Linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ giữa nhiều biến số toàn cầu bất định

(Banker.vn) Ngày 10/5/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trước biến số kinh tế toàn cầu” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức với sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ngày 10/5/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trước biến số kinh tế toàn cầu” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức với sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Đây là sự kiện thường niên diễn ra từ năm 2018 với sự góp mặt của hơn 150 khách mời bao gồm Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà; Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Trần Minh Hùng; đại diện các bộ, ban, ngành; các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước; lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) và nhiều định chế tài chính khác như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…

Tiếp nối thành công của những sự kiện Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng trước đây, chủ đề Diễn đàn năm 2023 tập trung thảo luận điều hành CSTT linh hoạt trong bối cảnh các biến số vĩ mô, đặc biệt là diễn biến kinh tế - địa chính trị trên thế giới ảnh hưởng đến chính sách ngày càng nhiều hơn và khó đoán định hơn.



Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Diễn đàn

 
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh: Bối cảnh vĩ mô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 biến động nhanh và mạnh nhất trong nhiều thập kỉ, vượt khỏi mọi dự đoán trước đó. Từ suy thoái sâu trong đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu nhanh chóng chuyển trạng thái thành lạm phát cao kỉ lục, lên mức trên 8% tại Mỹ và trên 10% tại châu Âu, hơn 80 quốc gia lạm phát từ hai con số trở lên trong năm 2022. Lạm phát tăng cao nên xu hướng thắt chặt tiền tệ là không tránh khỏi. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tần suất và mức độ nhanh nhất trong lịch sử (tăng 5% chỉ trong 14 tháng). Thị trường quốc tế biến động mạnh, từ tiền tệ với USD có thời điểm tăng giá lên mức kỉ lục trong 20 năm đến cổ phiếu, trái phiếu và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu. Xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ diễn ra tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Những tháng đầu năm 2023, nhiều quốc gia đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế kèm lạm phát cao, thương mại toàn cầu giảm, khủng hoảng tại một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu tiếp tục đặt ra thách thức cho điều hành CSTT trên toàn thế giới.
 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn
 
Trong bối cảnh môi trường quốc tế biến động phức tạp, khó lường, là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành CSTT, nhất là điều hành lãi suất, tỉ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn để xử lí hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như: (i) Làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; (ii) Vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; (iii) Vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Nhiệm vụ đặt ra vô cùng thách thức nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để chung tay, góp sức, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, đạt được các mục tiêu vĩ mô đặt ra. Kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi tích cực, tăng trưởng 8,02% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, doanh nghiệp và người dân tiếp tục tin tưởng vào giá trị đồng Việt Nam, mặt bằng lãi suất sau khi tăng trong năm 2022 do áp lực trong và ngoài nước đã có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.
 


Phiên thảo luận 1 với chủ đề: Những biến số trong phương trình “ổn định vĩ mô” của CSTT
 
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng năm 2023, các diễn giả đã tập trung phân tích, làm rõ bức tranh về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bài học rút ra trong điều hành CSTT năm 2022 cũng như nhận diện khó khăn, áp lực phải đối mặt trong năm 2023, đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm nắm bắt cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.



TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam
tham luận tại Diễn đàn

 
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận định, mặt bằng lãi suất đang giảm nhưng còn cao. Hiện nay là thời điểm thích hợp để NHNN tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng CSTT hỗ trợ cho tăng trưởng. Dự báo về lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, từ nay đến cuối năm, Fed sẽ không tăng lãi suất nữa sau 10 lần tăng lãi suất nhanh lên mức kỉ lục kể từ năm 2007. Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng lắm chỉ có một lần tăng lãi suất nữa, như vậy lãi suất sẽ đi ngang đến cuối năm 2023. Nếu tình hình kinh tế của Mỹ, của thế giới xấu đi thì khả năng họ bắt đầu đảo chiều lãi suất vào đầu năm tới. Đó là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Còn các ngân hàng trung ương ở châu Á khả năng có thể có một lần tăng lãi suất nữa rồi cũng sẽ đi ngang. Việt Nam đã đi trước một bước khi đã giảm lãi suất điều hành về mức 5,5% trong tháng 3/2023 và thị trường hi vọng NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành về mức 4% trong năm 2025. Đây là mức tương đối thấp so với trước đại dịch Covid-19. Về tỉ giá, biến động của tỉ giá USD/VND ở mức trên 3% là chấp nhận được. Dự báo trong năm 2023, khi Mỹ không tăng lãi suất nữa, kinh tế Mỹ tăng trưởng thấp hơn, USD mất giá và các đồng tiền khác sẽ tăng giá trở lại, trong đó có VND. Từ đầu năm đến nay, VND đã tăng giá 0,7 - 0,8% so với USD, dự báo tỉ giá cơ bản cả năm 2023 sẽ ổn định, VND nếu có mất giá thì chỉ khoảng 0,5 - 1%.
 

Bà Hà Thị Kim Nga - Cán bộ kinh tế cao cấp Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam tham luận tại Diễn đàn
 
Bà Hà Thị Kim Nga - Cán bộ kinh tế cao cấp Văn phòng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, kì vọng lãi suất của Fed trở nên rất dao động. Việc thắt chặt CSTT của Mỹ còn lớn hơn và lâu hơn có thể tác động lan tỏa lớn đến châu Á. Tuy nhiên, áp lực tỉ giá đã dịu đi và CSTT cũng đã được nới lỏng, lạm phát có thể đã tiệm cận đến điểm bước ngoặt. Lạm phát chung đã ổn định trở lại tại các nước trong khu vực nhờ giảm giá hàng hóa sơ chế và chi phí vận chuyển nhưng lạm phát cơ bản vẫn còn cao và đang ngày càng trở thành nguyên nhân chính gây lạm phát. Do đó, dù dự báo nhìn chung lạm phát sẽ giảm, song lạm phát cơ bản có thể còn dai dẳng trước khi giảm dần xuống dưới 4%.

NHNN nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỉ giá, đồng thời đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lí các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản. Các chính sách cần được cân nhắc, phối hợp và truyền thông một cách thận trọng. NHNN nên dựa vào lãi suất chính sách để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỉ giá. Bên cạnh đó, đảm bảo sự ổn định khu vực tài chính khi xử lí các nút thắt của thị trường trái phiếu và bất động sản; chính sách tài khóa nên linh hoạt và có mục tiêu, đồng thời, thực thi các cải cách cơ cấu.
 


Bà Dương Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ CSTT, NHNN tham luận tại Diễn đàn
 
Đánh giá về tình hình hiện tại, bà Dương Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ CSTT, NHNN cho biết, sang năm 2023, khi các áp lực bên ngoài đã dịu hơn, ngân hàng trung ương các nước và Fed giảm dần biên độ và cường độ tăng lãi suất, chỉ số USD Index cũng ở mức 101%, thấp hơn 11% so với tháng 11 và tháng 12/2022. Cung cầu tiền tệ trong nước được cải thiện, thêm vào đó là các giải pháp điều hành thì tỉ giá đã ổn định, thị trường thông suốt. Ngoài ra, NHNN cũng mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

CSTT đối diện nhiều vấn đề mâu thuẫn đan xen, đó là làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; chính sách cũng vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
 
 

Phiên thảo luận 2 với chủ đề “Tăng cường hiệu quả CSTT trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định”
 
Cũng tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng 2023, với hai phiên thảo luận với các chủ đề: Những biến số trong phương trình “ổn định vĩ mô” của CSTT và Tăng cường hiệu quả CSTT trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định, các diễn giả đã thảo luận và nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến số bất định, nội tại nền kinh tế cũng đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực (như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lí và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp…) cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, cùng tham gia xây dựng gói giải pháp chung tổng thể nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả CSTT nói riêng.

NH
                                                          
Theo: Tạp chí Ngân hàng