Khuôn khổ chính sách ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19: Góc nhìn từ thị trường lao động và một số khuyến nghị

(Banker.vn) Thời gian vừa qua, những gì thế giới đã và đang trải qua dưới tác động của đại dịch Covid-19 khác xa so với các cuộc khủng hoảng trước đó.
Tác động của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động
 
Thời gian vừa qua, những gì thế giới đã và đang trải qua dưới tác động của đại dịch Covid-19 khác xa so với các cuộc khủng hoảng trước đó. Ảnh hưởng từ các đợt đóng cửa nền kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội để giảm thiểu tác động của đại dịch đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. (Đồ thị 1)

Đối với các nước xuất khẩu, giá hàng hóa thế giới giảm làm yếu đi vị thế thương mại, việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu cũng giảm theo. Dòng vốn rút ra ồ ạt khiến đồng nội tệ mất giá, việc trả nợ gặp khó khăn, tất cả đều tạo áp lực lên cán cân vãng lai. Điều này càng hạn chế khả năng ứng phó với khủng hoảng của những quốc gia này. Những ảnh hưởng đối với doanh nghiệp, việc làm và thu nhập sẽ nghiêm trọng hơn trừ khi các nước có các biện pháp thích hợp. Với đặc trưng thị trường lao động biến động lớn, phần lớn lại là các doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực phi chính thức, do đó, người lao động tại các nước đang phát triển càng đối diện với nhiều khó khăn hơn khi dịch bệnh xảy ra.
  
Theo Báo cáo tháng 6/2020 của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14% trong quý II/2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần). Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7% (tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian) đưa ra trong Báo cáo tháng 5/2020. Cũng theo ILO, kể cả tính từ cuối năm 2019, sẽ còn rất lâu thị trường việc làm mới hồi phục.
 
Khuôn khổ chính sách với 4 trụ cột của ILO
 
Đứng trên khía cạnh về thị trường lao động, ILO đã đưa ra khuôn khổ chính sách ứng phó với cuộc khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19 với 04 trụ cột. (Bảng 1)


 
TRỤ CỘT 1: Chính sách kích thích nền kinh tế và tạo việc làm
 
Cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch Covid-19 tác động đến cả phía cung và cầu của thị trường lao động, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khó khăn và gia tăng tình trạng bất bình đẳng1. Việc giải quyết các hậu quả về kinh tế - xã hội từ cuộc khủng hoảng đòi hỏi các quốc gia phải có trình tự các chính sách hợp lý. 
 
Thứ nhất, cần triển khai ngay các gói kích thích kinh tế để tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực y tế, đồng thời giảm thiểu tác động đến nền kinh tế và thị trường lao động thông qua việc cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và hỗ trợ thu nhập cho người lao động để ngăn chặn sự sụt giảm trong tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, cần phân tích mức độ ảnh hưởng của đại dịch theo ngành kinh tế để có các phản ứng chính sách phù hợp2. Bài học quan trọng rút ra từ các cuộc khủng hoảng trước đó là hỗ trợ việc làm và bảo trợ xã hội phải là yếu tố cốt lõi của các gói kích cầu3.
 
Thứ hai, khi dịch bệnh đã được kiềm chế và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, cần phải có một chiến lược việc làm theo nhu cầu để khôi phục việc làm và thu nhập trong trung và dài hạn. Chiến lược này nên tập trung vào một số nội dung chính như: (i) tạo việc làm trong các ngành chiến lược; (ii) phục hồi môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy tăng trưởng năng suất; (iii) đa dạng hóa nền kinh tế và khuyến khích chuyển đổi cơ cấu; (iv) và tận dụng tốt nhất các tiến bộ công nghệ. 
 
Ngoài ra, để ngăn chặn suy thoái kinh tế và đẩy nhanh sự phục hồi, điều cần thiết là phải khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và người dân4. Ban đầu, các hộ gia đình và khu vực tư nhân có thể tiếp tục thận trọng thì Chính phủ sẽ đóng vai trò quyết định để phục hồi kinh tế bằng cách thúc đẩy đầu tư công thông qua các gói kích cầu về cơ sở hạ tầng, như đã được thực hiện sau các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ.
 
Chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ việc làm và bảo trợ xã hội
 
- Việc triển khai kịp thời và phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có thể ngăn ngừa tình trạng mất việc làm và thu nhập của người dân, các doanh nghiệp tránh được phá sản và tạo điều kiện để phục hồi nền kinh tế bền vững. Các công cụ của chính sách tiền tệ tiếp tục được sử dụng nhằm nới lỏng các điều kiện tài chính, giảm bớt áp lực về thanh khoản, từ đó tạo dư địa tài khóa cho Chính phủ để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
 
- Chính sách tài khóa thực hiện tăng chi tiêu, giảm khoản thu (thông qua miễn thuế), trợ cấp thất nghiệp. Một số quốc gia châu Âu đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp như cung cấp các khoản cho vay hoặc bảo lãnh để đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân.

