Kỳ họp Hội đồng Thống đốc IIB là hoạt động định kỳ của cơ quan quản lý cấp cao nhất của Ngân hàng với thành phần tham dự là Thống đốc/Phó Thống đốc đại diện các nước thành viên tại Hội đồng Thống đốc IIB với mục tiêu rà soát tình hình và đánh giá kết quả hoạt động của ngân hàng giai đoạn trước đó và thảo luận, đưa ra định hướng hoạt động cho thời gian tiếp theo.
Tại kỳ họp lần thứ 4, Hội đồng Thống đốc IIB đánh giá cao việc trong 10 tháng đầu năm 2021, mặc dù tiếp tục chịu nhiều tác động nặng nề và kéo dài của đại dịch COVOD-19, IIB đã có những giải pháp hiệu quả để đối phó với hậu quả và tác động của dịch bệnh và đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận, trong đó đáng kể đến là việc đạt và hoàn thành vượt mức kế hoạch hầu hết các chỉ tiêu đã đặt ra, bao gồm: tổng tài sản đạt xấp xỉ 1,83 tỷ Euro (tăng 207 triệu Euro, tương đương 12,8%); vốn chủ sở hữu 473 triệu Euro (tăng 18 triệu Euro, tương đương 3,9%); lợi nhuận ròng 8,7 triệu Euro (tương đương 371% kế hoạch); NPL 2,2% (đạt theo kế hoạch đề ra là dưới 4%); chỉ số CAR ở mức 31,8% (so với mức quy định là 25%); và các chỉ số ROA và ROE tương ứng là 0,6% và 2,3%, đều trong giới hạn cho phép. Xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng được duy trì ở mức A- (S&P), A3 (Moody’s), A- (Fitch) và A (ACRA) với triển vọng Ổn định.
Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là việc Hội đồng xem xét và quyết định kết nạp Cộng hòa Serbia trở thành thành viên chính thức thứ 10 của IIB. Việc Cộng hòa Serbia mong muốn gia nhập IIB cho thấy quốc gia này đánh giá cao kết quả hoạt động và hiệu quả tổ chức, điều hành của IIB; chia sẻ các mục tiêu hoạt động của ngân hàng; và mong muốn tăng cường hợp tác với Ngân hàng cũng như các nước thành viên.
Việc kết nạp Cộng hòa Serbia là phù hợp với định hướng mở rộng quy mô thành viên được đặt ra trong Chiến lược hoạt động của IIB giai đoạn 2018 - 2022, qua đó giúp IIB có cơ hội tăng cường tiềm lực tài chính và mở rộng phạm vi hoạt động về địa lý, tiếp cận thị trường mới, qua đó góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa vị thế, vai trò và hình ảnh của IIB, đặc biệt là góp phần nâng cao uy tín và đánh giá/ xếp hạng tín nhiệm của IIB từ phía các nhà đầu tư, các đối tác, khách hàng, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của IIB, vì lợi ích của các nước thành viên.
Tại kỳ họp, Hội đồng IIB tiếp tục thảo luận một số nội dung về sử dụng và tăng cường nền tảng vốn của Ngân hàng, bao gồm tình hình thực hiện Chương trình tăng vốn của IIB giai đoạn 2018 - 2022.
Hội đồng cũng dành thời gian thảo luận và thông qua Báo cáo của Ban Thanh tra cho giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021, tập trung rà soát và đánh giá các nội dung quan trọng trong hoạt động của Ngân hàng, bao gồm các chỉ số tài chính, việc thực hiện các nội dung chiến lược, các hoạt động đầu tư và cho vay... trong kỳ báo cáo; đồng thời phê duyệt kế hoạch làm việc của Ban Thanh tra cho giai đoạn tiếp theo. Hội đồng cũng đã thông qua quyết định về thành phần Ban Thanh tra cho nhiệm kỳ mới (giai đoạn 2022 - 2026) và bầu Trưởng Ban Thanh tra.
Căn cứ các kết quả đáng ghi nhận của IIB, Hội đồng đã thông qua quyết định khen thưởng nhằm động viên và khích lệ đội ngũ cán bộ của ngân hàng đã nỗ lực góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chung của ngân hàng theo các mục tiêu đã đề ra trong năm 2021, qua đó góp phần động viên cán bộ cống hiến và gắn bó lâu dài với ngân hàng cũng như tăng tính cạnh tranh của Ngân hàng trên thị trường lao động nói chung.
Phát biểu tại kỳ họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bày tỏ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực mà IIB đã đạt được trong 10 tháng đầu năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, và đề nghị IIB tiếp tục thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo vừa đối phó với dịch bệnh, vừa đạt được các mục tiêu đã đề ra, qua đó góp phần hỗ trợ cho phát triển kinh tế của các nước thành viên theo tôn chỉ hoạt động của ngân hàng.
Về quan hệ hợp tác với Việt Nam, NHNN đánh giá cao sự phối hợp và hỗ trợ của IIB, đặc biệt là từ năm 2013 (là thời điểm IIB thực hiện cải cách toàn diện) đến nay. Tính riêng trong giai đoạn này, tổng số vốn IIB tài trợ cho Việt Nam đạt khoảng 150 triệu Euro (cao gấp 50 lần trị giá vốn thực góp của Việt Nam tại IIB kể từ năm 2014, và cao gấp 40 lần tổng vốn thực góp của Việt Nam tại IIB đến nay), tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các ngân hàng thương mại (BIDV, Vietinbank, VPBank, SHB, VPBank Finance, Home Credit Finance).
Theo dự kiến, nguồn vốn của IIB triển khai tại Việt Nam trong năm 2022 sẽ đạt khoảng hơn 70 triệu Euro. Đại diện NHNN ghi nhận nỗ lực của IIB và đề nghị Ngân hàng tập trung nguồn lực nhằm đạt được kế hoạch đã đề ra trong hoạt động hợp tác với Việt Nam năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.
T.H
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|