Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ dậy sóng, tăng tới 4,5%, gấp 4 lần tuần trước

(Banker.vn) So với tuần trước, lãi suất liên ngân hàng bất ngờ dậy sóng, tăng từ mức 0,9%/năm lên gần 4,5%/năm, gấp 4 lần tuần trước.
Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước giảm tốc độ bơm tiền Lãi suất liên ngân hàng quay đầu giảm mạnh Ngân hàng Nhà nước lại hút ròng, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên 13%

Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt

Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước cập nhật ngày 6/4, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng mạnh 0,20-1,22 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vào ngày 6/4 là 4,47%/năm. Mức lãi suất này gấp đôi so với đầu tuần và gấp 4 lần so với tuần trước.

Với mức lãi suất trên có thể thấy, sau khi giảm sâu vào cuối tháng 3, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu quay đầu tăng trở lại ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành giảm một số loại lãi suất điều hành.

Trước đó, trong phiên 30/3, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90 - 95% giá trị giao dịch) giảm còn 0,9%/năm. Tuy nhiên, đến ngày 31/3, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 1,12%/năm. Đến ngày 3/4, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lại được điều chỉnh tăng lên mức 2,12%/năm. Tới ngày 4/4, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lại được điều chỉnh tăng lên mức 2,48%/năm. Sang ngày 5/4, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm lại được điều chỉnh tăng lên mức 3,41%/năm.

Nhưng so với mức lãi suất trên 6%/năm hồi tháng 2, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hiện là 4,47%/năm thì vẫn còn cách khá xa.

Trên thị trường mở, ngày 6/4, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 10.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 5%/năm. Thay vì “không ai động đến” như những lần trước, ở phiên này, có 337,79 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn.

Ở các phiên trước đó, thanh khoản dồi dào và lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh khiến cho lượng vốn chào thầu của NHNN trên thị trường mở liên tục bị “ế”. Ngày 4/4, đánh dấu phiên thứ 11 hệ thống ngân hàng không vay một đồng nào từ Ngân hàng Nhà nước trên kênh vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) dù nhà điều hành tiền tệ đã tăng kỳ hạn cho vay lên tới 35 ngày.

Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ dậy sóng, tăng tới 4,5%, gấp 4 lần tuần trước
Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ dậy sóng, tăng tới 4,5%, gấp 4 lần tuần trước

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc. Đồng thời, trong quý I/2023, Ngân hàng Nhà nước đã mua 4 tỷ USD đồng nghĩa bơm tiền đồng ra, giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản. Cùng với đó, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng sau Tết tăng khá cao trở lại.

Chính vì thanh khoản dồi dào cùng với nhu cầu tín dụng còn thấp (tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 9/3 mới chỉ đạt 1,12%, chưa bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ năm 2022) đã giúp lãi suất huy động hạ nhiệt nhanh chóng.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 2/2023 các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Đến nay, chỉ còn duy nhất ABBank niêm yết mức lãi suất trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng. So với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi giữa tháng 1, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 - 1,5% ở tất cả kỳ hạn.

Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành

Chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố 2 đợt giảm lãi suất điều hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I/2023 thấp hơn dự kiến, giới phân tích nhận định khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm một đợt điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn ngay trong quý II này.

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Maybank Investment Bank kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào giữa năm 2023 và 50 điểm cơ bản nữa vào đầu năm 2024. Nguyên nhân là do lạm phát trong nước ở mức vừa phải (thấp hơn mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước) và chính sách tiền tệ của Fed sẽ được nới lỏng.

Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB cũng đưa ra dự đoán nhà điều hành sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho phần còn lại của năm với các lý do tương tự như trên.

Nhưng UOB cho rằng, điều này không đồng nghĩa sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này. “Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc. Hướng tập trung của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng sẽ là xu hướng tập trung quản lý lạm phát trong nước” - báo cáo của UOB cho biết.

UOB nhận định, bên cạnh những cân nhắc về giá tiêu dùng, bất kỳ sự cắt giảm lũy kế nào lớn hơn 100 điểm cơ bản sẽ phụ thuộc vào sự ổn định của ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, đặc biệt là mức độ ảnh hưởng kéo dài từ chiến dịch tăng lãi suất kéo dài 1 năm của Fed đến nhu cầu trên toàn cầu.

“Bao gồm cả việc cắt giảm 50 điểm cơ bản mới được thông báo gần đây, chúng tôi tiếp tục cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong quý II năm 2023. Điều này có nghĩa là lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản trước thời điểm cuối tháng 6 để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế trong nước”- UOB nhận định.

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 như Chính phủ đã đề ra, cần có các biện pháp hỗ trợ, kích thích nền kinh tế phục hồi tăng trưởng; trong đó, việc giảm chi phí vốn là cần thiết. Môi trường lãi suất thấp hơn sẽ giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí vay vốn, qua đó thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Việc điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cần còn nhiều yếu tố bất định được xem là khá kịp thời và linh hoạt.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục