Hà Nội: Đối thoại, tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Luật, Kinh tế

(Banker.vn) Ngày 20/4, Báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức chương trình “Đối thoại, tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Luật - Kinh tế” tại Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên).
Hơn 1.000 học sinh được tư vấn hướng nghiệp về khối ngành công nghệ Khởi động chương trình Tư vấn tuyển sinh 2024

Lưu ý các mốc thời gian trong tuyển sinh đại học

Phát biểu khai mạc sự kiện, nhà báo Ngô Vương Tuấn - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô - cho biết, chương trình "Đối thoại, tư vấn hướng nghiệp về khối ngành Kinh tế và Luật" là cơ hội để các học sinh hiểu rõ hơn về bản thân, có cái nhìn rõ ràng hơn về điểm mạnh, điểm yếu, sở thích và tiềm năng của mình. Với những thông tin và kiến thức thu thập được từ chương trình, hy vọng các học sinh sẽ có được sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai của mình.

Hà Nội: Hơn 1.000 học sinh được tư vấn chọn khối ngành Luật, Kinh tế
Hơn 1.000 học sinh Hà Nội được tư vấn chọn khối ngành Luật, Kinh tế

Bà Hoàng Thúy Nga - chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thông tin về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024, đồng thời lưu ý thí sinh quy định về xét tuyển sớm…

Theo đó, năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất. Điều này tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho thí sinh.

Học sinh và phụ huynh cần lưu ý các mốc thời gian trong tuyển sinh đại học. Cụ thể, từ ngày 18 - 30/7, thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống, rút ngắn 8 ngày so với năm 2023. Ngày 21/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn khối ngành khoa học sức khỏe và sư phạm. Ngày 22/7 các trường đào tạo sức khỏe và sư phạm sẽ công bố điểm sàn của 2 khối ngành này. Từ ngày 31/7 - 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển. Trước 17 giờ ngày 19/8, tất cả các trường phải công bố điểm chuẩn. Sau đó, thí sinh xác nhận nhập học lên hệ thống từ ngày 19 - 27/8.

Tại chương trình, TS. Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô đã chia sẻ với các bạn học sinh về 5 bước chọn ngành, nghề phù hợp với bản thân và xu hướng và phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Thành Đô; TS. Đỗ Thị Vân Dung - Phó Trưởng khoa Kinh tế Đô thị - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chia sẻ rõ hơn chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh cũng như cơ hội việc làm trong ngành Kinh tế của trường; TS. Đỗ Phương Huyền - Khoa Kinh tế quản lý, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã chia sẻ về cơ hội việc làm đối với các ngành quốc tế cũng như chỉ tiêu tuyển sinh của khoa năm nay.

“Mùa tuyển sinh này, chỉ tiêu của khoa là hơn 200 trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh 1.500 của Trường Quốc tế với nhiều hình thức tuyển sinh đa dạng, trong đó có hình thức xét tuyển sớm. Do đó, nếu các bạn học sinh có ước mơ du học nước ngoài nhưng điều kiện gia đình hay kinh tế không cho phép có thể lựa chọn du học ngay trong nước tại Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội)", TS. Nguyễn Thúy Vân chia sẻ.

Trên 90% sinh viên ra trường có việc làm - lý do ngành Kinh tế và Luật ‘hút’ thí sinh

Luật sư Lê Thị Thanh Huyền - luật sư điều hành Công ty Luật HTH Global và Cộng sự - cho biết, hiện nay nhóm ngành Kinh tế và Luật có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trên 90%, trong đó có rất nhiều ngành các em thích.

học sinh trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, tham quan gian tư vấn hướng nghiệp của các trường cao đẳng, đại học tại chương trình đối thoại:
Học sinh Trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, tham quan gian tư vấn hướng nghiệp của các trường cao đẳng, đại học tại chương trình đối thoại

Có một số thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc? Theo luật sư Lê Thị Thanh Huyền, học ngành Luật không chỉ ra trường để làm luật sư, mà thực tế đời sống cần nhiều kiến thức của các sinh viên luật ra trường.

Hiện ngành Luật có nhiều chuyên ngành: Luật hiến pháp, dân sự, hình sự, kinh tế… để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Vì vậy, khi học Luật chúng ta sẽ làm được rất nhiều công việc khác nhau trong xã hội.

Chính vì thế, thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc không có căn cứ, bởi các bạn sinh viên ra trường có thể làm thẩm phán, công chứng viên, nhà báo…

Theo nhiều thông tin, mức lương trung bình trên 15 triệu thì 90% rơi vào ngành Luật. Cơ hội và thu nhập trải dài trên tất cả các lĩnh vực của ngành này. Tuy nhiên, để theo học ngành này, trước hết các em phải xác định mục tiêu và đam mê. Ngành luật ngoài kiến thức trong nhà trường, cần đòi hỏi kiến thức, kĩ năng mềm như: Thuyết trình, tổ chức công việc, tận dụng các chi tiết hay, đặc biệt trong thời buổi kinh tế hội nhập, thì ngoại ngữ là kỹ năng cực kỳ quan trọng (luật sư thành thạo ngoại ngữ có thu nhập gấp 2, gấp 3 luật sư không có ngoại ngữ).

Thực tế, có những luật sư làm trong công ty luật có thu nhập 10-20 triệu/giờ tư vấn. Tiếp nữa, vấn đề thừa hay thiếu còn phụ thuộc vào chất lượng luật sư. Ở trường đào tạo ngành Luật, có nhiều bạn sinh viên đang theo học đã được mời theo các vụ việc. Từ thực tế trên có thể thấy, sự phấn đấu, học tập, trau dồi kỹ năng mềm, trải nghiệm thực tế thì sẽ có nhiều cơ hội trong ngành Luật này.

Trả lời băn khoăn của thí sinh về cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học gia tăng cơ hội trúng tuyển, tránh những sai lầm đáng tiếc, bà Hoàng Thúy Nga cho biết, thí sinh cần chọn ngành trước khi chọn trường. Các em phải định hướng rõ bản thân đam mê cái gì, yêu thích cái gì từ đó đưa ra lựa chọn cho bản thân.

“Có học sinh đăng ký 10 nguyện vọng vào 10 ngành khác nhau. Nguyện vọng 1 ngành Quản trị kinh doanh, nguyện vọng 2 ngành Luật, nguyện vọng 3 ngành Du lịch… Như vậy, bản thân học sinh đó chưa định hướng rõ sở trường năng lực của mình. Các em hãy chọn ngành để làm sao sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, bản thân rất mong muốn được làm công việc đó”, bà Hoàng Thúy Nga dẫn chứng.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương