Mặt trận là cầu nối nhân dân: Cán bộ phải có tư duy chiến lược

(Banker.vn) Cán bộ Mặt trận không thể đào tạo đại trà, phải là người hiểu xã hội, giỏi phản biện, đủ tầm kết nối giữa Đảng, chính quyền và tiếng nói của nhân dân.
Quốc hội biểu quyết 100% tán thành rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV Giá thuê, mua nhà ở xã hội: Không thể để chủ đầu tư 'tự tung tự tác'

Sáng 21/5/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hai đại biểu Đoàn TP. Hồ Chí Minh là bà Tô Thị Bích Châu và Trần Kim Yến đã có những phát biểu sắc sảo, đề cập toàn diện các bất cập từ tổ chức bộ máy, cán bộ đến hiệu quả thực chất trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội và vai trò chính trị của Mặt trận.

Chọn người có tầm chiến lược và thấu hiểu thực tiễn

Theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, Mặt trận là nơi tập hợp, đoàn kết và phản ánh nguyện vọng nhân dân. Chúng ta có thể đào tạo người làm kế toán, kỹ sư, bác sĩ nhưng không có trường nào đào tạo cán bộ Mặt trận. Họ phải là những người vừa có kiến thức vĩ mô, vừa thấu hiểu đời sống, vừa có uy tín với cộng đồng, vừa có khả năng phản biện và truyền đạt chính sách.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP Hồ Chi Minh)
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP. Hồ Chí Minh)

Trong bối cảnh tinh giản bộ máy và tái cấu trúc hệ thống chính trị, vai trò của Mặt trận không chỉ dừng ở việc phát động phong trào mà cần thể hiện rõ tính giám sát, kết nối và phản biện xã hội một cách thực chất. Vì vậy, cán bộ Mặt trận không thể là người hành chính đơn thuần mà phải là người hiểu dân, sát dân và nói thay tiếng nói của nhân dân một cách sắc sảo, kịp thời.

Bà Châu cũng nêu, thực tế hiện nay việc gửi văn bản xin ý kiến từ phía các cơ quan liên quan thường bị trễ, chỉ về trước ba đến bốn ngày, trong khi theo quy định là mười lăm ngày. Điều này dẫn tới việc cán bộ Mặt trận phải vừa tổ chức, vừa giám sát, vừa tổng hợp ý kiến các chuyên gia, người tiêu biểu trong thời gian gấp gáp, không có ngày nghỉ, cuối tuần cũng phải làm việc. Bà cho rằng, Luật Mặt trận sửa đổi cần đặc biệt quan tâm đến hiệu quả thực chất, gắn với đời sống nhân dân, và nâng cao uy tín của Mặt trận.

Bà đề nghị cần quy định rõ trong luật về trách nhiệm phản hồi, giải trình của các cơ quan đối với các kiến nghị của Mặt trận. Không thể có chuyện Mặt trận làm giám sát, phản biện nghiêm túc mà không nhận được hồi đáp hay bị phớt lờ. Nếu một năm Mặt trận đã gửi nhiều kiến nghị nhưng không nhận được phản hồi, cơ quan đó cần bị xem xét thi đua, buộc phải giải trình công khai.

Làm rõ khái niệm trực thuộc, tránh làm méo mó tính độc lập tổ chức

Đại biểu Trần Kim Yến nhấn mạnh cần xem xét lại cách sử dụng cụm từ “trực thuộc” trong việc sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội về Mặt trận. Bà cho rằng, cụm từ này đã gây nhiều tranh luận và trong thời gian gần đây tạo ra cách hiểu chưa đúng về tính độc lập tổ chức. Trong khi đó, nội dung điều chỉnh liên quan đến vấn đề này vẫn chưa được thể hiện rõ trong dự thảo luật. Vì vậy, bà đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính độc lập tương đối về tổ chức của các tổ chức chính trị - xã hội ngay cả khi chuyển về Mặt trận.

Về sửa đổi Điều 62 liên quan đến hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, bà cho rằng quy định hiện hành chưa làm rõ phạm vi hoạt động, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp sắp tới sẽ không còn tổ chức Công đoàn do giải thể Công đoàn Viên chức. Nếu vẫn giữ nguyên quy định như hiện tại, sẽ phát sinh mâu thuẫn và vướng mắc trong thực thi vì Ban Thanh tra nhân dân sẽ không biết phối hợp với ai để thực hiện chức năng giám sát.

Đại biểu Trần Kim Yến cho biết, hiện nay đề án sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã đã được trình và đang triển khai thực hiện, nên nếu vẫn chưa xác định rõ mô hình tổ chức Công đoàn ở cấp xã hay liên xã, liên phường thì sẽ gây lúng túng cho cơ sở. Đặc biệt, nhiều nơi đã giảm đến bảy mươi phần trăm số đơn vị hành chính cấp xã, không còn cấp huyện, vì vậy việc giữ tổ chức Công đoàn ở cấp xã sẽ thuận lợi và phù hợp hơn so với việc đề xuất mô hình liên xã hoặc liên phường.

Cả hai đại biểu cùng nhấn mạnh, giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội là giám sát của nhân dân. Do đó, không thể để kết luận giám sát của Mặt trận bị xem nhẹ hoặc bỏ qua. Dự thảo luật cần bổ sung quy định yêu cầu Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các kết luận giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận.

Bà Châu đề xuất xây dựng các nền tảng số, trang thông tin điện tử để tiếp nhận ý kiến từ nhân dân, đồng thời tạo cơ chế truy xuất, lưu vết phản hồi một cách minh bạch và thuận tiện. Khi đó, cán bộ Mặt trận sẽ có thời gian xuống cơ sở, thực hiện đúng vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

Luật sửa đổi lần này không chỉ là sửa quy trình hay điều khoản mà phải sửa cách nhìn nhận vai trò và yêu cầu đối với đội ngũ làm công tác Mặt trận. Mỗi cán bộ Mặt trận không thể là sản phẩm của một quy trình đại trà mà phải là người có phẩm chất đặc biệt, có tầm nhìn chính trị, có kỹ năng tổng hợp, thấu hiểu thực tiễn, có năng lực quy tụ và có uy tín trong nhân dân cũng như quốc tế. Chỉ như vậy, Mặt trận mới thực hiện trọn vẹn vai trò là cầu nối vững chắc giữa nhân dân và hệ thống chính trị.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 21/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 29/TTr-MTTQ-ĐCT ngày 5/5/2025 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hoàng Nhưỡng - Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục