MWG ghi nhận 31.500 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024

(Banker.vn) Tại ĐHĐCĐ, MWG cho biết tập đoàn đã ghi nhận 31.500 tỷ đồng doanh thu trong quý đầu năm.

Trong họp Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) diễn ra vào ngày thứ Sáu vừa qua, lãnh đạo MWG đã nhấn mạnh về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, do sự biến động không lường trước của tình hình kinh tế toàn cầu. Dự kiến, nhu cầu mua sắm tiêu dùng sẽ ổn định hoặc thậm chí giảm so với năm trước đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Tuy nhiên, công ty vẫn tỏ ra linh hoạt trong việc thích nghi với môi trường kinh doanh biến đổi, không đặt nhiều kỳ vọng vào việc sức mua hồi phục ở thời điểm hiện tại.

MWG ghi nhận 31.500 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024
Chủ tịch MWG. Ảnh minh họa.

Mặc dù vậy, MWG vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ cho kế hoạch kinh doanh của mình. Dự kiến doanh thu đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 6%, và lợi nhuận sau thuế đạt 2.400 tỷ đồng, gấp 14,2 lần so với năm trước, nhờ vào việc tối ưu hóa tài chính và quá trình tái cấu trúc, cùng việc tiết kiệm chi phí. Công ty vẫn nhận thấy nhiều cơ hội để mở rộng thị phần và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, thông qua các giải pháp tài chính và chương trình khuyến mãi, cũng như dịch vụ giao nhận và lắp đặt.

Trong quý đầu năm, MWG đã ghi nhận doanh thu 31.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chủ yếu được đóng góp bởi chuỗi bán lẻ công nghệ Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX), chiếm 65% doanh thu tổng cộng và là nguồn lợi nhuận chính của công ty. Chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh (BHX) dự kiến sẽ đóng góp 30% doanh thu, tăng trưởng 2 chữ số và bắt đầu mang lại lợi nhuận trong năm nay.

Các chuỗi bán lẻ khác như An Khang và Avakids được đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 2 chữ số và đạt điểm hòa vốn trong năm nay. Trong khi đó, chuỗi bán lẻ công nghệ và điện máy tại Indonesia, EraBlue, cũng được đặt mục tiêu tăng doanh thu 2 chữ số và trở thành chuỗi bán lẻ điện máy số 1 ở Indonesia.

Về kế hoạch mở rộng, trong vài năm tới, MWG không có kế hoạch mở rộng cho chuỗi TGDĐ và ĐMX, thậm chí cần tối ưu hóa mạng lưới hiện tại. Các chuỗi khác sẽ được mở rộng có chọn lọc khi đã đạt được giai đoạn vận hành ổn định và hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị của MWG, nhận định năm 2024 là một năm ổn định. Ông nhấn mạnh rằng Bách Hóa Xanh đã bước vào một giai đoạn mới và đang góp phần vào doanh thu của tập đoàn. Đồng thời, ông cho rằng TGDĐ và ĐMX đã vượt qua được những thách thức lớn và chỉ cần giữ vững thị phần của mình thì lợi nhuận sẽ tăng trở lại.

Ông Tài cũng chia sẻ, "Trong quý I, lợi nhuận chắc chắn gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Quyết định giảm giá để giữ thị phần đã tạo ra sự biến động đáng kể."

Về các chuỗi khác, ông nhận xét rằng An Khang vẫn là một thách thức đối với MWG, vì vẫn chưa tìm được mô hình kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, MWG đang có chiến lược để phát triển Avakids thành một kênh mua sắm hàng đầu trong lĩnh vực mẹ và bé. Trong trường hợp chiến lược mới không hiệu quả, MWG sẵn lòng đóng cửa Avakids.

Ngoài ra, HĐQT trình phương án ESOP 2024 với tỷ lệ phát hành tối đa 2% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Công ty thực hiện 110% kế hoạch lợi nhuận 2024 sẽ được phát hành 1%, cứ 1% lợi nhuận sau thuế vượt mức 110% kế hoạch thì tỷ lệ phát hành ESOP được cộng thêm 0,05%.

Ngoài ra, cổ phiếu ESOP bị khóa trong vòng 2 năm kể từ ngày phát hành giảm so với mức 4 năm ở các năm trước. Chủ tịch HĐQT bày tỏ qua quan sát các công ty khác chỉ khóa cổ phiếu ESOP từ 1 đến 2 năm. Đồng thời, việc giảm thời gian khóa ESOP từ 4 năm xuống 2 năm không gây tác động tiêu cực với công ty nhưng lại có giá trị đối với nhân viên.

Công ty sẽ dành ngân sách 100 tỷ trong năm nay để mua lại cổ phiếu, giảm vốn điều lệ. Ông Tài khẳng định đây là động thái tăng giá trị cho cổ đông, không trên góc độ đỡ giá cổ phiếu. Mỗi năm, công ty sẽ dành một phần lợi nhuận sau thuế để mua cổ phiếu quỹ trong năm sau. Do vậy, công ty sẽ thực hiện mua cổ phiếu quỹ bất chấp diễn biến giá cổ phiếu ra sao. Thực tế thì hằng năm công ty vẫn có ngân sách để mua lại cổ phiếu từ nhân viên nghỉ việc. Trong năm 2023, MWG đã mua hơn 1,1 triệu cổ phiếu ESOP và ghi nhận giảm vốn điều lệ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG hiện đang giao dịch quanh mốc 52.000 đồng. Xét trên góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu MWG hiện đang giữ xu hướng tăng giá. Ngoài ra, xét trong vòng 10 phiên giao dịch gần nhất, khối ngoại cũng liên tục mua vào cổ phiếu này với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thanh khoản sụt giảm, thị trường chứng khoán lấy lại sắc xanh

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán ghi nhận mức thanh khoản thấp, tương ứng 6,9 nghìn tỷ đồng.

Khối ngoại đảo tay "gom ròng" trên HOSE, tập trung chủ yếu tại MWG

Kết phiên 09/04, khối ngoại trở lại mua ròng trên thị trường, nổi bật nhất là cổ phiếu MWG khi được "gom ròng" gần 300 ...

Giao dịch khối ngoại tuần 8-12/4: Bán ròng nghìn tỷ, MBB và MWG vẫn được quan tâm đặc biệt

Trong tuần giao dịch từ ngày 8-12/4, mặc dù khối ngoại gom ròng mạnh cổ phiếu MBB và cổ phiếu MWG nhưng gần 1.000 tỷ ...

Thành An

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán