Lãi suất huy động giảm mạnh, sao lãi suất cho vay mua nhà vẫn “thả nổi” quá cao?

(Banker.vn) Mặc dù lãi suất huy động của ngân hàng đã giảm mạnh nhiều tháng qua, nhưng trên thực tế, lãi suất khoản vay mua nhà vẫn đang ở mức cao, biên độ khá “dày”.
Dấu hiệu cho thấy lãi suất đã đến đáy, không hy vọng giảm thêm Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 9/11/2023: Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động

“Ngộp thở” với lãi suất thả nổi

Tháng 4/2022, chị Quỳnh Anh - quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội có vay ngân hàng khoảng 6 tỷ đồng để mua một căn liền kề tại khu đô thị lớn ven Hà Nội.

Đến tháng 4/2023, sau một năm hưởng lãi suất ưu đãi, chị Quỳnh Anh đang phải trả lãi khoảng gần 11%/năm tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Đáng chú ý, mức lãi suất 11% này còn đang trong thời gian “ưu đãi” một năm đầu. Hết thời gian này, mức lãi suất tiếp tục được “thả nổi” khoảng 12-13%.

Hiện với khoản vay gần 6 tỷ, chỉ tính riêng tiền lãi (chưa tính tiền gốc) mỗi tháng chị Quỳnh Anh phải trả ngân hàng gần 60 triệu đồng.

Sau khi “gồng” lãi từ tháng 4/2023 đến nay, chị Quỳnh Anh khá “đuối” nên có tìm hiểu một phương án khác đó là vay ngân hàng khác để trả toàn bộ số tiền 6 tỷ của ngân hàng chị đang giải ngân tại dự án bất động sản kia. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, lãi suất của ngân hàng mới cũng chỉ ưu đãi trong năm đầu còn năm sau vẫn thả nổi theo thị trường. Tại một ngân hàng khá lớn, họ báo cho chị Quỳnh Anh con số lãi suất năm đầu khoảng 8,5%/năm, các năm sau lãi suất thả nổi, cộng thêm biên độ 3 - 3,5%/năm.

Bất động sản ven sông là một điểm nhấn để các kiến trúc sư tài ba kiến tạo một tác phẩm bất động sản
Nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân vay mua nhà vẫn đang trong tình trạng "ngộp thở" vì lãi suất neo ở mức cao

Không chỉ vậy, nếu vay ngân hàng khác để trả nợ khoản vay này, chị Quỳnh Anh sẽ bị phạt lãi trả trước lên tới 1,5% tổng khoản vay. Như vậy, sau khi cân nhắc thì phương án chuyển nợ cũng không khả thi vì cộng cả lãi thả nổi của ngân hàng mới với khoản phạt lãi trả trước, gần như chi phí cũng như nhau, trong khi thủ tục vay ngân hàng mới cũng khá phức tạp.

Chính vì thế, sau khi cân nhắc, chị Quỳnh Anh vẫn phải tiếp tục duy trì khoản nợ 6 tỷ tại ngân hàng ban đầu và “đau đầu” về câu chuyện phải xoay đủ mọi cách để trả lãi hàng tháng.

Trong khi có một thực tế là ngân hàng hiện nay đang "thừa tiền", lãi suất huy động đã xuống dưới 6%/năm kỳ hạn 12 tháng. Chính vì thế nhiều người kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm theo. Thế nhưng thực tế lãi suất cho vay không giảm như kỳ vọng.

Hiện với mức lãi suất cho vay mua nhà dao động quanh mức từ 11-13%/năm được cho là quá cao.

Anh Hoàng Hải - cũng là một nhà đầu tư bất động sản đã vừa phải rao bán 2 căn liền kề với giá cắt lỗ 30% vì không chịu nổi lãi suất ngân hàng. Với số tiền vay ngân hàng hơn 10 tỷ đồng, mỗi tháng anh phải trả riêng tiền lãi đã hơn 100 triệu đồng. “Hết năm đầu, sang năm lãi suất thả nổi chắc không gồng nổi” - anh Hải chia sẻ. Tuy nhiên, hai căn liền kề anh Hải rao bán đã mấy tháng nay cũng không có giao dịch - có lẽ người mua vẫn chờ đợi một cái giá cắt lỗ còn sâu hơn thế!

Khó khăn chồng chất

Không chỉ người mua hay các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản cũng trong tình cảnh khó khăn chồng chất vì lãi suất vay. Theo ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Tập đoàn G6, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Để kích thích phục hồi, lãi suất cần giảm sâu hơn nữa.

Ông Quê cũng chia sẻ, khi tiếp cận các ngân hàng, nhóm ngân hàng Nhà nước lãi suất thấp hơn, nhưng cũng chỉ thấp hơn trong giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau vẫn thả nổi.

Đặc biệt, với các ngân hàng thương mại thì lãi suất cao luôn từ đầu. Lãi suất cho vay trung bình hiện nay đối với doanh nghiệp bất động sản xây dựng có uy tín, có quan hệ sẽ khoảng 11%/năm. Các cá nhân, tổ chức mà không có mối quan hệ thân thiết đang phải vay với lãi suất trên dưới 12%/năm.

Vị này cho rằng, muốn thị trường địa ốc hồi phục trở lại, lãi suất giai đoạn đầu thời kỳ vay cần giảm về khoảng 7,7 - 8,5%/năm và giai đoạn sau biên độ tầm 9-10,5%/năm.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho hay, lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Áp lực lãi suất khiến sức khỏe các doanh nghiệp ngày càng suy giảm.

Theo số liệu thống kê được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong tháng 10/2023, lãi suất huy động 12 tháng trung bình đạt 5,61%, giảm thêm 17 điểm cơ bản (bps) so với trung bình hồi tháng 9, giảm 111 bps so với cùng kỳ năm ngoái và giảm tới 282 bps so với cuối năm 2022. Mặt bằng lãi suất huy động hiện tại thậm chí đã thấp hơn mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn diễn ra rất chậm. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24/10, tăng trưởng tín dụng ghi nhận ở mức 6,81%, cách khá xa mức trung bình 10,24% vào cuối tháng 10 trong 7 năm gần nhất.

Có thể nói, để có mức lãi suất thấp như hiện nay, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm.

Trong tháng 11 này, dự kiến lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm trên toàn hệ thống.

Thực tế, lãi suất huy động đã giảm rất mạnh, tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà vẫn neo ở mức rất cao. Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư hay người dân có nhu cầu vay mua nhà thực sự đều lâm vào thế khó. Cảnh “ngộp thở” diễn ra thường xuyên. Thiết nghĩ, trong bối cảnh này, rất cần rút ngắn biên độ khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay thả nổi để người dân, doanh nghiệp “dễ thở” hơn.

Lê Minh

Theo: Báo Công Thương