Lý do vì sao giá vàng tại Việt Nam luôn cao hơn giá thế giới?

(Banker.vn) Nhu cầu tiêu dùng Vàng tại Việt Nam trong quý III/2022 tăng 264% so với cùng kỳ. Cầu cao, nhưng cung thiếu là lý do giá vàng trong nước liên tục tăng cao.
Hội đồng Vàng Thế giới: Giá vàng khó đoán định Phòng trừ rủi ro lạm phát, người Việt tăng mua vàng Nhu cầu tiêu thụ vàng của Việt Nam tăng 264%

Thời gian gần đây, thị trường vàng diễn ra sôi động cả trong và thế giới. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi, đó là giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới. Lý giải nguyên nhân này, Báo Công Thương có cuộc phỏng vấn ông Andrew Naylor - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng Thế giới.

Theo những báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ Vàng của người tiêu dùng Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những thị trường Vàng lớn nhất Đông Nam Á. Vậy xin ông cho biết sự khác nhau về hình thức tiêu thụ Vàng tại thị trường Việt Nam với các nước khác trong khu vực và trên thế giới?

Vàng luôn được người Việt Nam ưu tiên đầu tư và sở hữu. Theo kết quả từ khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới vào năm 2020, trang sức vàng và vàng miếng/vàng nhẫn xếp thứ ba và thứ tư trong các hình thức đầu tư, chỉ sau tài khoản tiết kiệm và bảo hiểm nhân thọ. Năm 2021, Việt Nam là thị trường vàng miếng và xu vàng lớn nhất Đông Nam Á, nằm trong top 10 toàn cầu.

Dựa trên báo cáo Retail Gold Insights - Vietnam Investment (báo cáo về việc đầu tư vàng - thị trường đầu tư Việt Nam) do Hội đồng Vàng Thế giới công bố năm 2020, vàng là kênh đầu tư được 68% nhà đầu tư nghĩ đến đầu tiên, nhiều hơn bất kỳ hình thức đầu tư nào khác. Vì vàng được nhìn nhận là hàng rào chống rủi ro - 81% nhà đầu tư Việt Nam đánh giá vàng là biện pháp bảo vệ tốt trước sự bất ổn chính trị và kinh tế. 79% cũng nhìn nhận vàng là rào chắn hiệu quả chống lại lạm phát và biến động tiền tệ.

Lý do vì sao giá vàng tại Việt Nam luôn cao hơn giá thế giới?
Ông Andrew Naylor - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng Thế giới

Tuy nhiên, chỉ khoảng 1% các nhà đầu tư Việt Nam có thể tiếp cận các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Khi thị trường thiếu vắng các hình thức giao dịch và đầu tư vàng trực tuyến, nhà đầu tư cá nhân không có nhiều kênh để sở hữu vàng ngoài việc mua vàng vật chất từ ​​cửa hàng hoặc tiệm kim hoàn. Những ai có khả năng đầu tư vào vàng thông qua hình thức trực tuyến hoặc tài khoản số, khả năng cao đều là những cá nhân có giá trị tài sản ròng lớn, và có thể tiếp cận vào tài khoản đầu tư ở nước ngoài.

Tại Việt Nam, sự hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm vàng trực tuyến thể hiện qua tỷ lệ sở hữu thấp - chỉ 7% nhà đầu tư Việt Nam cho biết họ đang sở hữu các khoản đầu tư như vậy. Và trong số những người sở hữu hay giao dịch vàng theo hình thức trực tuyến, các sản phẩm vàng trực tuyến chỉ chiếm trung bình khoảng 30% danh mục đầu tư của họ.

Theo đó, có thể nói vàng sở hữu nhiều tiềm năng tại Việt Nam nếu dự đoán về một thị trường cởi mở hơn trở thành hiện thực.

Nhu cầu Vàng của thị trường Việt Nam gia tăng, song chênh lệch giữa giá Vàng miếng ở thị trường Việt Nam và thế giới luôn ở mức cao, có thời điểm lên mức kỷ lục gần 20 triệu đồng/lượng, nhiều chuyên gia tại Việt Nam nhận định thị trường Vàng trong nước "lạc lõng" so với diễn biến trên thị trường thế giới. Theo ông đây có phải là rào cản lớn đối với nhà đầu tư Vàng tại Việt Nam?

Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng quý III/2022 mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, tổng nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam trong quý III/2022 tăng 264% so với cùng kỳ và nhu cầu trang sức tăng 290% trong cùng kỳ.

Cầu cao, nhưng cung thiếu đã giải thích vì sao giá vàng trong nước liên tục tăng cao. Hạn chế nhập khẩu và các loại vàng miếng/xu vàng tại địa phương, khiến giá vàng ở Việt Nam không đồng bộ với giá vàng thế giới. Sản xuất các miếng vàng nhỏ hơn khá tốn chi phí, và riêng với vàng nhẫn, vàng cần được tinh chế lại; tất cả điều này góp phần làm tăng giá vàng. Việc hạn chế nhập khẩu không hề làm giảm đi nhu cầu vàng ở Việt Nam. Việc tự do hóa nhập khẩu vàng và giao dịch vàng trong nước – có thể thông qua trao đổi – sẽ làm cho thị trường minh bạch hơn, mang lại lợi ích cho cả chính phủ và người tiêu dùng.

Có thể nói, Vàng luôn giữ vai trò ưu tiên đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam vì tính đảm bảo của loại tài sản này, tuy nhiên những nhà đầu tư Vàng tại Việt Nam hiện vẫn chưa tiếp cận được với sự đa dạng của các hình thức đầu tư. Theo ông đâu là lý do?

Như tôi đã nói ở trên, theo báo cáo Đầu tư Tiêu dùng Việt Nam (Vietnam Consumer Investment) năm 2020, phần lớn vàng được sở hữu vẫn là vàng vật chất, có thể kể đến như vàng trang sức 24k, vàng miếng, vàng nhẫn hoặc vàng thỏi. Báo cáo này cũng cho thấy rằng, chỉ 1% số người được khảo sát cho biết họ có thể truy cập vào các quỹ ETF dựa trên vàng.

Lý do vì sao giá vàng tại Việt Nam luôn cao hơn giá thế giới?
Vàng vật chất rất dễ mua và bán với số lượng nhỏ, bởi vì nó là một phần của cuộc sống đời thường của người Việt Nam

Vàng vật chất rất dễ mua, bán và ngày càng phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tiềm năng cần được khai thác cho các kênh đầu tư mới về vàng.

Có một sự khác biệt thú vị giữa những người chỉ đầu tư vàng vật chất và những người quan tâm đến việc đầu tư vào các sản phẩm vàng theo hình thức trực tuyến. Những người chỉ quan tâm đến vàng vật chất dường như không để tâm đến lợi ích trong quá trình giao dịch số, trong khi những người quan tâm đến các sản phẩm vàng trực tuyến lại cân nhắc đến nhiều ưu thế khác, chẳng hạn như sự dễ dàng trong quá trình mua và bán, cũng như nhiều ưu thế giao dịch khác. Vàng vừa được xem là một loại tiền tệ, lại cũng vừa là một hình thức đầu tư. Nếu muốn đưa các sản phẩm mới đến với nhiều đối tượng nhất có thể, sẽ cần đến một sự thay đổi nhất định trong góc nhìn và văn hóa xung quanh vàng.

Vàng vật chất rất dễ mua và bán với số lượng nhỏ, bởi vì nó là một phần của cuộc sống đời thường nên rất quen thuộc và dễ hiểu. Tuy nhiên, vàng vật chất không phải là một kênh đầu tư mang tính đổi mới, và ở một quốc gia, nơi mà 81% nhà đầu tư coi việc đầu tư như sở thích, thì các kênh đầu tư mới như tài khoản vàng kỹ thuật số hoặc ETF mang nhiều tiềm năng để vàng mở rộng thị phần.

Nhìn chung, các rào cản chính đối với việc đầu tư vào vàng là khả năng chi trả và trình độ học vấn. Theo báo cáo Retail Insights, trong 72% nhà đầu tư cá nhân chưa bao giờ mua vàng trước đây, họ hoặc không biết cách mua vàng hoặc cho rằng nó nằm ngoài khả năng chi trả của họ.

Theo đó, Hội đồng Vàng Thế giới đã khởi động chiến dịch Gold 247, trong đó tăng cường khả năng tham gia thị trường vàng là một trong những trọng điểm chính của chiến dịch. Gold247 là tầm nhìn của Hội đồng Vàng Thế giới nhằm thay đổi thị trường vàng toàn cầu, nhằm đáp ứng những thách thức của người tiêu dùng và nhà đầu tư ngày nay phải đối diện. Cách giao dịch vàng và cách quản lý chuỗi cung ứng cần phải thay đổi và phát triển để đảm bảo thị trường vàng có thể tiếp tục đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng và nhà đầu tư tại điểm cuối, cũng như cộng đồng tài chính và cơ quan quản lý.

Để thích nghi, thị trường vàng cần trải qua quá trình số hóa, cho phép cả quá trình giao dịch lớn và bán lẻ đều minh bạch và dễ dàng 24/7. Việc này đồng nghĩa với việc loại bỏ các rào cản, giúp các nhà đầu tư dễ dàng tham gia thị trường, cũng như thiết lập cơ sở hạ tầng hiện đại cho thị trường vàng. Việc số hóa và mã hóa là cần thiết để hiện đại hóa thị trường và giúp các nhà đầu tư tiếp cận với kênh vàng dễ dàng hơn, trong cả hiện tại và tương lai.

Ông có nhận định gì về thị trường Vàng tại Việt Nam trong những tháng cuối năm, trong tương lại Việt Nam sẽ có những xu hướng đầu mới nào, đồng thời, có những khuyến nghị gì với các nhà đầu tư Vàng tại Việt Nam trong thời gian tới?

Do xu hướng lạm phát, cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư có thể đầu tư vào kênh vàng nhiều hơn như một tài sản trú ẩn an toàn, theo đó, nhu cầu vàng được dự đoán sẽ tiếp tục ổn định. Ngoài ra, dựa trên Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng quý III/2022, nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam đã tăng vọt do một số lý do, bao gồm sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GDP lành mạnh, thu nhập được thúc đẩy bởi các công ty trở lại hoạt động tối đa công suất, thay vì cắt giảm nhân lực như trước đây.

Có thể nói, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư vàng có thể sẽ tiếp tục tăng do sự mở cửa kinh tế và lo ngại về lạm phát.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lan (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục