Kỳ 8: Cần bổ sung quy định về quản lý, vận hành hệ thống điện

(Banker.vn) Khắc phục những bất cập về quản lý, vận hành hệ thống điện là một trong những nội dung được đề cập tại dự thảo Luật Điện lực sửa đổi.
Bộ Công Thương họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) Những lý do cần sửa đổi Luật điện lực. Kỳ 6: Xây dựng cơ chế giá điện theo thị trường Kỳ 7: Thị trường điện cạnh tranh và các vấn đề liên quan đến hợp đồng

Bộ Công Thương cho biết, triển khai thực hiện Luật Điện lực về việc xây dựng thị trường điện tại Việt Nam, hiện nay việc lập lịch và huy động các nhà máy điện đang được thực hiện theo cơ chế thị trường. Theo quy định tại các Thông tư của Bộ Công Thương ban hành, công tác điều độ, vận hành hệ thống điện hiện nay được thực hiện tốt. Tuy nhiên, có một số quy định trong Luật Điện lực vẫn còn vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành hệ thống điện.

Cụ thể, về hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và đơn vị mua điện, hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ, hợp đồng mua bán buôn điện. Trong đó, về mua bán điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia và mua điện trực tiếp với nước ngoài không qua hệ thống điện quốc gia tại khu vực biên giới hiện trên cơ sở nguyên tắc thị trường với mục tiêu tối ưu chi phí mua điện cho toàn hệ thống điện. Các nhà máy điện tham gia thị trường (bao gồm trực tiếp, gián tiếp) sẽ được lập lịch huy động và vận hành dựa trên giá chào của các tổ máy, từ thấp đến cao, để đáp ứng phụ tải của hệ thống điện, đồng thời có xem xét các ràng buộc kỹ thuật trong hệ thống. Cơ chế điều độ, huy động các nhà máy điện nêu trên tạo ra sự minh bạch, công bằng trong việc huy động các nhà máy điện, tối ưu chi phí toàn hệ thống và phù hợp với các mục tiêu của việc vận hành thị trường điện tại Việt Nam. Nguyên tắc này đã được áp dụng xuyên suốt trong quá trình vận hành hệ thống điện nhằm đảm bảo tối ưu cho vận hành và chi phí của toàn hệ thống.

Luật Điện lực hiện hành thiếu quy định cơ sở pháp lý cho việc cập nhật, điều chỉnh các quy định kỹ thuật, vận hành hệ thống điện để đáp ứng thực tế như chưa phân cấp cụ thể cho Bộ Công Thương - là Bộ quản lý ngành thực hiện trách nhiệm quy định, hướng dẫn các vấn đề kỹ thuật, vận hành hệ thống điện. Do vậy, Dự thảo Luật này đề xuất bổ sung quy định phân cấp cho Bộ Công Thương trong việc ban hành các quy trình, quy định mang tính kỹ thuật như quy định về nguyên tắc vận hành, điều độ, thao tác, xử lý sự cố, khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia, các yêu cầu kỹ thuật, đấu nối và vận hành lưới điện truyền tải-phân phối.

Kỳ 8: Khắc phục những bất cập về quản lý, vận hành hệ thống điện
Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia

Về tiết kiệm điện, Luật Điện lực năm 2004 quy định 01 chương về “tiết kiệm trong phát điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện”, trong đó đã quy định về chính sách và biện pháp khuyến khích, thúc đẩy tiết kiệm điện, tuy nhiên, đến năm 2010 Quốc hội ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó, quy định về chính sách sử dụng năng lượng (bao gồm điện) tiết kiệm, hiệu quả. Do đó, trong quá trình triển khai hai luật trên khó tránh khỏi các vấn đề giao thoa giữa các quy định. Bên cạnh đó, một số nội dung về tiết kiệm điện có tính chất chuyên ngành chưa được cập nhật bổ sung vào Luật Điện lực, vì vậy, sẽ thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Theo thống kê thực tế, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong giai đoạn 2011 -2019 tăng cao đã đặt ra thách thức lớn đối với việc đảm bảo cung cấp điện và nâng cao chất lượng dịch vụ điện năng. Việc sử dụng năng lượng (đặc biệt là sử dụng điện) ở Việt Nam chưa được tiết kiệm và hiệu quả, gây lãng phí lớn đối với ngành điện nói riêng và nền kinh tế nói chung. Công suất phụ tải tăng cao theo cùng xu hướng tăng của nhu cầu điện làm tăng nhu cầu đầu tư cho lưới điện và công suất nguồn điện phủ đỉnh, làm giảm hiệu quả kinh tế của hệ thống điện nói chung. Việc sử dụng các nguồn điện đắt tiền (dầu, diesel) để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh sẽ làm tăng phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng tới việc thực hiện cam kết của quốc gia về giảm khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và thế giới.

Do đó, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, cần xây dựng chính sách phát triển thị trường tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng khi nghiên cứu xem xét bổ sung nội dung về tiết kiệm điện tại Luật Điện lực để xác định rõ phạm vi điều chỉnh về “tiết kiệm điện” tại Luật Điện lực và quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng ta về chính sách tiết kiệm điện tại Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Về quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, Quy định hiện hành về công tác quản lý nhu cầu điện mới chỉ được đề cập hết sức sơ sài tại Điều 16 Luật Điện lực về tiết kiệm điện. Dự thảo Luật này đề xuất bổ sung nội dung định hướng cơ bản của công tác quản lý nhu cầu điện, quy định trách nhiệm của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, xác định cơ chế tài chính để thực hiện các chương trình về quản lý nhu cầu như điện. Bên cạnh đó, bổ sung quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc xây dựng ban hành các quy định hướng dẫn và trình tự thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện.

Còn nữa...

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương