Từ ngày 1/1/2025, các tài khoản thanh toán của khách hàng doanh nghiệp tại các ngân hàng sẽ phải hoàn tất xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân của người đại diện hợp pháp, theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Quy định mới này nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng tài khoản thanh toán cho các mục đích bất hợp pháp thông qua giấy tờ giả.
Từ 1/7/2024, quy định xác thực sinh trắc học đã được áp dụng cho khách hàng cá nhân, Ảnh minh họa |
Trước đó, từ 1/7/2024, quy định xác thực sinh trắc học đã được áp dụng cho khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở bằng cách mở tài khoản doanh nghiệp để né tránh yêu cầu xác thực sinh trắc học. Để ngăn chặn tình trạng này, quy định mới sẽ bắt buộc các ngân hàng xác minh sinh trắc học đối với người đại diện pháp lý của doanh nghiệp. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng, nhấn mạnh: “Đối với các giao dịch doanh nghiệp lớn, cần chữ ký xác nhận trách nhiệm để có thể truy vết khi xảy ra vấn đề”.
Các ngân hàng siết chặt quy định giao dịch điện tử
Một số ngân hàng đã phát đi thông báo đến các khách hàng doanh nghiệp về việc sẽ dừng giao dịch nếu chưa hoàn thành cập nhật giấy tờ tùy thân và xác thực sinh trắc học.
Cụ thể,VPBank thông báo rằng các tài khoản doanh nghiệp sẽ bị dừng giao dịch nếu giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản hoặc người được ủy quyền chưa hợp lệ. Thẻ doanh nghiệp, bao gồm thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, cũng sẽ bị ngừng giao dịch nếu đại diện hợp pháp hoặc chủ thẻ chính chưa xác thực sinh trắc học. Để tránh gián đoạn, VPBank khuyến cáo khách hàng cập nhật ngay giấy tờ tùy thân và thực hiện xác minh sinh trắc học.
Các ngân hàng cũng đưa ra khuyến cáo về an toàn giao dịch và bảo mật thông tin cho khách hàng doanh nghiệp. VPBank nhấn mạnh rằng quy trình cập nhật sinh trắc học chỉ thực hiện qua ứng dụng hoặc tại các chi nhánh chính thức của ngân hàng. Nhà băng cảnh báo khách hàng không truy cập các đường dẫn giả mạo, không chia sẻ thông tin như user, mật khẩu, CCCD, mã OTP, nhằm tránh nguy cơ bị lừa đảo.
Ngoài ra, VPBank khuyến cáo doanh nghiệp không tự sử dụng thiết bị NFC tại nhà để tránh rủi ro bảo mật. Nhà băng cũng lưu ý rằng việc cập nhật sinh trắc học hiện chưa hỗ trợ cho người nước ngoài.
Tương tự, Nam A Bank và VietinBank cũng yêu cầu các khách hàng tổ chức liên quan, bao gồm người đại diện pháp luật và kế toán trưởng, đảm bảo giấy tờ tùy thân còn hiệu lực, đồng thời cập nhật sinh trắc học đầy đủ để tránh gián đoạn giao dịch.
Vietcombank đưa ra thông báo về việc dừng giao dịch đối với các tài khoản thanh toán của doanh nghiệp nếu thông tin giấy tờ tùy thân hoặc sinh trắc học chưa được cập nhật. Ngân hàng yêu cầu thu thập và theo dõi thông tin của người đại diện hợp pháp khi mở tài khoản hoặc thẻ doanh nghiệp.
VietinBank cũng cho biết với khách hàng tổ chức, tài khoản thanh toán sẽ bị tạm dừng giao dịch nếu người liên quan trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức (bao gồm: người đại diện theo pháp luật, kế toán trưởng và những người được ủy quyền) hết thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân.
Trước ngày 1/1/2025, nhiều ngân hàng như: NCB, OCB, SHB, Eximbank (EIB) đã yêu cầu khách hàng doanh nghiệp hoàn tất cập nhật thông tin cá nhân và sinh trắc học nhằm bảo vệ tài khoản và duy trì giao dịch thuận lợi trong thời gian tới.
Tài khoản giao dịch trực tuyến cũng sẽ bị dừng nếu tài khoản doanh nghiệp không cập nhật sinh trắc học.
72% tài khoản lừa đảo biến mất: Chiến dịch sinh trắc học làm được điều không tưởng! Xác thực sinh trắc học giúp giảm mạnh 72% số tài khoản lừa đảo sau khi Ngân hàng Nhà nước triển khai Quy định 2345/QĐ-NHNN. ... |
Smart Banking 2024: Xu hướng thanh toán không tiền mặt và ứng dụng AI trong ngân hàng Tại Smart Banking 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh xu hướng thanh toán không tiền mặt với 87% ... |
LPBank khuyến nghị khách hàng cập nhật giấy tờ, xác thực sinh trắc học trước ngày 1/1/2025 Căn cứ quy định về Luật Căn Cước 26/2023/QH15, Thông tư 17 về việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cùng Thông tư 18/2024/TT-NHNN ... |
Hồng Quân