Học sinh Hà Nội khát “vé” vào lớp 10 công lập: Trận chiến chưa có hồi kết?

(Banker.vn) Trận đua vào lớp 10 công lập tại Hà Nội ngày càng căng thẳng khi mới đây địa phương công bố gần 52.000 học sinh sẽ phải học các trường ngoài công lập.
Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì về thông tin “tỷ lệ tuyển sinh lớp 10 công lập thấp kỷ lục”? Hà Nội chia thành 12 khu vực tuyển sinh lớp 10 công lập

Kỳ thi áp lực nhất của học sinh phổ thông

Ngày 16/4, tại Hội nghị hướng dẫn xét tốt nghiệp THCS năm học 2023-2024; tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, 6 và 10 năm học 2024-2025; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023-2024 thành phố có 133.000 học sinh lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS.

Tuy nhiên, chỉ tiêu vào các trường THPT công lập chỉ chiếm 61%, 39% còn lại tương đương khoảng gần 52.000 học sinh sẽ phải học các trường ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, học nghề...

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2024-2025, thành phố giữ ổn định phương thức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Hiện công tác giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT năm học 2024-2025 đã cơ bản hoàn thành.

"Các trường THPT trên địa bàn thành phố sẽ tuyển 100% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10, trong đó có 61% học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập" - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nói.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 sẽ diễn ra vào ngày 8/6 và 9/6.

Đặc biệt năm nay, tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội không chỉ "nóng" ở trường công lập mà sang cả tư thục. Nhiều trường tư thục hiện nay tỷ lệ chọi cũng rất cao. Bởi không ít phụ huynh có con học chưa tốt, thuộc tốp dưới đã tự tính toán hoặc nhờ thầy cô tư vấn để chọn trường phù hợp cho con. Với số lượng hồ sơ ghi danh ngày càng nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp 3, có trường đã phải tạm dừng nhận hồ sơ mới.

Học sinh Hà Nội khát “vé” vào lớp 10 công lập: Trận chiến chưa có hồi kết?
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 sẽ diễn ra vào ngày 8/6-9/6

Cùng với đó, cuộc đấu giữa học sinh giỏi với nhau để vào lớp 10 các trường THPT chuyên lại càng khốc liệt hơn. Hà Nội hiện có 6 trường THPT chuyên (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và trực thuộc các đại học, trường đại học) cùng 2 trường phổ thông có lớp chuyên. Vì vậy, 1 chọi 10, thậm chí có trường 1 chọi tới 20 đủ thấy áp lực của sĩ tử lựa chọn thi chuyên.

Em Đức Minh, Trường THCS Mễ Trì, Hà Nội, mỗi tuần có 6 buổi học tại trường, cộng với 20 ca học thêm, chưa kể thời gian tự học mỗi ngày đến 12h đêm. Dù căng thẳng, mệt mỏi, nhưng theo em Đức Minh, đó là cách duy nhất để mang lại hy vọng đỗ một suất vào lớp 10 công lập.

Dự định thi vào một số trường chuyên (Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Hà Nội-Amsterdam, Chuyên Sư phạm, Chuyên Nguyễn Huệ), em N.H.M. - Trường THCS Marie Curie, Hà Nội, chia sẻ Hà Nội có nhiều bạn rất giỏi nên muốn có cơ hội vào học tại các trường này, em phải học rất nhiều. Lịch học gần như kín các ngày trong tuần, từ sáng đến đêm, cả thứ Bảy, Chủ Nhật.

Cuộc thi vào lớp 10 thực sự là bài toán khó

Nhiều năm qua, thi vào lớp 10 trường công lập ở Hà Nội đã trở thành kỳ thi căng thẳng bậc nhất. Khu vực nội thành, điểm trúng tuyển luôn ở mức rất cao.

Số liệu 5 năm trở lại đây cho thấy, Trường THPT Chu Văn An đứng đầu cả 3 năm, trung bình luôn trên 8,5 điểm/môn. Các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ luôn nóng bỏng khi mùa thi đến.

Các quận/huyện khác, tuy có “dịu” hơn, nhưng điểm số cũng không hề thấp. Lý do chính là do số thí sinh thi vào trường công nhiều nhưng trường lớp ít.

Xét về nguyện vọng thì đa số phụ huynh có con thi lớp 10 đều mong con đỗ vào trường THPT công lập; cực chẳng đã mới phải cho con học giáo dục thường xuyên hay trường nghề.

Trong khi đó, với tốc độ tăng dân số cơ học chóng mặt, dân số tập trung đông đảo ở các quận nội thành và thưa thớt ở huyện ngoại thành dẫn đến hiện tượng thừa thiếu trường lớp cục bộ. Hệ quả của điều này là điểm chuẩn lớp 10 có sự chênh lệch lớn khi tốp trường có điểm chuẩn cao nhất và trường có điểm chuẩn thấp nhất vênh nhau đến vài chục điểm.

Cũng chính vì thế, sức ép thi cử ngay từ tháng 3 năm nay, trong khi các trường THPT trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không được phép tổ chức thi thử tuyển sinh lớp 10, nhưng các trường THPT chuyên thuộc các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố vẫn tổ chức và nhận được sự hưởng ứng của rất đông học sinh lớp 9, cho dù lệ phí không hề rẻ.

Trong đó có Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội (tổ chức thi thử 2 đợt, lệ phí đăng ký là 450.000 đồng/đợt thi, không hoàn lại nếu thí sinh bỏ thi). Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức 2 đợt thi thử. Với Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, đợt 1 có 1.300 thí sinh dự thi thử, đợt 2 có trên 2.000 thí sinh. Lệ phí dự thi là 450.000 đồng/lượt thi 3 môn.

Dù chỉ mang tính chất đánh giá, kiểm tra năng lực nhưng nhiều năm trở lại đây, không ít phụ huynh Hà Nội đã bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đăng ký cho con tham gia các kỳ thi thử trước mùa tuyển sinh chính thức vào lớp 10. Phụ huynh đăng ký cho con tham gia kỳ thi thử chủ yếu do tâm lý lo lắng, sốt ruột. Điều đó càng cho thấy mức độ căng thẳng mùa thi vào 10 ở Hà Nội.

Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng việc giảm áp lực cho cuộc thi vào lớp 10 thực sự là bài toán khó. Nếu chỉ giải quyết bằng cách tăng lớp, tăng sĩ số học sinh là giải pháp ngắn hạn, trước mắt. Về lâu dài, với các thành phố lớn, quy hoạch về phát triển các khu đô thị phải đồng bộ với các dịch vụ về giáo dục, y tế để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Còn về câu chuyện phân luồng, theo bà Mai Hoa, đây là một chủ trương đúng. Nhưng thực tế nếu để đạt chỉ tiêu phân luồng vào các trường nghề mà dùng hình thức thu hẹp cánh cửa vào các trường phổ thông công lập, “ép” học sinh chọn trường nghề sẽ không hiệu quả; thậm chí còn ảnh hưởng tới quyền được học hết bậc phổ thông của trẻ.

"Để mở rộng cánh cửa hơn cho học sinh vào trường công, chính quyền địa phương cần mở thêm trường THPT công lập tại những khu vực đông dân cư, vẫn biết điều đó không hề dễ dàng" - bà Mai Hoa cho hay.

Bên cạnh đó, để giảm tải áp lực mùa thi, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) cho biết, trước một kỳ thi quan trọng có sự cạnh tranh cao, áp lực là không thể tránh khỏi, đặc biệt là những học sinh có nguyện vọng học trường chuyên, lớp chọn.

Các sĩ tử nên phân bổ thời gian học tập hợp lý, không nên thức ôn bài quá khuya, ngủ không đủ giấc khiến đầu óc thiếu tập trung, học tập kém hiệu quả. Đồng thời, nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng để có sức khỏe tốt, sẵn sàng "vượt vũ môn".

Đặc biệt, sự quan tâm và đồng hành của gia đình trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng, góp phần giúp các sĩ tử giải tỏa áp lực.

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục