Ngành điều liên tục nhận cảnh báo từ thị trường

(Banker.vn) Từ tháng 6/2023, các lô hàng hạt điều xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu liên tục bị cảnh báo do nhiễm côn trùng sống. Sự báo động càng tăng lên vào quý 3/2023.
Xuất khẩu hạt điều dự báo tăng trưởng mạnh trong các tháng tới Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu điều Vì sao ngành điều tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo xuất khẩu năm 2023?

Sau 2 năm sa sút vì tình hình dịch bệnh và chiến sự xảy ra trên thế giới, từ đầu năm đến nay ngành điều đã có sự hồi phục, đặc biệt trong những tháng gần đây đơn hàng được ký nhiều hơn.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,25 triệu tấn nhân điều, thu về 3,13 tỉ USD, giảm 8,3% về lượng nhưng tăng 0,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết dựa vào kết quả xuất khẩu, đơn hàng hiện tại, xuất khẩu điều chắc chắn đạt được chỉ tiêu 3,2 tỉ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, từ tháng 6/2023, nhiều lô hàng hạt điều xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu đã liên tục bị cảnh báo về tình trạng nhiễm côn trùng sống. Mức độ báo động ngày càng tăng lên vào thời điểm quý 3/2023 khi đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn, việc tăng ca vào ban đêm khiến côn trùng sống thuận lợi sinh sôi, khâu khử trùng vì thế cũng tăng lên nhưng không đảm bảo thời gian cách ly; dẫn đến dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm nhân điều chế biến vẫn còn.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Vinacas, thông tin thêm, số lượng cảnh báo của khách hàng về tình trạng mất an toàn thực phẩm tăng vào cuối năm.

Mới đây nhất, Vinacas đã nhận được văn bản chính thức từ 2 hiệp hội ở châu Âu, Mỹ và một số khách hàng lớn cảnh báo về việc chất lượng hạt điều Việt Nam đi xuống. Trong đó, những chỉ tiêu bị cảnh báo là sâu mọt (côn trùng) sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất lạ.

Ngành điều liên tục nhận cảnh báo từ thị trường
Hạt điều liên tục nhận cảnh báo từ các thị trường xuất khẩu

"Khách hàng đã nhắc nhở Vinacas cần chấn chỉnh doanh nghiệp, nếu không nhà nhập khẩu sẽ không thể nào mua giá cao được. Tuy nhiên, doanh nghiệp có lô hàng cảnh báo không phải hội viên Vinacas nên chúng tôi không thể can thiệp trực tiếp. Nếu cơ quan chức năng không kiểm soát khi vấn đề vừa chớm thì sẽ ảnh hưởng tương lai ngành điều. Khi đó, ngành điều phải mất nhiều năm để lấy lại uy tín", đại diện Vinacas nhấn mạnh.

Cũng theo ông Công, đến thời điểm hiện tại, việc giữ được chất lượng sản phẩm hạt điều xuất khẩu là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điều cũng như ngành điều Việt Nam. Lý do nhiều lợi thế trước đây của ngành điều không còn nữa do áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi đang mỗi ngày một lớn hơn.

“Trước đây, Vinacas không nêu các vấn đề liên quan đến chất lượng song giờ chúng tôi phải cảnh báo về chất lượng điều nhân chế biến của một số doanh nghiệp. Vì chất lượng càng ngày càng có xu hướng đi xuống nên giá điều nhân bán ra không tăng lên thậm chí là thấp hơn giá điều của các nước khác mà cụ thể là Ấn Độ. Hiệp hội chúng tôi chỉ có thể đưa ra khuyến cáo và chúng ta cần phải có giải pháp mạnh hơn để chấn chỉnh vấn đề này. Cụ thể là cần phải có sự vào cuộc của lãnh đạo các địa phương cũng như của cơ quan chức năng”, ông Công cho biết thêm.

Thông tin về tình hình thị trường, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù lượng nhiều nhân xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao nhưng giá xuất khẩu lại luôn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10/2023, giá điều nhân xuất khẩu đã bắt đầu tăng nhẹ, nhưng thị trường điều nhân vẫn khá im ắng và nhu cầu mua không nhiều. Mặc dù vẫn có một số nhu cầu mua hàng cho giao xa đến đầu năm sau nhưng không có nhiều thương vụ mua bán thành công vì giá chào được đưa ra cao hơn so với mong đợi của người mua.

Đáng chú ý, nhu cầu về các loại hạt to như W180, W240 ngày càng nhiều và giá tăng cao nhưng không có nhiều chào hàng vì số lượng trên thị trường không còn nhiều.

Đại diện Vinacas cho biết, hiện nay lượng điều thô - nguyên liệu trên toàn cầu đủ cho chế biến trong 9 tháng tới. Nếu vụ mùa 2024 diễn ra bình thường thì sẽ không thiếu hụt nguyên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam cũng đã nhập khẩu số lượng lớn điều thô nguyên liệu để phục vụ sản xuất cho mùa tiêu thụ cao điểm dịp cuối năm và Tết. Mặt khác, tỉ giá ngoại tệ tăng thời gian gần đây cũng góp phần giúp cho ngành điều hưởng lợi từ việc nhập khẩu nguyên liệu ở thời điểm tỉ giá còn thấp.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương