Kinh Bắc rót hơn 5.500 tỷ đồng làm khu công nghiệp 380ha tại Hậu Giang

(Banker.vn) Đây được xem là một bước đi chiến lược của Kinh Bắc nhằm khai phá những “miền đất mới”, trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp của doanh nghiệp này gần như đã được lấp đẩy.
Kinh Bắc rót hơn 5.500 tỷ đồng làm khu công nghiệp 380ha tại Hậu Giang
HĐQT Kinh Bắc đã phê duyệt quyết định đầu tư dự án Khu công nghiệp Sông Hậu 2 tại tỉnh Hậu Giang

Mới đây, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) đã thông qua việc phê duyệt quyết định đầu tư và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sông Hậu 2.

Được biết, dự án này có quy mô khoảng 380 ha, nằm địa bàn thị trấn Mái Dầm và xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Dự án hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Thời gian hoạt động là 50 năm, kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất.

Theo quyết định của HĐQT Kinh Bắc, doanh nghiệp này sẽ rót gần 5.570 tỷ đồng vào dự án Khu công nghiệp Sông Hậu 2. Trong đó, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật là gần 3.442 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 2.128 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư được lấy từ vốn chủ sở hữu và vốn vay. Trong đó, vỗn chủ sở hữu là 835 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư dự án. Số tiền 4.734 tỷ đồng, tương đương 85% cơ cấu nguồn vốn được Kinh Bắc huy động từ vốn vay.

Về tiến độ thực hiện, Kinh Bắc dự kiến thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong vòng 3 tháng (từ tháng 10 đến tháng 12/2023). Các khâu đo đạc; khảo sát địa chất; kiểm đếm, lập và phê duyệt phương án đèn bù giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được triển khai trong khoảng 9 tháng kể từ ngày được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, từ tháng 1/2024 đến tháng 9/2024.

Doanh nghiệp cũng dự kiến sẽ mất khoảng 9 tháng (từ tháng 10/2024 đến tháng 6/2025) để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất; thiết kế cơ sở; lập thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; báo cáo nghiên cứu khả thi; các thoả thuận chuyên ngành và cấp phép xây dựng (nếu có).

Giai đoạn cuối cùng, dự án Khu công nghiệp Sông Hậu 2 sẽ được thi công xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình hạ tầng kỹ thuật từ tháng 7/2025-12/2026 (dự kiến 18 tháng kể từ ngày Nhà nước giao đất, cho thuê đất) và sẽ bắt đầu cho thuê lại đất/nhà xưởng dự kiến từ tháng 6/2026 trở đi.

Được biết, trước đó, vào ngày 31/10, UBND tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Sông Hậu 2. Trước đó nữa, hồi tháng 8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng đối với khu công nghiệp này.

Quỹ đất gần như đã được lấp đầy, Kinh Bắc muốn tìm "miền đất mới"

Đáng chú ý, kế hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp tại tỉnh Hậu Giang từng được Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương tiết lộ tại cuộc họp ĐHĐCĐ của Kinh Bắc hồi đầu năm nay. Thời điểm đó, Hậu Giang được bà Hương nhắc tới là một trong những “miền đất mới” mà Kinh Bắc nhắm đến.

Theo bà Hương, định hướng ban đầu của “ông trùm” bất động sản công nghiệp là thu hút những doanh nghiệp công nghệ truyền thống, không ô nhiễm môi trường, tạo công ăn việc làm và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trước Hậu Giang, Kinh Bắc đã từng hiện diện tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ khác là Long An với hai dự án Khu công nghiệp Tân Lập (huyện Cần Giuộc) và Khu công nghiệp Lộc Giang (huyện Đức Hòa). Cả hai dự án này đều được tỉnh Long An trao quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 22/11/2022. Trong đó, Khu công nghiệp Tân Lập có quy mô 654 ha và vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, còn Khu công nghiệp Lộc Giang có quy mô 466 ha, vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng.

Báo cáo thường niên 2022 của Kinh Bắc ghi nhận, sau khi “gom” thêm được quỹ đất mới ở Long An nói trên và ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này sở hữu hơn 6.387 ha đất công nghiệp, chiếm 5,2% quỹ đất khu công nghiệp của cả nước, tăng 22,5% so với năm 2021.

Tuy nhiên, quỹ đất của Kinh Bắc gần như đã được lấp đầy. Cụ thể, có 4 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.013 ha đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100% và một khu có diện tích 426 ha đã lấp đầy 95,89%. Trong bối cảnh đó, việc triển khai đầu tư thêm một khu công nghiệp nữa được xem là một nhiệm vụ cấp thiết.

Lợi nhuận quý III “teo tóp” vì chưa thể bàn giao đất khu công nghiệp

Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 247 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chưa thể tối ưu giá vốn hàng bán cũng như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, cộng thêm khoản lỗ hơn 2 tỷ đồng từ công ty liên kết, lợi nhuận sau thuế quý III của “ông trùm” bất động sản công nghiệp “bốc hơi” 99% so với cùng kỳ, chỉ đạt vỏn vẹn 18,5 tỷ đồng.

Giải trình về biến động lợi nhuận, Kinh Bắc cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do trong kỳ, doanh nghiệp chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng tại các khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Linh, Quang Châu và Tân Phú Trung, với tổng diện tích 50ha đã ký. Được biết, tổng giá trị hợp đồng đã ký lên tới 1.700 tỷ đồng và dự kiến có thể bàn giao trong quý IV này.

Kinh Bắc rót hơn 5.500 tỷ đồng làm khu công nghiệp 380ha tại Hậu Giang
Kết quả kinh doanh của Kinh Bắc thời gian gần đây

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt 4.798 tỷ đồng, tăng 3,7 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 2.087 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Với kết quả này, khả năng “gã khổng lồ” ngành bất động sản có thể hoàn thành được kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng năm 2023 là không cao khi doanh nghiệp mới thực hiện được 53% chỉ tiêu doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính tới ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Kinh Bắc ghi nhận ở mức 33.747 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho gần như đi ngang, ghi nhận ở mức 12.258 tỷ đồng, chiếm 36% cơ cấu tài sản của Kinh Bắc. Toàn bộ số này là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tập trung tại các dự án: Khu công nghiệp và đô thị Tràng Cát (hơn 8.098 tỷ đồng), Khu công nghiệp Tân Phú Trung (gần 1.139 tỷ đồng), Khu đô thị Phúc Ninh (hơn 1.113 tỷ đồng), Khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh (hơn 617 tỷ đồng),…

Ở phía bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của Kinh Bắc tính đến ngày 30/6/2023 là 13.684 tỷ đồng, giảm gần 20% so với số đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay là 3.868 tỷ đồng, chiếm 28% tổng nợ phải trả. Đáng chú ý, trong kỳ, vay ngắn hạn giảm mạnh tới 85%, từ mức 3.951 tỷ đồng xuống còn 570 tỷ đồng.

Kinh Bắc rót thêm vốn cho chủ đầu tư "siêu dự án" 11.000 tỷ đồng tại Hải Phòng

Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị Tràng Cát - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tràng Cát (Hải Phòng) sẽ được ...

Chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng, Kinh Bắc “bay hơi” hơn 1.900 tỷ lợi nhuận

Nếu như trong hai quý đầu năm, Kinh Bắc là một trong những cái tên “gánh team” của ngành địa ốc, thì bước sang quý ...

Doanh nghiệp bất động sản quý III: Lợi nhuận “héo hon”, loay hoay xử lý hàng tồn kho và nợ vay

Chi phí, hàng tồn kho, nợ vay là những yếu tố kìm hãm sự vực dậy của các doanh nghiệp bất động sản.

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán