Năm 2020, kiều hối đổ về các nước có thu nhập thấp và trung bình đạt 540 tỷ USD, giảm nhẹ 1,6% so với năm 2019. Sự sụt giảm trong dòng chuyển tiền được ghi nhận vào năm 2020 nhỏ hơn so với sự sụt giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 (4,8%). Kết quả này cũng thấp hơn nhiều so với sự sụt giảm của dòng vốn FDI vào các nước có thu nhập thấp và trung bình, không bao gồm dòng chảy vào Trung Quốc, đã giảm hơn 30% vào năm 2020. Do đó, dòng kiều hối đổ về các nước có thu nhập trung bình đã vượt qua tổng vốn FDI (259 tỷ USD) và hỗ trợ phát triển nước ngoài (179 tỷ USD) vào năm 2020.
Theo báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn cầu mới nhất được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, dòng kiều hối ở nước ngoài gửi về Việt Nam năm 2020 ở mức 17,2 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm 2019 và cao hơn so với mức dự báo trước đó là chỉ đạt 15,68 tỷ USD. Lượng kiều hối chuyển về nước tương đương 5% GDP năm 2020, giúp Việt Nam tiếp tục trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất về giá trị tuyệt đối và xếp thứ ba trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Dòng kiều hối tiếp tục chảy mạnh về nước trong những tháng đầu năm 2021 bất chấp dịch Covid-19. Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 tháng đầu năm lượng kiều hối chuyển về địa phương này đạt 1,45 tỷ USD - tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm 2020, TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận 6,1 tỷ USD kiều hối, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
WB nhận định, kiều hối sẽ phục hồi vào năm 2021 và dự báo lượng kiều hối chuyển vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng khoảng 5,6% lên mức 470 tỷ USD. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho biết triển vọng sẽ phụ thuộc vào tác động của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kiều hối năm 2021 sẽ bị tác động nhiều hơn là năm 2020. Năm vừa qua cho dù kinh tế thế giới chứng kiến sự sụt giảm mạnh; nhưng năm 2021, dư chấn và độ trễ từ tác động của dịch Covid-19 mới thật sự có tác động “ngấm” vào nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù hiện nhiều quốc gia trên thế giới triển khai tiêm vaccine cho người dân, nhưng vẫn còn một quãng thời gian dài để đạt tới một tỷ lệ dân số tương đối được tiếp cận vaccine để gia tăng miễn dịch cộng đồng.
Cho rằng nhận định của WB là có cơ sở, song TS. Hiếu lưu ý, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện tại sẽ rất khó để có thể ước lượng chính xác điều gì. Cũng có khả năng là lượng kiều hối sẽ cải thiện và không quá bết bát. Bởi Mỹ - quốc gia chuyển kiều hối về Việt Nam nhiều nhất - hiện tình hình dịch Covid-19 cũng đã có những tiến triển. Khi Covid-19 được kiểm soát sẽ khiến sản xuất kinh doanh phục hồi; từ đó đời sống, thu nhập của kiều bào cũng sẽ được cải thiện hơn. Ngược lại nếu đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cách ly xã hội được tái thiết lập thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ngưng trệ, gián đoạn, từ đó cũng ảnh hưởng tới đời sống và thu nhập của kiều bào, qua đó là dòng kiều hối chuyển về nước.
Kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng đối với nền kinh tế. Đặc biệt theo các chuyên gia, mấy năm gần đây lượng kiều hối chuyển về nước với mục đích hỗ trợ người thân không chiếm tỷ lệ cao, mà chủ yếu họ chuyển về nước để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Thậm chí nhiều chuyên gia còn lạc quan nhận định, kiều hối về Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục tăng. “Mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới và có những diễn biến phức tạp ở Việt Nam. Song tới thời điểm này, chúng ta vẫn đang kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh và đáng mừng là vẫn chưa phải dùng tới các biện pháp giãn cách xã hội. Hơn nữa, môi trường kinh doanh ngày càng được Chính phủ tạo điều kiện, nhiều thuận lợi hơn về pháp lý, chính sách cũng khiến gia tăng niềm tin của kiều bào khi gửi tiền về Việt Nam với mục đích đầu tư. Bởi thế nên tôi cho rằng không phải là không có kỳ vọng vào dòng kiều hối của năm nay”, một chuyên gia cho biết.
Thêm nữa, với việc ứng dụng công nghệ, việc chuyển tiền kiều hối online qua các ngân hàng hiện nay giúp khách hàng trên khắp thế giới có thể chuyển tiền trực tuyến về Việt Nam nhanh chóng, dễ dàng, an toàn. Sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, bảo mật tốt cũng có thể xem là một trong những yếu tố giúp thu hút lượng kiều hối nhiều hơn về Việt Nam thời gian tới.
Theo Thoibaonganhang.vn
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|