Lợi nhuận giảm 17%, “vua bút bi” Thiên Long (TLG) vẫn “bỏ túi” 1 tỷ đồng mỗi ngày

(Banker.vn) Không nằm ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, lợi nhuận 10 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn Thiên Long đã sụt giảm 17% so với cùng kỳ. Dù vậy, khoản lãi mà doanh nghiệp này “bỏ túi” mỗi ngày vẫn lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 10 tháng đầu năm 2023, ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.036 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu đạt 736 tỷ đồng, chiếm 24%. Tập đoàn Thiên Long cho biết, trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế vĩ mô, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt là OEM đang đối mặt với nhiều thách thức từ bối cảnh ảm đạm của thị trường quốc tế.

Lợi nhuận giảm 17%, “vua bút bi” Thiên Long (TLG) vẫn “bỏ túi” 1 tỷ đồng mỗi ngày
Trong tháng 10, Tập đoàn Thiên Long đã khai trương cửa hàng thứ 6 của Clever Box.

Trong khi doanh thu tăng không đáng kể, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Thiên Long lại tăng 9%, lên mức 910 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Tập đoàn này đang tập trung thực hiện đầu tư chi phí cho nhân sự bán hàng và đào tạo nhân lực và mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ Clever Box. Hiện tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần của “vua bút bi” đang ở mức 30%.

Khấu trừ chi phí, kết thúc 10 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Thiên Long ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Dù suy giảm đáng kể so với cùng kỳ nhưng với kết quả này, trung bình mỗi ngày, “vua bút bi” vẫn “bỏ túi” khoản lợi nhuận lên tới 1,1 tỷ đồng.

Nhờ hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu giảm, biên lãi gộp của doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức 44%, tương đương cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó biên lãi ròng tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 14%.

Lợi nhuận giảm 17%, “vua bút bi” Thiên Long (TLG) vẫn “bỏ túi” 1 tỷ đồng mỗi ngày
Kết quả kinh doanh sơ bộ 10 tháng đầu năm của Tập đoàn Thiên Long

Được biết, năm 2023, Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, sau 10 tháng, doanh nghiệp vẫn đang bám sát kế hoạch đề ra khi đã thực hiện được 76% chỉ tiêu doanh thu và 87% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong tháng 10, Tập đoàn Thiên Long cũng khai trương cửa hàng Clever Box và trung tâm thương mại GO! Bà Rịa. Đây là cửa hàng thứ 6 của Clever Box.

Về sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 ghi nhận, tại ngày 30/9, tổng tài sản của Tập đoàn Thiên Long đạt 2.661 tỷ đồng, giảm 7% so với hồi đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp có gần 225 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm tới 45% so với đầu năm. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm khá mạnh, ở mức 31%, xuống còn 242 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 45%, lên 536 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng giảm 11%, xuống còn 827 tỷ đồng, chủ yếu do giảm hàng mua đang đi đường và thành phẩm.

Tại thời điểm cuối quý III/2023, tổng nợ phải trả của Tập đoàn ghi nhận ở mức 601 tỷ đồng, giảm 34%, chủ yếu do các khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và chi phí phải trả ngắn hạn giảm so với đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ vay ghi nhận ở mức 201 tỷ đồng, chiếm 33% cơ cấu nợ phải trả, bao gồm 128,5 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 72,5 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Về triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Thiên Long, trong một báo cáo phân tích hồi tháng 4, Chứng khoán Vietcap dự báo, doanh số bán hàng của “vua bút bi” giai đoạn 2022-2025 sẽ giảm 4%. Trong đó, doanh số bán hàng cho các dòng sản phẩm chính - bút viết, dụng cụ văn phòng và dụng cụ học tập có thể giảm xuống 10%/năm.

Tuy nhiên, với kỳ vọng Thiên Long sẽ chuẩn bị tốt cho các sản phẩm bút viết và thâm nhập sâu hơn vào thị trường có biên lợi nhuận cao là dụng cụ mỹ thuật nhờ các kế hoạch marketing, Vietcap đã tăng nâng dự báo giá bán trung bình giai đoạn 2023-2025 lên mức 6%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TLG mở cửa phiên 6/12 ở mức giá 49.900 đồng/cp, giá trị vốn hoá của doanh nghiệp theo đó đạt hơn 3.900 tỷ đồng.

Tập đoàn Thiên Long được thành lập năm 1981 bởi doanh nhân Cô Gia Thọ, hiện là hãng văn phòng phẩm duy nhất trên sàn chứng khoán. Các đối thủ của công ty trên thị trường là Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà và Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Bến Nghé. Trong đó, Hồng Hà từng niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã chứng khoán HHA, thậm chí có giai đoạn đã leo lên vùng giá hơn 100.000 đồng/cp song đã rời sàn chứng khoán từ cuối năm 2019.

Hai chỉ vàng làm nên nghiệp lớn của doanh nhân Cô Gia Thọ - "cha đẻ" dòng bút bi "quốc dân" Thiên Long

Để gây dựng được nên thương hiệu bút bi Thiên Long gắn liền với các đời học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay, ít ...

Kỳ vọng tươi sáng, bức tranh lợi nhuận của Tập đoàn Thiên Long (TLG) sẽ ra sao?

Công ty chứng khoán Vietcombank – VCBS cho rằng, Tập đoàn Thiên Long (TLG) đang trải qua giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong chiến ...

"Vua bút bi" Thiên Long (TLG) báo lãi giảm đến 84% trong tháng nghỉ hè

Trong bối cảnh thị trường chung ảm đạm, cùng với học sinh, sinh viên được nghỉ hè, kết quả kinh doanh tháng 7/2023 của Tập ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục