KIDO Foods bị cấm sử dụng nhãn hiệu Celano

(Banker.vn) Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra quyết định cấm KIDO Foods sử dụng nhãn hiệu Celano, bảo vệ quyền sở hữu của Tập đoàn KIDO. Trong bối cảnh tranh chấp, KIDO Group khẳng định vai trò chủ quản thương hiệu và lên kế hoạch tổ chức họp cổ đông bất thường để làm rõ các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Tòa án Nhân dân TP.HCM vừa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đơn yêu cầu của Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC), liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Quyết định này được đưa ra nhằm cấm hoặc buộc thực hiện các hành vi nhất định, trong đó có việc sử dụng nhãn hiệu Celano – một thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực kem – do KIDO sở hữu.

KIDO Foods bị cấm sử dụng nhãn hiệu Celano
Hiện tại, KIDO khẳng định đã sở hữu toàn bộ thương hiệu tại các công ty con và thành viên, đồng thời mong muốn giữ quyền kiểm soát nhãn hiệu Celano và Merino

Theo đó, Công ty CP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods) bị cấm sử dụng nhãn hiệu Celano được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ năm 2008 và chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2020, bao gồm cả hoạt động quảng cáo, quảng bá và giới thiệu sản phẩm.

Không chỉ KIDO Foods, Công ty CP Dat Viet Media – một đơn vị hợp tác truyền thông – cũng bị yêu cầu không thực hiện các hoạt động quảng bá nhãn hiệu Celano trên các nền tảng truyền thông lớn như chương trình "Anh Trai Say Hi", "2 Ngày 1 Đêm" và các trang mạng xã hội liên quan như Facebook và TikTok của Vie Chanel. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày 17/1 và được thực thi theo các quy định pháp luật về thi hành án dân sự.

Trước đó, Tập đoàn KIDO cũng đã thông báo sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 24/1 tới để xin ý kiến cổ đông về các vấn đề liên quan đến giao dịch bán cổ phần tại KIDO Foods. Tập đoàn này trước đó cũng đã giảm tỷ lệ sở hữu tại KIDO Foods xuống 49%, trong khi Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood đã mua lại 51% cổ phần, trở thành cổ đông chi phối. Tuy nhiên, ban lãnh đạo KIDO cho rằng đây là một giao dịch quan trọng và chưa được quy định rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp cũng như điều lệ công ty. Vì vậy, các nội dung liên quan đến việc khai thác và sử dụng nhãn hiệu Celano và Merino cần được đưa ra bàn thảo và biểu quyết.

KIDO Group nhấn mạnh rằng vấn đề chuyển nhượng từ công ty con sang công ty liên kết, đồng thời tiếp tục sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn, là một nội dung trọng yếu. Theo ban kiểm soát, giao dịch này cần sự đồng thuận từ cổ đông để đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của tập đoàn. Từ đầu năm 2022, KIDO đã thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm tập trung quyền sở hữu trí tuệ của tất cả thương hiệu, bao gồm Vocarimex, Dầu Tường An, KIDO Foods và KIDO Nhà Bè, về tập đoàn. Riêng KIDO Foods đã chuyển quyền sở hữu trí tuệ của 34 thương hiệu, trong đó có Celano và Merino. Giao dịch này được ký kết vào tháng 6/2022, được Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận vào tháng 8/2022 và điều chỉnh vào tháng 12/2023.

Hiện tại, KIDO khẳng định đã sở hữu toàn bộ thương hiệu tại các công ty con và thành viên, đồng thời mong muốn giữ quyền kiểm soát nhãn hiệu Celano và Merino. Tập đoàn cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc ủy quyền sử dụng nhãn hiệu này cho một bên thứ ba ngoài KIDO và các công ty con.

Trong khi đó, Nutifood – cổ đông mới của KIDO Foods – bày tỏ kỳ vọng lớn vào các thương hiệu Celano và Merino. Theo thông cáo của Nutifood, việc sở hữu hai thương hiệu kem hàng đầu Việt Nam này không chỉ giúp mở rộng hệ sinh thái sản phẩm mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm từ hai nhãn hiệu này hứa hẹn sẽ tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng trẻ và người trưởng thành – những phân khúc tiềm năng trong thị trường hiện nay.

Apple khẳng định không phát triển công cụ tìm kiếm, sẽ tiếp tục sử dụng Google lâu dài

Apple nhấn mạnh việc phát triển công cụ tìm kiếm không phù hợp với chiến lược dài hạn, do tiêu tốn nguồn lực lớn và ...

Chuyển biến mới nhất tại KIDO sau thương vụ hơn nghìn tỷ đồng với Nutifood

Thương vụ nghìn tỷ giữa KIDO và Nutifood không chỉ thay đổi cấu trúc sở hữu mà còn đặt ra vấn đề về quyền khai ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục