Muôn kiểu vượt khó của doanh nghiệp khi cước vận tải tăng cao

(Banker.vn) Trong bối cảnh cước phí vận tải tăng cao, nhiều doanh nghiệp đang xoay sở tìm hướng vượt khó để duy trì xuất khẩu, tránh gián đoạn dòng chảy hàng hóa.
Doanh nghiệp cần làm gì khi giá cước vận chuyển hàng đi Mỹ, châu Âu leo thang? Dự báo các hãng vận tải biển sẽ gặp khó khăn hơn trong năm 2024

Chuyển hướng thị trường

Căng thẳng trên Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tàu biển đã tăng gấp 2 - 3 lần so với tháng trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang xoay sở tìm đường vượt khó nhằm duy trì đơn hàng, ổn định việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, bình quân mỗi tuần đơn vị xuất từ 15 – 20 container trái cây tươi sang thị trường Mỹ. Gần đây, việc vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ nguy hiểm đã làm cước vận chuyển tăng 30%, thời gian vận chuyển tăng thêm khoảng 15 ngày, khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Để duy trì các đơn hàng, doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu từ đường biển sang đường hàng không. “Đối với loại trái cây có thời gian bảo quản lâu như bưởi và dừa (khoảng 65 ngày) doanh nghiệp vẫn xuất khẩu bằng đường biển. Còn trái cây không giữ lâu được như thanh long, xoài, nhãn thì chuyển sang vận chuyển bằng hàng không”, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay.

Cũng theo ông Tùng, cước phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cao gấp 10 lần so với đường biển. Mặc dù đa phần khách hàng đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp về cước phí, vì khó khăn này là khách quan. Tuy nhiên, công ty không xuất được đơn hàng lớn trong dịp mua sắm cuối năm này mà chỉ xuất cầm chừng. “Đường biển chi phí chỉ 0,4 USD/kg, còn đường hàng không giá từ 4 -5 USD/kg. Sản lượng xuất khẩu giảm từ 50-60% vì giá thành tăng, sức mua giảm nên nhà nhập khẩu cũng hạn chế nhập”, ông Tùng chia sẻ.

Muôn kiểu vượt khó của doanh nghiệp khi cước vận tải tăng cao
Doanh nghiệp xuất khẩu tìm cách xoay sở trong bối cảnh cước vận tải tăng cao

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác lại tìm cách chuyển hướng thị trường khi giá cước vận tải tàu biển tăng gấp 2 - 3 lần tại một số thị trường lớn như châu Âu, Mỹ. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, thị trường châu Âu và Mỹ chiếm đến 70% thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ đầu tháng 1/2024 tới nay, hàng hóa bị đình trệ, nhiều lô hàng đang phải đi đường vòng khiến thời gian giao hàng bị kéo dài thêm 2 đến 3 tuần nữa. Chi phí cũng tăng gấp đôi. Dù rất tiếc thị trường trọng điểm song doanh nghiệp buộc phải tính toán đến việc giảm bớt thị phần hai thị trường này để tìm hướng đi mới.

“Đặc thù của ngành dệt may là hàng theo mùa vụ, nếu phải đi máy bay, chi phí tăng lên khoảng 3 lần. Chúng ta có thể phát triển thị trường Trung Quốc, Nhật, Nga - những nơi bớt bị ảnh hưởng hoặc chúng tôi bắt đầu tiếp cận thị trường ASEAN để đưa hàng vào thị trường này", ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh.

Giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng

Theo các chuyên gia, việc tăng giá cước vận tải đã từng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu khốn đốn khi dịch COVID-19 bùng phát. Đến nay, câu chuyện này một lần nữa khiến doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Lúc này cần có một giải pháp căn cơ để hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, thủy sản Việt Nam đã có mặt tới hơn 170 quốc gia. Để không tồn ứ nguyên liệu đang vào mùa thu hoạch, các doanh nghiệp thủy sản đang phải nhanh chóng đàm phán, chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu của các đối tác mới, chờ đợi căng thẳng lắng xuống để tiếp tục lộ trình xuất khẩu hoặc tìm "cơ" trong "nguy".

Trước mắt, với những lô hàng đã xuất đi, các doanh nghiệp tìm cách đàm phán với đối tác để chia sẻ một phần nào cước phí vận tải tăng mạnh. Về lâu dài, các doanh nghiệp phải tính toán lại việc ký kết hợp đồng, nhất là về vấn đề giá vận chuyển thì mới giảm thiểu được rủi ro khi đứt gãy chuỗi vận chuyển.

"Chi phí vận tải tăng lên, sẽ có những thị trường thiếu hụt về nguồn cung thì trên cơ sở đó, mình bù đắp khoảng đấy để có những hoạt động sôi nổi hơn, tận dụng vị thế về địa lý", ông Hòe gợi ý.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TP. Hồ Chí Minh cho rằng, lạm phát toàn cầu có thể nghiêm trọng hơn nếu chi phí vận chuyển tiếp tục tăng, hàng hóa sẽ bị ùn ứ nghiêm trọng. Do đó, doanh nghiệp khi ký đơn hàng xuất khẩu nên đàm phán tách chi phí vận chuyển ra thành chi phí riêng.

"Tách chi phí vận chuyển ra thành chi phí riêng chứ không giao hàng cho khách theo giá CIF nữa, vì như thế bao gồm cả giá vận chuyển thì rất nguy cơ trong tình hình hiện nay. Nên các doanh nghiệp hướng đến việc tách chi phí vận chuyển ra để trao đổi với khách hàng", ông Tống cho biết.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương