Kỳ vọng cổ phiếu ngành thủy sản trở mình vào cuối năm 2023

(Banker.vn) Cổ phiếu của các doanh nghiệp thủy sản đang tương đối "kém sắc" trên thị trường chứng khoán, điều này phần nào được dự báo trước khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành này tương đối ảm đạm...

Kinh doanh kém sắc, cổ phiếu ảm đạm

Theo quan sát, kể từ mức đỉnh vào quý II/2022, cổ phiếu của các doanh nghiệp thủy sản đã giảm khoảng 40 – 60%. Chẳng hạn, cổ phiếu VHC (Vĩnh Hoàn) đã giảm 35%; cổ phiếu ANV (Thủy sản Nam Việt) giảm 43%; cổ phiếu IDI (Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I) giảm hơn 46%; cổ phiếu MPC (Thủy sản Minh Phú) giảm hơn 62%... Có thể thấy, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết dường như đang phản ánh phần nào triển vọng ảm đạm của ngành thủy sản năm 2023.

"Năm 2023 là một "nốt trầm" của ngành thủy sản Việt Nam trước những tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát toàn cầu và những khó khăn sản xuất chế biến trong nước, cộng thêm áp lực cạnh tranh quá lớn từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia...", bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam nhận xét.

Kỳ vọng cổ phiếu ngành thủy sản trở mình vào cuối năm 2023
"Năm 2023 là một "nốt trầm" của ngành thủy sản Việt Nam"

Thống kê cho thấy, những tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu cá tra đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và giảm ở nhiều thị trường, chủ yếu bởi những khó khăn như nhu cầu yếu, vận tải tắc nghẽn và chính sách Zero covid tại Trung Quốc chưa chấm dứt.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 5 tiếp tục giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 5 bắt đầu chậm lại so với mức giảm 52% của tháng 4. Lũy kế kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm 2023 đạt 730 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, tác động tiêu cực của thị trường đã thể hiện rõ trên các con số kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuỷ sản trong những tháng đầu năm 2023.

Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 5 của Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) cho thấy, doanh thu các thị trường đều giảm mạnh. Trong đó, sản phẩm chủ lực cá tra có doanh thu 592 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong tháng 5, Vĩnh Hoàn đạt tổng doanh thu 954 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, trong quý I/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.221,58 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 218,98 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Nếu xét riêng về doanh thu, mức giảm của "nữ hoàng cá tra" lớn hơn so với các đối thủ như Thuỷ Sản Nam Việt (doanh thu giảm 5% so với cùng kỳ), Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (giảm 6%), do thị trường Hoa Kỳ - thị trường chính của Vĩnh Hoàn là thị trường suy giảm mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 54% doanh thu xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn.

Kỳ vọng cổ phiếu ngành thủy sản trở mình vào cuối năm 2023

Theo đánh giá của SSI Research, lợi nhuận ròng của Vĩnh Hoàn đã chạm đáy trong quý IV/2022 do giá bán trung bình nằm ở mức thấp nhất. Hiện công ty kỳ vọng đơn hàng sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối quý III/2023 hoặc sang đầu năm 2024 khi lạm phát tại thị trường này giảm, mức tồn kho giảm và nhu cầu cho các dịp lễ hội cuối năm tăng lên.

Những "điểm sáng" đầu tiên

Dù vậy, ngành thủy sản đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu hồi phục tích cực thời gian gần đây. Theo đó, xuất khẩu thủy sản tháng 5 đạt trên 808 triệu USD, cao nhất từ đầu năm đến nay, cho thấy tín hiệu thị trường đang tốt dần lên, theo VASEP.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng đầu năm thấp hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nhìn riêng tháng 5, thị trường bắt đầu có vài điểm sáng khi giá trị xuất khẩu đạt trên 808 triệu USD, cao nhất từ đầu năm.

Theo đó, các mặt hàng chủ lực đang giảm dần mức độ sụt giảm so với cùng kỳ, xuất sang các thị trường chủ lực (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đạt doanh số cao nhất từ đầu năm đến nay. Một số loại cá biển ghi nhận tăng trưởng dương như cá cơm (53%), cá nục (14%), cá chỉ vàng (20%), phần nào làm bệ đỡ cho những mặt hàng chủ lực bị giảm mạnh 10-40% trong 5 tháng qua.

Theo VASEP, nguyên nhân lớn nhất khiến cho sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản từ đầu năm đến nay giảm là nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn lao dốc. Mặt khác, ở bên ngoài, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá mà Ecuador và Ấn Độ là điển hình; còn bên trong, sức chịu đựng của bà con ngư dân, doanh nghiệp đang suy yếu. Trong báo cáo trước đó, VASEP đánh giá, giai đoạn này còn khó khăn hơn cả thời "đỉnh dịch" với các doanh nghiệp trong ngành.

Do những biến động về cung – cầu xuất phát từ căn nguyên là chiến tranh và lạm phát, đến nay chưa có tín hiệu khả quan, nên VASEP đánh giá việc dự báo về thị trường cũng thiếu độ chắc chắn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận từ nay đến cuối năm, thị trường khó phục hồi, hoặc nếu có sẽ chuyển động với tốc độ chậm.

Hiện các doanh nghiệp trong ngành đang xác định thời gian này là lúc để rà soát chi phí sản xuất, giữ ổn định số lượng lao động, không mở rộng đầu tư. Doanh nghiệp cũng đang dành thời gian nghiên cứu các sản phẩm mới phù hợp với bối cảnh hậu Covid-19 và lạm phát cao.

Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ lo lắng về chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nhiều đơn vị trong ngành đuối sức. Do đó, vừa qua VASEP đã gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng đề xuất một số biện pháp hỗ trợ cho ngành.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt. Bên cạnh đó, cuối quý II là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Đây là những động lực cho giá cá tra tăng tại khu vực Bắc Mỹ.

Còn tại Trung Quốc, trong tháng 2, thị trường này có hiện tượng thiếu cung cá giống và cá tra nguyên liệu do các doanh nghiệp chế biến tại thị trường này bắt đầu tăng công suất 15 – 30% so với đầu năm. Nhu cầu mua cá tra nguyên liệu chỉ hạ nhiệt nhẹ trong tháng 3 khi cầu phao tại Móng Cái sửa chữa trong 5 ngày khiến hoạt động vận chuyển bị đình trệ. Đến thời điểm 10/3, cầu phao đã được hoàn thiện.

Thêm vào đó, nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung nên việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023. "Nhiều khả năng thị trường cá tra sẽ phục hồi trong thời gian tới", VCBS nhận định.

Nhận định chứng khoán ngày 28/6: Những phiên điều chỉnh tạo sức hấp dẫn cho NĐT

Sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư được thể hiện xuyên suốt phiên thông qua việc VN-Index liên tục giằng co và dao ...

Điểm nhấn thị trường 27/6: VN-Index "cạn" thanh khoản, cổ phiếu APEC nằm sàn 2 phiên

VN-Index diễn biến tương đối ảm đạm trong phiên hôm nay với sự sụt giảm đáng kể của thanh khoản. Đáng chú ý, cổ phiếu ...

Nhận định chứng khoán ngày 28/6/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 28/6/2023. Tạp ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán