Lý do kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan

(Banker.vn) Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao, cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan giữa Việt Nam - Trung Quốc đã kéo dài thời gian thông quan.
Lạng Sơn: Đảm bảo hoạt động thông quan hàng hoá thông suốt dịp Tết Nguyên đán Một số cửa khẩu với Trung Quốc sẽ dừng thông quan hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2024 Các cửa khẩu tại Lạng Sơn thông quan hàng hóa trở lại

Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, trong ngày 17/3/2024, tại 6 khu vực cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa, tổng lượng xe xuất nhập khẩu là 1.314 xe, trong đó, số lượng xe xuất khẩu là 345; xe nhập khẩu là 969.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn
Hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn

Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), riêng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trong hai ngày vừa qua (17 và 18/3), có khoảng 1.400 xe chở hàng nhập khẩu, tăng chừng 150 xe so với bình thường.

Ông Hoàng Khánh Duy - phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn - cho biết, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu giao thương hàng hoá của doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc tăng nhanh.

Lượng phương tiện chờ xuất khẩu bên phía cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) tồn rất lớn. Số lượng khoảng 1.000 xe với các mặt hàng chủ yếu là xe ô tô mới, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tại các khu công nghiệp của nước ta.

Do đó Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã trao đổi, thống nhất với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) các giải pháp tạo thuận lợi cho thông quan xuất nhập khẩu hàng hoá tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.

Hai bên thống nhất mở lại hầm Tả Phủ Sơn (Trung Quốc) và phân luồng riêng cho xe hàng trống của hai bên đi qua khu vực mốc 1116-1117 để trở về nước sau khi giao hàng từ ngày 14/3. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 dành cho xe chở hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng hai bên sẽ làm việc thêm hai tiếng, đến 20h hằng ngày. Trước mắt, giải pháp này áp dụng trong ngày 17 và 18/3 để tăng hiệu suất thông qua.

Ngày 19/3, tùy tình hình thực tế, lực lượng chức năng hai nước sẽ thống nhất làm việc thêm nếu xe hàng nhập khẩu vẫn còn tăng cao, tạo điều kiện cho các xe hàng chờ xuất khẩu được di chuyển thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 23,72 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng trước; tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước,

Do sự phục hồi mạnh của sản xuất và xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng cao. Đáng chú ý là nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 94% và tăng 22,2%, trong đó nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm tới 47%; tăng gần 25% cho thấy dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu.

Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, ước đạt 15,56 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu chung của cả nước.

Tiếp đến là kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng cũng tăng tới 24,8%, đạt gần 7 tỷ USD; nhập khẩu vải tăng 15,4%, đạt 1,98 tỷ USD; sắt thép tăng 62,7%, đạt 1,95 tỷ USD; dầu thô tăng 27,5%; chất dẻo nguyên liệu tăng 13,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 17,7%;…

2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 98,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh Hà

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục