Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn: Đẩy mạnh số hóa giáo dục

(Banker.vn) Chuyển đổi số sẽ là tiền đề để ngành Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn xây dựng thành công mô hình giáo dục thông minh, hiện đại.
Công đoàn Lạng Sơn: Chuyển mình cùng nhịp sống người lao động Số hóa toàn diện tạo đột phá cho tương lai

Việc áp dụng khoa học - công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, giúp tăng cường trải nghiệm của người học, cải thiện chất lượng giảng dạy, nâng cao hiệu quả quản lý. Chuyển đổi số sẽ là tiền đề để ngành Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn xây dựng thành công mô hình giáo dục thông minh, hiện đại.

Những năm qua, chuyển đổi số trong giáo dục tại Lạng Sơn đã có bước tiến dài đầy bứt phá. Hiện nay, đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu 100% trường học ứng dụng công nghệ số, chữ ký số trong công tác quản lý dạy và học. Bước đầu, các nhà trường đang thực hiện chữ ký số trên hồ sơ điện tử gồm sổ điểm, sổ học bạ, sổ đăng bộ. 100% trường học trên địa bàn đã sử dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến; 100% giáo viên sử dụng chữ ký số, bỏ hoàn toàn học bạ và bảng điểm giấy...

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn: Đẩy mạnh số hóa giáo dục
Ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn - cho biết, ngành giáo dục và đào tạo đứng trước những khó khách thách thức không hề nhỏ. Việc trang bị hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối internet đối với các trường vùng khó khăn còn hạn chế. Kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, trang bị thêm thiết bị... còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ yêu cầu chuyển đổi số...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành đã được nâng lên, bước đầu công tác chuyển đổi số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, hạ tầng số trong ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những chuyển biến tích cực. Hiện tại toàn ngành có 3.929 máy tính phục vụ quản lý, công tác hành chính nhà trường, công tác chuyên môn của giáo viên; 564 phòng máy tính với 7.849 máy tính phục vụ học tập của học sinh; 2.753 bộ thiết bị trình chiếu được sử dụng dạy học trong nhà trường; 307 bảng thông minh đã trang bị.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các đơn vị triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu của Bộ; kết nối trao đổi dữ liệu từ phần mềm quản lý trường học với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; tăng cường sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường, khuyến khích áp dụng các giải pháp trao đổi thông tin miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục.

Công tác bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo. Nhờ vậy, số lượng, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được nâng lên. Hiện nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn có 81,8% cán bộ quản lý, 73,3% giáo viên và 30,3% nhân viên có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và nâng cao.

Cũng theo ông Tuấn, việc sử dụng chữ ký số đã được triển khai kịp thời tới các đơn vị và cá nhân trong toàn ngành. Hiện, tỉnh đã trang bị được 17.500 chứng thư số cho tổ chức, cán bộ quản lý và giáo viên trên địa bàn; b. Bước đầu thực hiện ký số trên 03 loại hồ sơ điện tử bao gồm sổ điểm, sổ học bạ, sổ đăng bộ.

Bên cạnh đó, công tác phát triển xã hội số bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức dạy và học trực tuyến đối với các cấp học tiểu học, THCS, THPT. Tỉnh còn tăng cường đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đường truyền internet, phần mềm, học liệu và tập huấn giáo viên, học sinh áp dụng dạy học trực tuyến hiệu quả. Vừa qua, sở cũng đã tổ chức giới thiệu hệ thống Onluyen.vn để ôn tập, kiểm tra, khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 theo hình thức trực tuyến...

Với một địa phương miền núi biên giới kinh tế còn khó khăn như Lạng Sơn, đạt được những kết quả chuyển đổi số như trên không phải là việc dễ dàng. Song, những “viên gạch” số hóa đầu tiên này sẽ giúp Lạng Sơn xây dựng thành công mô hình giáo dục thông minh, hiện đại trong tương lai không xa.

Nguyễn Phương - Nguyễn Hoàng

Theo: Báo Công Thương