Theo đó, HoSE chấp thuận cho MB niêm yết bổ sung hơn 979,5 triệu cổ phiếu, nâng tổng số lượng cổ phiếu niêm yết lên hơn 3,77 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 37.783 tỷ đồng của ngân hàng này.
Đây là số cổ phiếu được ngân hàng phát hành để trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông với tỷ lệ 35%, chốt danh sách vào ngày 13/7/2020.
Trên thị trường chứng khoán, trước khi chia cổ tức, cổ phiếu MBB đứng tại 41.850 đồng và sau đó điều chỉnh về 29.800 đồng kể từ ngày 12/7.
Kể từ sau chia cổ tức, cổ phiếu MBB biến động trong biên độ từ 27.000 - 29.000 đồng/cổ phiếu, đóng cửa ngày 11/8 tại 29.700 đồng.
Sau khi được niêm yết bổ sung, giá trị vốn hoá của MB sẽ tăng lên hơn 112 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 trong nhóm ngân hàng tư nhân sau Techcombank và VPBank.
Diễn biến giá cổ phiếu MBB thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Về kết quả kinh doanh, tính đến hết quý 2 năm nay, ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 523 nghìn tỷ đồng, tăng 5,65% so với cuối năm 2020. Trong đó cho vay khách hàng đạt dư nợ hơn 325 nghìn tỷ đồng, đồng, tăng 10,5% so với đầu năm.
Cả chứng khoán đầu tư lẫn chứng khoán kinh doanh ở MB đều tăng mạnh, trong đó chứng khoán đầu tư tăng 10,3% với tổng dư nợ hơn 110 nghìn tỷ đồng còn chứng khoán kinh doanh tăng 40% lên hơn 4.200 tỷ.
Huy động vốn khách hàng tăng 10,3% đạt hơn 343 nghìn tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá tăng 4% lên trên 52 nghìn tỷ đồng.
Các giao dịch trên liên ngân hàng của MB 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước cũng giảm.
Tất cả các mảng kinh doanh trọng yếu của MB đều tăng trưởng mạnh ở quý 2 và 6 tháng đầu năm nay. Trong đó thu nhập lãi thuần riêng quý 2 tăng xấp xỉ 42% so với cùng kỳ, đạt hơn 6.562 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng tăng 34,2% đạt hơn 12.500 tỷ. Lãi thuần từ dịch vụ quý 2 tăng gần 8,9% đạt 1.029 tỷ đồng trong khi 6 tháng tăng 24% đạt hơn 2.095 tỷ đồng.
Tổng thu nhập từ hoạt động của MB trong quý 2 tăng 35,8% đạt hơn 8.924 tỷ đồng và 6 tháng tăng 40% đạt hơn 18.117 tỷ. Tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất quý 2 tăng 16,5% đạt 3.406 tỷ đồng, 6 tháng tăng 56% đạt 7.986 tỷ.
Đáng chú ý, chi phí hoạt động của MB tăng cao trong năm nay với quý 2 tăng 25% và 6 tháng tăng 34%. Riêng chi cho nhân viên trong 6 tháng đầu năm tăng 23%, với thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên là 30,64 triệu đồng/người/tháng.
Về chất lượng tín dụng, ngân hàng có tổng cộng 2.530 tỷ đồng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6/2021, chiếm 0,76% trên tổng dư nợ, giảm 22% so với cùng kỳ. Trong đó nợ nhóm 3 tăng 30% nhưng nợ nhóm 4 và nhóm 5 lại giảm, riêng nợ nhóm 5 – tức là các khoản nợ có khả năng mất vốn giảm tới 56% so với cùng kỳ.
Trong khi nợ xấu giảm thì ngân hàng lại tăng mạnh dự phòng rủi ro. Số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tại MB trong quý 2 năm nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và luỹ kế 6 tháng tăng 56%. Với mức tăng mạnh dự phòng rủi ro, đến hết quý 2 năm nay, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu của MB đạt tới 310% (tức cứ 1 đồng nợ xấu ngân hàng dự phòng tới 3,1 đồng), là mức cao nhất trong toàn ngành.
Tại thời điểm 30/6/2021, MB có vốn chủ sở hữu hơn 55.900 tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm, trong đó lợi nhuận chưa phân phối là hơn 16.400 tỷ đồng, tăng 26,1% so với đầu kỳ.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|