Lộ diện 6 tập đoàn thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

(Banker.vn) Theo số liệu quyết toán thuế năm 2022, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu IIR từ năm 2024 thì có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng, trong đó có Vietcombank, MobiFone, Vietjet,…

Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) bị cưỡng chế hơn 100 tỷ đồng tiền thuế

Dược phẩm Imexpharm bị phạt và truy thu thuế gần 1,4 tỷ đồng

Quốc hội sẽ xem xét chính sách thuế nhằm giữ chân 'đại bàng' đến Việt Nam

Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo tờ trình dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Theo tờ trình, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra tuyên bố Khung giải pháp hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số. Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng.

Thế nhưng, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế TTTC, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức TTTC 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Lộ diện 6 tập đoàn thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH

Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế TTTC. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thuế TTTC có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.

Theo Chính phủ, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một mặt bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế.

Việc áp dụng cũng mang lại cơ hội tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế và hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Từ đó, Chính phủ đề xuất xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024, bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT).

Lộ diện 6 tập đoàn thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, theo đánh giá, Việt Nam sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, với số thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế TTTC có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam, thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ. Mặt khác, việc sớm ban hành nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế TTTC từ đầu năm 2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Về đánh giá tác động, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 và dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết.

Đối với các tập đoàn trong nước, Chính phủ dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết và dự kiến số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung IIR có thể thu từ các khoản đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn này là khoảng 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế TTTC). Cụ thể, 6 tập đoàn này gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Công ty CP Hàng không Vietjet, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát.

Cũng theo quy định về thuế TTTC, ngay cả đối với phần thu nhập trong nước của các tập đoàn này đang có thuế suất thực tế dưới 15% cũng sẽ phải nộp thuế TNDN bổ sung tối thiểu nội địa để tránh việc các nước thứ 3 sẽ được quyền thu khoản thuế này của Việt Nam từ năm 2025. Đây sẽ có thể là ảnh hưởng đáng kể đối với các tập đoàn trong nước.

Qua rà soát, Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện có 619 tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu euro trở lên (thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu).

Trong đó, có 438 tập đoàn có 1 công ty thành viên tại Việt Nam và 181 tập đoàn có nhiều công ty thành viên tại Việt Nam (576 công ty thành viên). Từ số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, cơ quan thuế tính sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, nếu loại thuế này được áp dụng từ năm 2024.

Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.600 tỉ đồng.

Khi Việt Nam áp dụng IIR đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài mà có doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu euro, có công ty thành viên ở nước khác nếu có số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì có khả năng thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung từ những doanh nghiệp này, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước.

Tính đến tháng 6, Việt Nam có 1.654 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỉ USD. Trong đó, 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước với tổng vốn đầu tư gần 11,67 tỉ USD, chiếm gần 52,8% tổng vốn đầu tư cả nước.

TCBS hoàn tất nộp bổ sung 4,1 tỉ đồng, đóng 2.904 tỷ đồng tiền thuế 2021-2022

Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) được ghi nhận đã đóng 2.904 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2021-2022, trong đó bao ...

Chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Họp phiên toàn thể tại Hội trường ngày 03/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau ...

Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024

Chính phủ vừa có nghị quyết về đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội liên quan việc giảm thuế giá trị ...

Y Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục