Lãi suất huy động tăng trở lại, kỳ hạn ngắn sát “trần”

(Banker.vn) Từ giữa tháng 4, lãi suất huy động rục rịch tăng trở lại, trong đó kỳ hạn ngắn đang sát “trần”.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm thêm 0,2% Lãi suất huy động lao dốc, giảm 7 lần trong 1 tháng Huy động vốn tăng không kịp mức tăng tín dụng

Lãi suất huy động tăng trở lại, kỳ hạn ngắn sát “trần”

Thời gian qua, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã có hành trình giảm đáng kể. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4, khá nhiều ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng trở lại, tiến sát mốc 6% ở kỳ hạn 6 tháng và áp sát “trần” ở kỳ hạn ngắn.

Cô Bảo Thanh (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết, mới đây cô đi “đổi sổ” tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). Cô khá bất ngờ khi được thông báo lãi suất là 5,75%, tăng 0,4% so với trước đó.

Hồi đầu tháng 4, cô Thanh cũng đổi một sổ khác tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank). Ở thời điểm đó, lãi suất chưa có bất cứ biến động nào. Tuy nhiên, BacA Bank tăng nhẹ lãi suất thêm 0,1%/năm cho các kỳ hạn dài. Mức cao nhất tại nhà băng này là 5,9%/năm với 3 kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.

Trong khi đó, anh Hồng Lâm (Lý Thường Kiệt – Hà Nội) cho biết anh thường xuyên liên hệ với một giao dịch viên tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB). Trong ngày 17/4, anh được thông báo lãi suất tiền gửi 4%-4,6% cho kỳ hạn 1 đến 3 tháng. Chỉ sau đó 1 ngày, tới 18/4, những con số này nâng lên 4,4%-4,7%.

Như vậy, lãi suất tiền gửi ngắn hạn đã tiến sát mức “trần” 4,75%/năm do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Ngoài ra, khá nhiều nhà băng khác cũng tăng lãi suất như: Eximbank, VPBank, Nam A Bank, OCB, GPBank và Agribank.

Trong khi lãi suất biến động mạnh ở các kỳ hạn ngắn thì với kỳ hạn dài, mức dành cho giới siêu giàu vẫn ở mức cao.

Lãi suất huy động tăng trở lại, kỳ hạn ngắn sát “trần”

Lãi suất huy động tăng trở lại, kỳ hạn ngắn sát “trần”. Ảnh: Chụp màn hình.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tiếp tục là nhà băng có lãi suất huy động cao nhất với 9,65%/năm. Tuy nhiên, ưu đãi này không áp dụng cho khách hàng đại chúng mà dành cho giới siêu giàu. Theo đó, chỉ các trường hợp mở mới/ tái tục các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng có mức tiền gửi nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng mới được nhận lãi suất hấp dẫn này.

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách các ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất với 9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Số dư tiền gửi tối thiểu cho mức lãi này là 2.000 tỷ đồng.

Ngân hàng cần “hy sinh” lợi nhuận

Trả lời phóng viên Báo Công Thương, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến lãi suất đang tăng trở lại.

Thứ nhất, hiện tại, tín dụng đang được đẩy mạnh ra nên các ngân hàng cần vốn huy động để cho vay ra nhiều hơn. Cụ thể, theo dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến hết quý 1/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93% gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4%.

Thứ hai, rất nhiều người đang đổ tiền vào vàng khi giá vàng tăng nhanh. Với ngân hàng, đây là điều mà họ rất quan tâm. Có thể xảy ra tình trạng người dân rút tiền khỏi ngân hàng để mua vàng, từ đó khiến ngân hàng thiếu hụt vốn huy động để cho vay. Vì vậy, lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh tăng để hấp dẫn hơn.

Khi lãi suất huy động tăng, khả năng lãi suất cho vay tăng theo là rất cao. Đây là tín hiệu đi ngược chiều với tín dụng. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 16% để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%.

Trong khi đó, theo ông Hiếu, hiện tại nhu cầu vốn của doanh nghiệp là rất lớn. Trước mắt, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ còn nhiều khó khăn nên mong muốn của doanh nghiệp là ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất huy động tăng trở lại, kỳ hạn ngắn sát “trần”
Tín dụng đang được đẩy mạnh ra nên các ngân hàng cần vốn huy động để cho vay ra nhiều hơn. Ảnh: Chụp màn hình.

Làm thế nào để dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm? Ông Hiếu đánh giá đây là điều khá khó khăn nhưng không phải không làm được. Hy sinh lợi nhuận là điều ngân hàng nên làm.

Ông Hiếu cho biết, ngân hàng đo lợi nhuận qua chỉ tiêu Net Interest Margin (NIM). NIM trung bình của ngành là 3%. Khi lãi suất huy động tăng, thay vì tăng lãi suất cho vay, ngân hàng có thể giảm các chi phí khác. Điều này tùy thuộc vào khả năng của mỗi ngân hàng.

Dù vậy, ông Hiếu khẳng định với ngân hàng lớn, không cần hy sinh lợi nhuận, họ vẫn có dư địa giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh việc tiết giảm các chi phí, ngân hàng còn có công cụ “Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng”.

“Các ngân hàng thường có lượng dự phòng rủi ro tín dụng rất lớn. Trong năm nay, họ hoàn toàn có thể cắt giảm chỉ tiêu này để duy trì lợi nhuận. Nhưng đây lại là điều các ngân hàng nhỏ không làm được vì dự phòng của họ không lớn so với quy mô”, ông Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh từ bây giờ cho đến cuối năm việc giảm lãi suất là không hề dễ vì liên quan đến tỷ giá. Các vấn đề lãi suất, tỷ giá, ngoại thương liên hệ chặt chẽ tới nhau. Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp dung hòa, linh hoạt, cân đối các chỉ số kinh tế để tạo ra sự hài hòa cho tất cả các chính sách tiền tệ, tài khóa để giữ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay.

Ngân hàng Nhà nước dự báo, năm 2025, mặt bằng lãi suất sẽ tăng nhẹ nhưng tiếp tục duy trì mặt bằng thấp; Lãi suất cho vay dự kiến đi ngang trong nửa đầu năm trước khi tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm.

Hoàng Quyên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục