Nâng cao sự phối hợp trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để tăng cường giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Giải quyết tranh chấp trực tuyến: Tối ưu chi phí, thời gian Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp

Thông tin tại hội thảo “Hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức ngày 21/4, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, cùng với sự phát triển nền kinh tế, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, theo đó tranh chấp hợp đồng tín dụng ngày càng phát sinh nhiều, với diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô. Để giải quyết hiệu quả tranh chấp hợp đồng tín dụng, các tổ chức tín dụng chủ yếu lựa chọn biện pháp tố tụng thông qua Tòa án.

Với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp với Tòa án Nhân dân các cấp về cơ bản giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng đúng pháp luật, kịp thời; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Sự phối hợp tốt giữa Viện Kiểm sát và Tòa án cũng như giữa kiểm sát viên và thẩm phán đã góp phần hạn chế được nhiều sai sót trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các tổ chức tín dụng hội viên phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp về tín dụng tại Tòa án liên quan Viện Kiểm sát còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập do khác biệt về nhận thức và cách thức áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng.

Chia sẻ về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện thủ tục tố tụng và giải quyết tranh chấp tại tòa án có liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, hiện nay, các Tòa án thường chậm trễ về thời hạn giải quyết các vụ án. Các tổ chức tín dụng gửi đơn đến Viện Kiểm sát để kiến nghị, can thiệp, tuy nhiên, Viện Kiểm sát chỉ ra công văn chuyển yêu cầu khiếu nại của tổ chức tín dụng đến Chánh án Tòa án để giải quyết khiếu nại. Khi phiên tòa diễn ra, tại phần phát biểu ý kiến, đa số ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát phát biểu trước phiên tòa rằng: “Thủ tục tố tụng chậm trễ, tuy nhiên vi phạm này không nghiêm trọng nên không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án”.

Nâng cao sự phối hợp trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng
Hội thảo “Hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng”

Tuy nhiên, việc chậm trễ giải quyết vụ án tranh chấp gây ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng, đặc biệt đối với những vụ việc tranh chấp về hợp đồng tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, việc chậm trễ này dẫn đến giảm sút hiệu quả thu hồi nợ của tổ chức tín dụng, tài sản bảo đảm kém thanh khoản sẽ dẫn đến giá trị thu hồi khoản vay bị sụt giảm.

Bên cạnh đó, mặc dù Viện Kiểm sát yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện kịp thời các trình tự, thủ tục thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự nhưng chưa được cơ quan thi hành án dân sự thực hiện triệt để, nghiêm túc như: chậm xác minh, chậm kê biên tài sản thế chấp để thi hành án, chậm thẩm định giá, việc bán đấu giá kéo dài khi có thể thực hiện thủ tục rút gọn.

Việc thi hành án dân sự bị chậm trễ do sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề tài nguyên môi trường có liên quan chưa tuân thủ thời hạn theo Điều 44 Luật Thi hành án dân sự nhưng chưa được Viện Kiểm sát có ý kiến với các cơ quan này.

Quá trình kiểm sát thực hiện thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất hết thời hạn sử dụng trong trường hợp người phải thi hành án không hợp tác được Viện Kiểm sát đồng ý, hoặc khi ngân hàng thỏa thuận được việc xử lý tài sản với bên thứ ba để tất toán khoản nợ, giải chấp tài sản thế chấp nhưng có địa phương cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề tài nguyên môi trường không đồng ý cho người trúng đấu giá, bên thứ ba thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn sử dụng đất dẫn đến tài sản không chuyển nhượng được.

Các trường hợp vi phạm về trả lại đơn khởi kiện, về thụ lý vụ án, về thời hạn giải quyết các vụ án,... chưa được phát hiện kịp thời và xử lý triệt để thông qua chức năng kiểm sát thủ tục tố tụng nên khiến cho các vụ án về tín dụng ngân hàng bị kéo dài, tồn đọng nhiều năm, ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của tổ chức tín dụng.

Trong quá trình giải quyết các tranh chấp tại Tòa án, do không tống đạt được các văn bản tố tụng hợp lệ cho bị đơn do bị đơn đã đi khỏi địa phương, không rõ nơi cư trú nhưng Tòa án không áp dụng các phương thức tống đạt, các thủ tục tố tụng theo quy định tại Điều 173, 179 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để giải quyết dứt điểm vụ án mà kéo dài thời gian giải quyết rất lâu. Tuy nhiên, cùng cấp kiểm sát thủ tục tố tụng tại Tòa án chưa có ý kiến kiến nghị đối với Tòa án trong vấn đề này.

Phó Vụ trưởng Vụ 10 (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) Đoàn Văn Thắng cũng cho hay, những năm gần đây, vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực “tranh chấp hợp đồng tín dụng” xảy ra ngày càng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong số các vụ án kinh doanh, thương mại. Với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp, giá trị tài sản tranh chấp lớn, việc thu hồi vốn, lãi, xử lý tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.

“Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường phối hợp với Tòa án, Viện Kiểm sát trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, ký quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin, cung cấp, phối hợp giải quyết những vấn đề còn có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, UBND các cấp, tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án,… trong việc cung cấp thông tin, quản lý chặt chẽ về tình trạng pháp lý đối với tài sản bảo đảm và việc xử lý tài sản bảo đảm”, ông Thắng nêu khuyến nghị.

Nâng cao sự phối hợp trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, thời gian qua, hoạt động phối hợp giữa ngành ngân hàng nói chung, Ngân hàng Nhà nước nói riêng và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã được thực hiện thường xuyên, gắn kết chặt chẽ qua nhiều nghiệp vụ công tác.

Hơn hết, tại hội thảo, các đại biểu đã có cơ hội trao đổi, thảo luận về các vướng mắc, bất cập liên quan đến hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng, là những vấn đề thực sự “nóng” cần được tháo gỡ, giải quyết để hỗ trợ việc xử lý nợ xấu, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng, các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề lưu ý, phản ánh và kiến nghị của ngành Kiểm sát trong hoạt động của ngành Ngân hàng thời gian tới. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ của 2 ngành nói riêng và công tác xét xử giải quyết tranh chấp các vụ án tín dụng ngân hàng nói chung, giúp cho ngành Ngân hàng ngày càng phát triển ổn định.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương