Kinh hoàng những vụ cháy do sự cố hệ thống điện, làm sao để xử trí, phòng tránh?

(Banker.vn) Mùa hè nhu cầu sử dụng điện tăng cao, người dân cần nắm các biện pháp phòng tránh và xử trí khi phát hiện cháy do sự cố hệ thống điện.
TP. Hồ Chí Minh: Cháy nhà ở Gò Vấp trong đêm, 3 người tử vong Hãng ô tô nào 'bán chạy' nhất thị trường Việt Nam nửa đầu năm 2024? Đồng Nai: Ngọn lửa bao trùm cửa hàng xe đạp ở Long Thành

Mùa hè là thời điểm nhu cầu sử dụng điện gia đình tăng cao, nhưng cũng là thời gian chập cháy thiết bị điện dễ xảy ra. Để đảm bảo an toàn, người dân cần nắm chắc các biện pháp phòng tránh và xử trí khẩn cấp khi phát hiện cháy do sự cố điện.

Cháy nhà khu vực đô thị phần lớn do sự cố điện

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), trong giai đoạn từ 2012 đến 2020, có hơn 27.500 vụ cháy xảy ra, trong đó khoảng 14.200 vụ có nguyên nhân từ sự cố hệ thống điện (chiếm 51,9%).

Kinh hoàng những vụ cháy do sự cố hệ thống điện, làm sao để xử trí, phòng tránh?
Vụ cháy làm 14 người tử vong xảy ra tại nhà trọ kết hợp kinh doanh sửa chữa xe máy, xe điện ở đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) hôm 24-5.

Chỉ tính riêng trong tháng 5/2024, toàn quốc ghi nhận 424 vụ cháy, tăng 52 vụ so với tháng 4/2024. Trong số này, khu vực thành thị chiếm 54,5% (231 vụ), còn nông thôn có 193 vụ (chiếm 45,5%).

Cháy xảy ra ở loại hình nhà dân chiếm 28,3% (120 vụ); cháy phương tiện giao thông chiếm 10,1% (43 vụ); cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm 5,9% (25 vụ); cháy rừng chiếm 12,5% (53 vụ); các loại hình khác số vụ cháy đều dưới 5%.

Trong số 240/424 vụ (chiếm 56,6%) đã điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện 170 vụ (chiếm tới 40,1%); do sơ xuất, bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 42 vụ (chiếm 9,9%); các nguyên nhân khác đều dưới 10%.

Tại Hà Nội, người dân vẫn chưa hết kinh hoàng với vụ cháy làm 14 người tử vong xảy ra tại nhà trọ kết hợp kinh doanh sửa chữa xe máy, xe điện ở đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) hôm 24-5.

Nguyên nhân được cơ quan điều tra xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực đầu xe máy điện, làm cháy lớp vỏ cách điện rồi cháy lan sang các xe máy xung quanh.

Mới đây nhất, một vụ cháy do sự cố điện vào ngày 16/6 tại số nhà 43 đường Hoàng Hoa Thám (phường Đa Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã khiến 3 người tử vong. Cơ quan công an xác định nguyên nhân là do đường dây điện chuyển nguồn cho điều hòa nhiệt độ tầng 2 bị quá tải, gây chập cháy phòng chứa đồ cạnh cầu thang tầng 1. Khi xảy ra cháy, những thành viên trong gia đình đều đang ngủ nên không phát hiện kịp thời. Khói và nhiệt từ tầng 1 bốc lên tầng 2 gây ngạt thở, khiến các nạn nhân tử vong.

Không dùng chăn, quần áo ướt dập lửa khi chưa ngắt nguồn điện

Những vụ cháy do chập điện có thể gây ra những thiệt hại nặng nề đối với người dân và tài sản nếu không được xử lý kịp thời. Để đảm bảo an toàn, mỗi gia đình cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối phó khi xảy ra sự cố này.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (PCCC&CNCH), trong trường hợp xảy ra đám cháy do chập điện trong nhà, người dân cần hành động nhanh chóng. Đầu tiên, ngắt cầu dao điện của khu vực bị cháy hoặc ngắt toàn bộ cầu dao tổng của nhà. Đồng thời, báo cho mọi người trong nhà biết và dần dần sơ tán ra ngoài để đảm bảo an toàn.

Kinh hoàng những vụ cháy do sự cố hệ thống điện, làm sao để xử trí, phòng tránh?
Những vụ cháy do chập điện có thể gây ra những thiệt hại nặng nề đối với người dân và tài sản nếu không được xử lý kịp thời.

Người dân nên sử dụng các biện pháp chữa cháy như bình chữa cháy khí hoặc bột để dập lửa một cách kịp thời. Nếu không có bình chữa cháy, có thể sử dụng chăn, quần áo đã nhúng nước để phủ lên diện tích bị cháy. Tuy nhiên, PCCC&CNCH cũng cảnh báo rằng không nên sử dụng chăn, quần áo ướt để dập lửa nếu chưa ngắt cầu dao để tránh nguy cơ điện giật.

Để có sự hỗ trợ kịp thời, người dân cần gọi cho lực lượng PCCC theo số điện thoại khẩn cấp 114.

Trong trường hợp nhà có nhiều tầng và đám cháy đã lan rộng, người dân không thể thoát ra ngoài, cần sớm sơ tán lên các tầng trên bằng lối thoát hiểm như ban công, sân thượng hoặc chờ sự hỗ trợ từ lực lượng cứu hộ.

Trong quá trình sơ tán, người dân cần đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân bằng cách sử dụng khăn ướt để bịt mũi và miệng tránh hít phải khói độc.

Để phòng ngừa sự cố cháy, người dân cần thường xuyên kiểm tra và bảo trì các thiết bị điện trong nhà, hạn chế sạc qua đêm và đảm bảo tắt các thiết bị khi không sử dụng. Ngoài ra, cần kiểm tra, thay thế automat, dây điện cũ bong tróc để đảm bảo an toàn cho gia đình. Khi sửa chữa hệ thống điện, nên nhờ người có chuyên môn để tránh tai nạn không đáng có.

Cuối cùng, người dân cũng nên lắp đặt chuông báo khói ở nhiều vị trí trong nhà để kịp thời nhận diện và xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Thế Duy

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục