Ngân hàng “nếm trái ngọt” từ chuyển đổi số thành công

(Banker.vn) Ngân hàng là ngành tiên phong trong quá trình chuyển đổi số. Ngay từ rất sớm, các ngân hàng đã tập trung vốn, công nghệ, con người cho chuyển đổi số. Với sự đầu tư lớn về công sức, tiền của… đến nay, ngành Ngân hàng đã bắt đầu “hái quả ngọt” từ chuyển đổi số.

Thông tin trên được giới chuyên môn, nhà quản lý, ngân hàng thương mại đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi”, do Cổng TTĐT Chính phủ vừa tổ chức. Các ý kiến tại Tọa đàm đều khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số ngân hàng, đặc biệt, trong thời gian vừa qua, đã phục vụ người dân và góp phần tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng bất chấp đại dịch.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thành công vượt mong đợi

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khẳng định, ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên, đi trước một bước trong quá trình chuyển đổi số. Đến nay, bước đi đó đã thành công vượt mong đợi.

Trong thời gian vừa qua, chuyển đổi số đã phục vụ nhu cầu người dân và góp phần tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng, bất chấp đại dịch COVID-19. “Trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn giao dịch, thanh toán mua hàng hóa bình thường. Đấy là những kết quả mà nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được”, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá.

Thực tế, một số ngân hàng lớn như: VP Bank, Techcombank, MB, HDBank… chuyển đổi số sớm và thu được kết quả rất khích lệ. Đó là CASA lên đến 40 - 50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn.

“Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Với CASA lên đến 40-50%, thì hệ số rất lớn, góp phần nâng tỉ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi”, ông Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm.

Khảo sát của NHNN cho thấy, 95% đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0, chẳng hạn như: điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hoá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN cho biết, ngành Ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. “Đại dịch COVID-19 vừa qua, khi các giao dịch trực tuyến lên ngôi trong thời gian dài giãn cách xã hội, thanh toán trực tuyến bùng nổ, quá trình chuyển đổi số ngân hàng cũng được rút ngắn và có những bứt phá thần tốc”, ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh.

Số liệu từ Vụ Thanh toán cho thấy, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số.

Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số. Trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị.

Với những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đã được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận tích cực. Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, tăng từ 41% năm 2015 lên đến 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi​.

Thách thức làm giảm tốc độ chuyển đổi số

Dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên, giới chuyên môn cũng chỉ ra rằng, quá trình chuyển đối số cũng mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài, từ những quy định về mặt pháp lý, sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao đến hạn chế về nền tảng công nghệ.

Tại buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe đã chỉ ra 5 thách thức các ngân hàng sẽ phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số, đó là: thách thức về hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ - đây là thách thức lớn nhất; thách thức về vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn, không phải một sớm một chiều mà có ngay được; thách thức về nhân sự; thách thức về vấn đề hacker tấn công trên không gian mạng và luôn có rủi ro mất tiền; thách thức về mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Chính vì thế mà nhiều người chủ quan, cho mượn tài khoản, thậm chí cho cả người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch, dẫn đến mất trộm tiền.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trong giai đoạn hiện nay, ngành Ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý còn thiếu và không đồng bộ (ví như Luật Giao dịch điện tử 2005 đã cũ và không còn phù hợp với sự phát triển của thị trường…). Dẫu vậy, ngành Ngân hàng đã biết vượt qua khó khăn để đáp ứng được yêu cầu, vừa đưa vào thực tế ứng dụng được, vừa triển khai theo đúng quy định của pháp luật. “Có được kết quả hôm nay, tôi thấy rất mừng, chúc mừng ngành Ngân hàng, các ngân hàng thương mại đã chuyển đổi thành công và thành công lớn nhất là đảm bảo an toàn trong thanh toán”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Để chuyển đổi số thành công

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đầu tiên các ngân hàng thương mại cần chuyển đổi nhận thức tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong hệ thống, xác định lấy khách hàng là trọng tâm. Và muốn lấy khách hàng là trọng tâm thì trong quá trình chuyển đổi số, đảm bảo an toàn cho khách hàng là điều đầu tiên.

Thứ hai là phải đào tạo đội ngũ nhân viên mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số, chứ không phải chuyển đổi công nghệ là xong. Phải đào tạo con người phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số về quy trình, kỹ năng sử dụng, tư cách đạo đức.

Thứ ba, phải có quy trình phòng ngừa rủi ro tới mức cao nhất, trong thời gian tới, đối với chuyển đổi số phải có ứng dụng phòng chống rửa tiền.

Vấn đề nữa là các ngân hàng thương mại phải đặt mục tiêu chiến lược của mình trong việc truyền thông quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình để người dân hiểu, chia sẻ, sử dụng một cách an toàn hiệu quả, bảo đảm làm sao người dân có thể bảo mật thông tin, không bị kẻ gian lợi dụng, không bị hack. Khi người dân hiểu biết được thì chắc chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được rủi ro.

Nhận định chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, “số” chỉ là công cụ, đòn bẩy, còn chuyển đổi là thay đổi rất lớn, từ tư duy, nhận thức đến văn hóa, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người dùng. Điều này đã được thể hiện xuyên suốt trong Quyết định 810 của NHNN.

Thời gian qua, NHNN được đánh giá là một trong những bộ ngành đi đầu về đổi mới sáng tạo và thúc đẩy các quy định, chính sách, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số. NHNN đã cùng các bộ ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ quyết định thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông cho thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ theo Quy định 1818.

Ông Lê Anh Dũng cũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, NHNN đã gấp rút chủ động nghiên cứu ban hành 2 thông tư: Thông tư 16/2020/TT-NHNN quy định về mở tài khoản trực tuyến theo cách thức phi truyền thống. Theo đó, chỉ sử dụng các ứng dụng ngân hàng, tải về các ứng dụng di động kết hợp với công nghệ, chẳng hạn nhận diện sinh trắc học, đối chiếu giữa đặc điểm sinh trắc học với các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân để mở tài khoản thuận tiện.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Thông tư 17/2021/TT-NHNN về mở thẻ trực tuyến. NHNN đang xây dựng và trình Chính phủ 2 Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Hai Nghị định này được coi là đổi mới về mặt thể chế, quy định để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng thời gian tới.

NHNN cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, uy tín, hợp lý.

Ngoài việc xây dựng hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số, ông Lê Anh Dũng cho biết, ngành Ngân hàng cũng đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ số trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ khu vực phục vụ khách hàng. “Chúng tôi cũng xác định trong kỷ nguyên số thì số hoá dữ liệu rất quan trọng. Ngành ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn ngoài ngân hàng thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử”, ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh.

Ngô Hải

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục