Lợi nhuận ngân hàng phân hóa rõ nét

(Banker.vn) Tính đến thời điểm ngày 24/4, đã có 12 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm 2024. Trong đó, có 8 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận đi lên và 4 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm.

Một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Điển hình như VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 66% so với quý liền trước và 64% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế quý I đạt hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với quý IV/2023.

Lợi nhuận ngân hàng phân hóa rõ nét
Hình minh họa.

LPBank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2024 đạt 2.886 tỷ đồng, tăng tới 84,36% so với cùng kỳ, hoàn thành 27,49% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 84,88% so với cùng kỳ. Còn Techcombank đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023; SeABank có lợi nhuận trước thuế hơn 1.500 tỷ, tăng 41%...

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 vừa được tổ chức mới đây, lãnh đạo TPBank cho biết lợi nhuận của TPBank trong quý I đạt 1.829 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng dự kiến hết tháng 4, lợi nhuận đạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Tương tự, kết thúc quý I/2024, lợi nhuận trước thuế quý I của MSB đạt trên 1.500 tỷ, tăng nhẹ so với năm ngoái, trong đó ngân hàng ghi nhận khoản lãi hơn 550 tỷ đồng từ mảng kinh doanh ngoại hối, tương đương 54% lãi thuần hoạt động này trong cả năm 2023.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có lợi nhuận quý I sụt giảm so với cùng kỳ như: MB giảm 11%, ACB giảm 5%, VIB giảm 7% và PGBank giảm 24%...

Theo giới phân tích, lợi nhuận của ngành ngân hàng nhìn chung sẽ vẫn yếu do tăng trưởng tín dụng chỉ tăng tốc vào cuối tháng 3 và hoạt động dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nợ quá hạn có thể tăng lên, trong khi biên lãi thuần (NIM) vẫn chịu áp lực và tăng trưởng tín dụng vẫn yếu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sang đến tháng 3, tín dụng đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Theo đó, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.

Tín dụng tăng trưởng chậm và gia tăng trích lập dự phòng rủi ro là những lý do khiến nhiều ngân hàng sụt giảm lợi nhuận. Đơn cử như tại MB, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm đến từ thu nhập hoạt động cốt lõi kém khả quan và ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý I của ngân hàng chỉ ở mức 9.062 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ, đồng thời MB tăng khá mạnh chi phí dự phòng rủi ro với mức tăng 46,4% lên 2.707 tỷ đồng.

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, các ngân hàng phải đẩy mạnh thu nhập từ mảng dịch vụ để bù đắp. Theo báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng cho thấy, đóng góp vào bức tranh lợi nhuận của ngân hàng của mảng dịch vụ khá lớn. Chẳng hạn tại TPBank, mảng đầu tư chứng khoán đã mang về lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng khi thu nhập từ mảng này tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Chứng khoán MBS, mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 3 tháng đầu năm 2024 vẫn còn khá chậm, nhưng những dấu hiệu tích cực đến từ hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI cho thấy tín dụng có thể được đẩy mạnh trong phần còn lại năm 2024.

MBS cho rằng những ngân hàng có những đặc điểm sau sẽ có được kết quả kinh doanh khả quan hơn so với toàn ngành: Thứ nhất, NIM có thể chống chọi được sự bào mòn do hoạt động cắt giảm lãi suất cho vay nhằm cạnh tranh tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng được kỳ vọng sẽ có NIM bền vững là những ngân hàng có chi phí vốn thấp và ưu thế về CASA (như VCB, TCB, MBB...).

Thứ hai, những ngân hàng có chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ cùng gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 sẽ giảm được áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó giúp lợi nhuận sau thuế gia tăng đáng kể hơn so với toàn ngành (VIB, TCB CTG...).

Cuối cùng, những ngân hàng có mảng tín dụng tăng trưởng tốt và ổn định nhờ có tệp khách hàng riêng (như HDB, TCB, ...).

‘Quay xe’ chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ muốn chuyển cổ phần cho con gái út sinh thay vì quỹ phi lợi nhuận

Con gái út chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ mới sinh năm 2001 và đang ‘khóc vì sợ trách nhiệm’.

Kế hoạch lợi nhuận phân hóa, thị phần xáo trộn tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Theo khảo sát tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đứng top đầu về thị phân cho thấy, triển vọng tăng trưởng trong ...

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục