Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, UPCoM: TVN) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Hội nghị không chỉ đánh giá lại những khó khăn đã vượt qua mà còn định hướng rõ ràng cho chiến lược phát triển trong năm mới.
Hình minh họa |
Năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức với thị trường thép thế giới, khi các diễn biến phức tạp và khó lường vẫn chi phối ngành. Tại Việt Nam, ngành thép đã có những tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, sự phục hồi này không diễn ra đồng đều giữa các nhóm sản phẩm và các khu vực. Tiêu thụ thép nội địa tăng trưởng nhưng chưa bền vững do các yếu tố như tiến độ giải ngân đầu tư công chậm chạp, áp lực cạnh tranh từ thép nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, ngày càng gia tăng.
Dẫu vậy, VNSteel vẫn ghi nhận những kết quả kinh doanh khả quan. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ toàn hệ thống đều tăng trưởng so với năm trước: sản xuất phôi thép tăng 12,1%, tiêu thụ thép thành phẩm tăng 21,3%, trong đó thép cán nguội tăng mạnh nhất với mức tăng 47,6%, tiếp theo là tôn mạ (52,9%).
Trong năm 2024, VNSteel ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 33.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 4% và tăng gần 7% so với năm 2023. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 230 tỷ đồng, đánh dấu bước ngoặt khi chuyển từ lỗ 252 tỷ đồng năm 2023 sang lãi lớn. Lợi nhuận riêng lẻ cũng vượt kỳ vọng với 18 tỷ đồng, tăng 34,5% so với năm trước.
Riêng trong quý IV/2024, VNSteel đạt doanh thu 6.461 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, dù vậy lợi nhuận trước thuế lại đạt 90 tỷ đồng, một sự cải thiện vượt bậc so với mức lãi chưa đến 1 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Thành tích này đánh dấu bước ngoặt khi công ty chính thức thoát khỏi chuỗi lỗ kéo dài hai năm liên tiếp (2022-2023).
Triển vọng ngành thép năm 2025
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép tại Trung Quốc được dự báo tiếp tục giảm 1% trong năm 2025, sau mức giảm 3% của năm 2024. Ngành xây dựng Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn khi doanh số bất động sản và công trình xây dựng mới trong 11 tháng năm 2024 lần lượt giảm 14,3% và 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá nhà tại một số thành phố lớn đã có dấu hiệu ổn định và tăng nhẹ, mang đến một vài kỳ vọng tích cực.
Sản lượng thép tại Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2024 giảm 2,7%, chỉ đạt 929 triệu tấn, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm thêm 1,3% trong năm 2025. Điều này có thể khiến sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc giảm 9% so với năm 2024, theo báo cáo từ Mysteel. Việc giảm sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng làm dịu áp lực cạnh tranh trên thị trường thép toàn cầu, hỗ trợ giá thép và giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam. Tuy nhiên, do nhu cầu vẫn yếu, giá thép khó có thể tăng mạnh trong năm 2025, trừ khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp kích thích đáng kể để hỗ trợ thị trường bất động sản trong nước.
Ngành thép Việt Nam đang chịu tác động lớn từ thép nhập khẩu, với sản lượng nhập khẩu trong 11 tháng năm 2024 tăng mạnh 33% lên 16,17 triệu tấn. Đáng chú ý, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 48,4%, chiếm 68% tổng sản lượng nhập khẩu. Trong đó, thép mạ kẽm nhập khẩu chiếm 26,7% sản lượng nội địa và bằng 15% tổng sản lượng sản xuất toàn ngành trong 10 tháng năm 2024. HRC nhập khẩu chiếm tới 75% sản lượng nội địa, tương đương 182% sản lượng sản xuất trong cùng kỳ.
Sang năm 2025, áp lực cạnh tranh có thể giảm bớt nếu Việt Nam áp dụng được nhiều biện pháp bảo hộ hơn. Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc (tháng 6/2024), cũng như HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ (tháng 7/2024). Kết quả cuối cùng dự kiến được công bố giữa năm 2025, nhưng các biện pháp tạm thời có thể được áp dụng sớm hơn để bảo vệ ngành thép trong nước.
Về lợi nhuận, SSI Research cho rằng lợi nhuận ngành thép có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng tích cực nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2024.
Tuấn Tú