Thị trường đã "chín"
Kể từ phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/07/2000 với chỉ hai mã cổ phiếu là REE và SAM (thuộc Công ty Cổ phần SAM Holdings), và ở thời điểm đó thực hiện 2 phiên giao dịch/tuần, cho đến nay thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước đã trải qua thăng trầm, thậm chí là khủng hoảng, mà đỉnh điểm là năm 2008 khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến VN-Index giảm tới 66% xuống 316 điểm. Giá trị vốn hóa trên HOSE cũng đồng thời “bốc hơi” 195.000 tỷ đồng.
Nâng hạng để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với thế giới |
Tuy nhiên, cho dù có trồi sụt do những tác động khách quan và chủ quan thì TTCK trong nước cũng đã thể hiện là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, TTCK Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô, khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp. Tính từ khi bắt đầu giao dịch cho đến nay, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng trưởng tích cực từ 0,22% GDP năm 2000 lên 33,52% GDP năm 2010 và 58,1% GDP năm 2023. Số lượng nhà đầu tư tăng từ 3 nghìn tài khoản năm 2000 lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số vào năm 2023. Đồng thời, chất lượng, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các nhà đầu tư ngày càng được nâng cao. Giá trị giao dịch bình quân (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu) tăng từ gần 11,7 nghìn tỷ/phiên năm 2016 lên khoảng gần 24,4 nghìn tỷ/phiên năm 2023, trong đó tính riêng giao dịch cổ phiếu đã có nhiều phiên giao dịch vượt con số 1 tỷ USD.
Không chỉ là một trong những hàn thử biểu quan trọng đo sức khỏe nền kinh tế, TTCK còn là nơi để các doanh nghiệp định hướng phát triển kinh doanh minh bạch, bền vững, nhà đầu tư tiếp cận được phương thức đầu tư hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thị trường. Vì thế, đưa TTCK phát triển ổn định, bền vững, tiệm cận với thế giới là mục tiêu của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước. Và một trong những mục tiêu của thị trường chính là nâng hạng, đưa từ cận biên lên mới nổi.
Chia sẻ rõ hơn về nội dung nâng hạng thị trường, tại tọa đàm có chủ đề: “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc” vừa được tổ chức, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin: Các tổ chức xếp hạng quốc tế chia TTCK làm 4 nhóm chính: Nhóm 1 là thị trường phát triển có vốn lớn, có độ mở cao, các sản phẩm trên thị trường này có độ phức tạp cao, có sự luân chuyển
Nhóm thứ hai là TTCK mới nổi có khả năng cho NĐT nước ngoài tiếp cận, tính quy mô thanh khoản ở mức cao, quy định pháp lý chặt chẽ. Tổ chức xếp hạng hiện tại chia nhóm này làm hai thứ hạng là thị trường mới nổi bậc cao và thị trường mới nổi thứ cấp.
Nhóm 3 là TTCK cận biên. VN đang ở thứ hạng này là nhóm thị trường đã bắt đầu có tiếp cận vốn nước ngoài.
Nhóm 4 là nhóm TTCK chưa được xếp hạng, ở những thị trường có bất ổn chính trị, hoặc quy mô nhỏ.
Theo Lãnh đạo Vụ Phát triển thị trường- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mục tiêu trong 2025 nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi ở mức thứ cấp. Hiện tại, TTCK Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí, 2 tiêu chí cần hoàn thiện là: Ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ thêm về lợi ích nâng hạng thị trường, bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích cổ phiếu – Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư – CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, dưới góc độ công ty chứng khoán, không có khó khăn gì cho vay ký quỹ nhà đầu tư nước ngoài. “Điều chúng tôi quan tâm là mức độ quan độ quan tâm nhà đầu tư nước ngoài với dịch vụ chúng tôi cung cấp như thế nào, nó có tuân thủ đúng những quy định tuân thủ khách hàng không. Nếu chúng ta có thể triển khai được để giúp TTCK Việt Nam được nâng hạng thì sẽ rất là tốt cho thị trường”, - bà Trang bày tỏ.
Nói rõ hơn về nội dung này, ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE bày tỏ, theo nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có WB, nếu nâng hạng có thể đón nhận dòng vốn 8-10 tỷ đô, điều này có thể giúp ích rất nhiều đối với thị trường trong thời gian tới.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường- CTCP Chứng khoán VPBank phân tích: Chúng ta đang ở năm bản lề gần sát cánh cửa nâng hạng, việc thay đổi về chất là nền tảng pháp lý đang chuyển biến rõ nét, hạ tầng giao dịch cũng đảm bảo thông thoáng hơn. Thời gian tới hạ tầng giao dịch mới sẽ giúp nhà đầu tư giao dịch nhanh hơn, nhiều tổ chức có thể giao dịch tự động. Trên nền hạ tầng mới sẽ có nhiều sản phẩm mới, rút ngắn thời gian giao dịch xuống từ T2.5 xuống T2. Tương lai không chỉ phái sinh ở chỉ số chứng khoán còn phái sinh ngay ở sản phẩm cổ phiếu. Hệ thống thay đổi nhà đầu tư sẽ có lợi rất nhiều về sản phẩm giao dịch. Kéo dài thời gian giao dịch, thanh khoản thị trường tăng cao.
Giải pháp căn cơ thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được".
Để thực hiện mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan quản lý và các chủ thể liên quan: Xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp, xử lý các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình; rà soát, công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài;đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài…
Thông tin chi tiết hơn về các giải pháp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Phạm Thị Thuỳ Linh cho biết: Đối với giải pháp ký quỹ, chúng tôi đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp. Ủy ban Chứng khoán đã trình Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi bổ sung một số văn bản, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức, đảm bảo hoạt động nước ngoài, hoạt động thanh toán.
Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát ngành nghề, công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất. Đồng thời, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ ngành khác để rà soát các ngành nghề, có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành nghề không thiết yếu.
Ngoài ra, Ủy ban sẽ báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh áp dụng với các công ty đại chúng và công ty niêm yết có quy mô lớn, dự kiến áp dụng đối với các công bố bằng tiếng Anh đối với công bố thông tin định kỳ và tổ chức niêm yết có quy mô lớn từ 1/1/2025, đối với thông tin bất thường từ 1/1/2026, áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng trong hoạt động công bố thông tin từ 1/1/2028. “Chúng tôi kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường trong 2025”- bà Linh bày tỏ.
Thùy Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|