MC13: Các nước G-33 đề xuất giải pháp đảm bảo an ninh lương thực lâu dài

(Banker.vn) Các nước G-33, liên minh gồm các quốc gia đang phát triển trong nông nghiệp, đã kêu gọi một giải pháp lâu dài cho việc dự trữ công cho an ninh lương thực.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể dẫn tới đầu cơ giá lương thực Cú sốc giá gạo toàn cầu và an ninh lương thực ở ASEAN

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) ngày 26/2 tại UAE, các nước G-33, một liên minh gồm các quốc gia đang phát triển được gọi là “Những người bạn của các sản phẩm đặc biệt” trong nông nghiệp, đã kêu gọi một giải pháp lâu dài cho việc dự trữ công để cho an ninh lương thực trong một tuyên bố cấp bộ trưởng về đàm phán thương mại nông nghiệp được đưa ra ngày 25/2.

MC13: Các nước G-33 đề xuất giải pháp đảm bảo an ninh lương thực lâu dài
Ảnh minh họa

Tuyên bố nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự trữ công trong việc đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế, phát triển nông thôn và hỗ trợ các nhà sản xuất có thu nhập thấp hoặc nghèo tài nguyên ở các nước đang phát triển, bao gồm các nước kém phát triển nhất (LDC) và các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng (NFIDC). Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia cùng với các nước khác tạo thành nhóm 47 quốc gia tìm kiếm sự linh hoạt trong việc mở cửa thị trường cho nông nghiệp.

Đối với Hội nghị MC13 bắt đầu vào ngày 26/2, các bộ trưởng thương mại của 164 nền kinh tế họp tại Abu Dhabi để giải quyết nhiều chủ đề, bao gồm cả nông nghiệp, thủy sản và mối quan hệ giữa thương mại và phát triển bền vững.

Tuyên bố của G-33 cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc thiếu tiến triển trong đàm phán thương mại nông nghiệp và không hoàn thành nhiệm vụ từ các hội nghị trước. Tuyên bố đã nhắc lại quyền của các nước đang phát triển đối với cơ chế tự vệ đặc biệt (SSM) để bảo vệ trước sự gia tăng nhập khẩu hoặc giảm giá, ủng hộ quyết định về SSM của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 14.

Tuyên bố cho biết sẵn sàng xem xét đệ trình của Nhóm châu Phi về vấn đề SSM, trong đó đề cập đến hầu hết lợi ích của các thành viên là nước đang phát triển một cách công bằng và cân bằng.

Tuyên bố của G33 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển trong WTO, nhấn mạnh rằng các mối quan tâm phi thương mại phải được xem xét trong các cuộc đàm phán thương mại nông nghiệp.

Nhóm các nước đang phát triển G33 đã kêu gọi đạt được kết quả về dự trữ công vì mục đích an ninh lương thực dựa trên đề xuất chung của khoảng 80 thành viên, bao gồm cả các nước từ Nhóm châu Phi đã nộp trước đó. Nhóm cũng nhấn mạnh quyền của các thành viên đang phát triển đối với Cơ chế tự vệ đặc biệt (SSM) như một công cụ quan trọng chống lại sự gia tăng nhập khẩu lớn hoặc giảm giá đột ngột.

Đại đa số thành viên nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của việc dự trữ công vì mục đích an ninh lương thực đối với các thành viên là các nước đang phát triển, bao gồm các nước LDC và NFIDC (các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng), trong việc đáp ứng an ninh lương thực và sinh kế, cũng như yêu cầu phát triển nông thôn, bao gồm cả việc hỗ trợ các nhà sản xuất có thu nhập thấp hoặc nghèo tài nguyên.

Một giải pháp lâu dài rất quan trọng đối với nhiều nước đang phát triển khác vì nó sẽ hợp pháp hóa các khoản trợ cấp cao hơn cho các chương trình dự trữ hàng hóa. Một điều khoản hòa bình được thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Bali năm 2013 mang lại cho nhiều nước đang phát triển quyền miễn trừ hành động pháp lý từ các thành viên khác trong trường hợp trợ cấp vượt quá giới hạn. Nhưng nó chỉ giới hạn ở các chương trình hiện có vào năm 2013 và có nhiều điều kiện khó khăn. Các quốc gia đang phát triển mong muốn tính hợp pháp được đưa vào Hiệp định Nông nghiệp của WTO thông qua một giải pháp lâu dài.

Các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự báo của FAO rằng gần 600 triệu người sẽ bị suy dinh dưỡng mãn tính vào năm 2030 và nạn đói sẽ gia tăng đáng kể ở người châu Phi. G33 bày tỏ cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại nông nghiệp một cách thiện chí, bao gồm cả sau WTO MC13, nhằm khắc phục sự mất cân bằng trong Hiệp định về Nông nghiệp và giải quyết những thách thức vô song về an ninh lương thực của các thành viên đang phát triển, bao gồm cả LDC và NFIDC.

G33 kiên quyết khẳng định rằng Đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các thành viên là các nước đang phát triển, bao gồm LDC và NFIDC, phải được bảo tồn trong WTO và các hiệp định của tổ chức này, đồng thời các mối quan ngại phi thương mại của các thành viên phải luôn được tính đến trong các cuộc đàm phán thương mại nông nghiệp.

Duy Hưng (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương