Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vận dụng “ngoại giao cây tre” trong hoạt động đối ngoại

(Banker.vn) Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội hiện đại, hội nhập, tới tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngành Bảo hiểm xã hội đã hỗ trợ hơn 47,2 nghìn tỷ đồng đến người lao động và doanh nghiệp Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, trong hai ngày 15,16/7, cơ quan này tổ chức Hội nghị tập huấn công tác đối ngoại và bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế của ngành cho bảo hiểm xã hội 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Hội nghị được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới; phổ biến, quán triệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Bảo hiểm Xã hội giữa Việt Nam-Hàn Quốc, hướng dẫn nghiệp vụ triển khai thực hiện Hiệp định; cập nhật thông tin về tình hình kinh tế thế giới, khu vực; ngoại giao “Cây tre Việt Nam”…

Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vận dụng “ngoại giao cây tre” trong hoạt động đối ngoại
Hội nghị tập huấn công tác đối ngoại và bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế cho bảo hiểm xã hội 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Ảnh: BHXH Việt Nam

Tại hội nghị, Thông tin về Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi), Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 (ngày 29/6/2024), Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi). Theo đó, nội dung về hợp tác quốc tế được bổ sung và đưa thành điều riêng là Điều 8. Hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội nhằm phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập, tiến tới tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Đào Việt Ánh đánh giá, việc bổ sung Điều 8 của Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi cũng tạo khung pháp lý, điều kiện thuận lợi để Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và thực hiện các Hiệp định về Bảo hiểm Xã hội giữa Việt Nam và các nước nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người lao động nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đòi hỏi cán bộ ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần được nâng cao, bồi dưỡng kiến thức và kĩ năng trong công tác đối ngoại.

Chia sẻ về "ngoại giao cây tre", TS. Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao thông tin, thuật ngữ ngoại giao “Cây tre Việt Nam” gần đây được xuất hiện và trở nên phổ biến tại các diễn đàn ngoại giao ở trong và ngoài nước. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (năm 2016), thuật ngữ “Cây tre Việt Nam” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập ẩn dụ về đường lối đối ngoại của Việt Nam: “Cây tre Việt Nam” mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người...”.

Tiếp đó, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư tái khẳng định "cây tre Việt Nam" với những góc tiếp cận “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển… thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam... Đến Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 32 ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam. Ngoại giao “Cây tre Việt Nam” với thuộc tính Vững ở gốc, Chắc ở thân, Uyển chuyển ở cành, đã được kiểm nghiệm và đúc kết qua thực tiễn.

Đề cập đến việc cận dụng “ngoại giao cây tre” trong công tác thông tin, đối ngoại, Tiến sỹ Nguyễn Hải Lưu cho rằng, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo và chủ động thích ứng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội và điều kiện thuận lợi của quá trình hợp tác, hội nhập quốc tế để phát triển ngành… Qua đó, từng bước khẳng định vị thế, hình ảnh Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng an sinh xã hội khu vực và quốc tế.

Nêu rõ bối cảnh thế giới biến động phức tạp, khó lường, khó dự báo, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trên cơ sở đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển các mối quan hệ đối ngoại với các tổ chức quốc tế và khu vực đi vào chiều sâu, ngày càng ổn định, bền vững nhằm chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ quốc tế vào hoạt động của Ngành, góp phần đẩy nhanh quá trình đổi mới, phát triển ngành bảo hiểm xã hội theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của người tham gia.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục