Lãi suất huy động khó giảm mạnh trong năm 2025?

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước điều tiết linh hoạt để kiểm soát tỷ giá VND/USD trước áp lực từ đồng USD mạnh lên. Bên cạnh đó, lãi suất huy động năm 2025 dự báo dao động 5-5,2%, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ấn tượng và nợ xấu gia tăng.

NHNN linh hoạt điều tiết thị trường tiền tệ trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây, Chứng khoán MB (MBS) đã phân tích những động thái linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong điều tiết thanh khoản hệ thống nhằm kiểm soát áp lực tỷ giá gia tăng vào cuối năm 2024. Theo đó, tháng 12/2024, NHNN đã phát hành gần 123,7 nghìn tỷ đồng tín phiếu với lãi suất dao động từ 3,9% - 4%, kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày, đồng thời bơm khoảng 172 nghìn tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) với lãi suất 4% cho kỳ hạn 7-14 ngày. Kết quả, lượng bơm ròng trong tháng đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh gần 7 lần so với tháng trước.

Động thái này giúp giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa phải, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 12 khởi đầu ở mức 4%, giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng tại 2,4% vào ngày 19/12 nhờ thanh khoản dồi dào từ NHNN. Tuy nhiên, sau khi NHNN bán ra lượng lớn USD để can thiệp thị trường, lãi suất đã tăng trở lại lên 4% vào ngày 27/12 và kết thúc tháng ở mức 3,6%. Các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng dao động trong khoảng 4,4% - 4,7%.

Nguồn: Bloomberg, MBS Research
Nguồn: Bloomberg, MBS Research

Lãi suất huy động đã trải qua nhiều biến động trong năm 2024. Sau khi chạm đáy vào tháng 3, lãi suất bắt đầu tăng từ tháng 4 do mức lãi suất thấp khiến người dân rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng. Xu hướng tăng rõ rệt hơn từ tháng 6 khi tăng trưởng tín dụng vọt lên 6,1% so với mức 3,4% của tháng 5, nhanh gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Để đảm bảo thanh khoản phục vụ nhu cầu tín dụng vào cuối năm, lãi suất huy động tiếp tục tăng từ tháng 11. Trong tháng 12, 12 ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% - 0,3%/năm.

Lãi suất huy động tăng là hệ quả trực tiếp của tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Tính đến cuối tháng 12, tín dụng toàn hệ thống tăng 15,08% so với cuối năm 2023, vượt mục tiêu của NHNN.

Lãi suất huy động khó giảm mạnh trong năm 2025

Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến cuối tháng 12/2024 đạt mức 15,08%, vượt mục tiêu 15% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra. Đây là một con số ấn tượng, nhưng cũng đi kèm với áp lực gia tăng đối với hệ thống ngân hàng trong việc duy trì thanh khoản và kiểm soát nợ xấu.

MBS dẫn số liệu từ NHNN cho thấy, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9/2024 đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gấp đôi so với mức 2% vào năm 2022. Tình trạng này khiến các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút nguồn vốn mới, giúp đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh tín dụng mở rộng nhanh chóng.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của các ngân hàng thương mại đạt 5,1%, tăng 20 điểm cơ bản so với đầu năm 2024. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn duy trì mức lãi suất ổn định ở 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.

Sự chênh lệch này cho thấy các ngân hàng thương mại cổ phần đang chịu áp lực lớn hơn trong việc cạnh tranh thu hút vốn, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu gia tăng và thanh khoản hệ thống trở nên thách thức hơn.

Báo cáo của MBS nhấn mạnh, đồng USD mạnh lên cùng với các rủi ro liên quan đến cuộc điều tra thao túng tiền tệ của Mỹ sẽ hạn chế dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm 2025. NHNN có thể phải áp dụng chính sách thận trọng hơn nhằm duy trì ổn định tỷ giá, điều này đồng nghĩa với việc khó có thêm các đợt cắt giảm lãi suất chính sách trong năm tới.

Sự phục hồi của hoạt động sản xuất và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công dự kiến sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2025. Tuy nhiên, điều này cũng gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào. Trong bối cảnh đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tập trung ổn định lãi suất huy động và nỗ lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

Dựa trên các yếu tố vĩ mô và tình hình thị trường hiện tại, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động trong khoảng 5% - 5,2% trong năm 2025. Dự báo này phản ánh sự cân bằng giữa áp lực thanh khoản và nhu cầu duy trì sự ổn định trên thị trường tiền tệ.

Căng thẳng vẫn hiện hữu, nhưng triển vọng ổn định được duy trì

Theo MBS, tỷ giá VND/USD đã trải qua một năm 2024 đầy biến động với áp lực căng thẳng do sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD. Đến cuối tháng 12, tỷ giá liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất lịch sử tại 25.485 VND/USD, đánh dấu mức mất giá hơn 4,6% của đồng VND so với đồng USD từ đầu năm.

Nguồn: Bloomberg, MBS Research
Nguồn: Bloomberg, MBS Research

Tỷ giá thị trường tự do cũng chạm mốc 25.800 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đạt mức cao nhất kể từ khi cơ chế này được áp dụng vào năm 2016, tại 24.335 VND/USD, tăng lần lượt 4,3% và 2% so với đầu năm 2024. Để kiểm soát áp lực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã linh hoạt điều tiết thanh khoản và cung ứng lượng lớn ngoại tệ ra thị trường. Những biện pháp này đã góp phần hạn chế biến động mạnh, nhưng đồng thời cũng làm giảm dự trữ ngoại hối.

MBS kỳ vọng, trong quý 1/2025, tỷ giá sẽ duy trì dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD, phản ánh áp lực từ việc đồng USD gia tăng giá trị. Các chính sách nới lỏng tài khóa của chính quyền Mỹ, kết hợp với mức lãi suất cao và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, là những yếu tố hỗ trợ đồng USD trong thời gian tới.

Dù áp lực tỷ giá còn lớn, vẫn có nhiều yếu tố tích cực giúp ổn định đồng VND, bao gồm:

Thặng dư thương mại: Việt Nam đạt thặng dư ~24,77 tỷ USD trong năm 2024, tiếp tục là điểm tựa quan trọng.

Dòng vốn FDI: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Du lịch phục hồi mạnh mẽ: Ngành du lịch ghi nhận tăng trưởng 39,5% so với năm 2023, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngoại tệ.

Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 16/1/2025: Đồng Yên phục hồi khi lợi suất trái phiếu tăng cao

Ngày 16/1/2025, đồng Yên Nhật tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế nhờ vào lợi suất trái phiếu chính phủ đạt mức cao ...

Tỷ giá USD hôm nay 17/1/2025: Lung lay đà tăng

Sáng ngày 17/1, mức tỷ giá mua vào và bán ra trong nước được ghi nhận dao động từ 23.117 đồng/USD đến 25.554 đồng/USD, tùy ...

Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 17/1/2025: Đồng Yên lên cao nhất 1 tháng

Trên thị trường quốc tế, đồng Yên tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng qua nhờ kỳ vọng về chính sách lãi suất của ...

Anh Vũ

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục