh phí xây dựng nguồn cấp nước sạch (nguồn kinh phí đầu tư, nguồn kinh phí duy trì sử dụng...); Việc hỗ trợ kinh phí duy trì sử dụng nước sạch, cách thức chi trả ...; Tổng số hộ dân sử dụng nguồn nước sạch (ngoài số do nhà nước hỗ trợ).

Nhà máy nước trăm tỷ ở Gia Lai bị cưỡng chế, kê biên

Nhà máy nước Chư Sê bị đề nghị cưỡng chế, kê biên. (Ảnh: Hồng Phong)

Một lãnh đạo UBND huyện Chư Sê cho biết, Cục THADS tỉnh Gia Lai có gửi văn bản cho UBND huyện để chính quyền phối hợp trong việc thi hành án (cưỡng chế, kê biên) đối với Nhà máy nước Chư Sê.

Dự án Nhà máy nước tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai có tên đầy đủ “Dự án đầu tư xây dựng mới nhà máy nước sạch công suất 9.000m3/ngày đêm của Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê”, dự án có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Thời gian xây dựng từ năm 2017 đến Quý III/2019 và đến Quý IV/2019 toàn bộ công trình được đưa vào khai thác, sử dụng.

Không chỉ nợ tiền ngân hàng, Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê (chủ đầu tư Nhà máy nước Chư Sê) cũng nợ tiền điện nhiều tháng liền không trả. Điện lực Chư Prông (Công ty Điện lực Gia Lai) nhiều lần phát văn bản ra “tối hậu thư” ngừng cấp điện đối với Nhà máy nước.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Điện lực Chư Prông: Tính đến hiện tại 27/6/2024, Công ty Cổ phần cấp nước Chư Sê vẫn chưa thanh toán tiền điện từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024 cho Điện lực Chư Prông - Công ty Điện lực Gia Lai số tiền hơn 307 triệu đồng và đang tiếp tục phát sinh tiền điện tháng 6/2024 dự kiến khoảng 65 triệu đồng.

Hồng Phong

Theo: Báo Công Thương