 
- Việc xóa nợ và tạm ngừng thanh toán các khoản nợ là cần thiết để giúp các quốc gia đang phát triển có thêm nguồn tài chính để giải quyết khủng hoảng y tế và có các hình thức hỗ trợ khác cho người dân. 
 
- Làn sóng gói kích cầu đầu tiên đang thực hiện là chưa đủ. Các quốc gia cần có thêm các chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới sự phục hồi trong trung hạn. Sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ sẽ là cần thiết sau khi giai đoạn cấp bách đã qua. Tác động của cuộc khủng hoảng lên giá cả hàng hóa, dòng vốn và thương mại và chuỗi cung ứng sẽ khiến nhiều quốc gia phục hồi khó khăn hơn. Do đó, hỗ trợ tài chính quốc tế và sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ là hoàn toàn cần thiết để thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng y tế trước mắt đã lắng xuống, các quốc gia bắt buộc phải tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, mở rộng các can thiệp vào thị trường lao động để thu hút mọi người trở lại làm việc và duy trì các biện pháp bảo trợ xã hội, tăng chi tiêu. Tăng cường chi tiêu xã hội có mức độ ảnh hưởng cấp số nhân và lớn hơn rất nhiều so với các biện pháp hỗ trợ khác.
 
Hỗ trợ tài chính đối với các lĩnh vực cụ thể, bao gồm cả lĩnh vực y tế5
 
Các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi dịch bệnh cần có những chính sách hỗ trợ ngắn hạn. Đầu tư vào lĩnh vực y tế và chăm sóc xã hội với bất kể chi phí nào không hạn chế số ca tử vong mà còn cải thiện điều kiện việc làm và thu nhập của nhân viên y tế. Các Chính phủ cần bổ sung nguồn lực tài chính để tăng cường hệ thống y tế; cơ sở hạ tầng thiết yếu, dịch vụ giáo dục, dịch vụ tiện ích, xã hội khác tiếp tục phải được duy trì hoặc mở rộng. Các nước đang phát triển đối diện với hạn chế dư địa về tài khóa và vay nợ cần thận trọng trong việc tập trung chi tiêu vào lĩnh vực y tế trong khi vẫn phải đảm bảo chi tiêu cho mục đích bảo trợ xã hội và các dịch vụ công quan trọng khác (giao thông, năng lượng, nước, an ninh...). 
 
TRỤ CỘT 2: Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và thu nhập
 
Những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus đã làm gián đoạn dòng sản xuất, khiến nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu giảm mạnh, và buộc các doanh nghiệp trên thế giới phải tạm ngừng hoặc giảm quy mô hoạt động. Doanh nghiệp nhỏ và vừa và lao động kinh doanh tự do là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất 6. Trong bối cảnh đó, việc làm và thu nhập của hàng triệu người lao động đang gặp rủi ro, đặc biệt là lao động không có bảo trợ xã hội và những lao động hoạt động ở khu vực kinh tế phi chính thức. Do đó, việc thiết kế nhanh chóng các biện pháp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và thu nhập là rất cần thiết để ngăn chặn sự suy thoái kinh tế. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng một vai trò quan trọng hơn cả trong việc ứng phó tức thời với khủng hoảng và trong trung hạn thì đóng vai trò thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế sau dịch. Vì thế các biện pháp được các chính phủ áp dụng nên bao gồm: hỗ trợ ngay lập tức cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch và cho người lao động, hộ gia đình đang bị mất việc làm và thu nhập. Sự kết hợp chính xác của các chính sách sẽ khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh quốc gia, cấu trúc nền kinh tế, xu hướng bất bình đẳng hiện tại và các chính sách kinh tế và xã hội đang thực hiện7. Hầu hết các nền kinh tế tiên tiến và nhiều nền kinh tế đang phát triển đã áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì việc làm, tạo điều kiện cho các hộ gia đình chống lại mức giảm thu nhập tạm thời, đảm bảo mức độ bảo trợ xã hội đầy đủ và ổn định thị trường tín dụng và tài chính8.
 
Cung cấp hỗ trợ, bao gồm giảm thuế và tài chính cho các doanh nghiệp
 
Các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp chính thức phải được thực hiện cùng với các biện pháp giúp đỡ các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ trong khu vực phi chính thức (do ở nhiều quốc gia, các doanh nghiệp này sử dụng phần lớn dân số và là doanh nghiệp có năng lực hạn chế, do đó, cơ hội sống sót của họ rất kém, nên cần nhận được sự hỗ trợ phù hợp)9.
 
Cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp giúp doanh nghiệp trang trải chi phí cố định trong thời kỳ khủng hoảng, để doanh nghiệp nhận tiền mặt kịp thời thanh toán các hóa đơn, tiền lương của công nhân và trả các khoản vay. Các biện pháp khả thi bao gồm: khoản trợ cấp, ưu đãi thuế, cung cấp tín dụng... Đẩy nhanh và vận hành các kênh thanh toán không dùng tiền mặt và các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số khác. Chính phủ cần giúp đỡ các doanh nghiệp mới được thành lập dễ dàng hơn.
 
Thực hiện các biện pháp duy trì việc làm
 
Cần thực hiện các biện pháp duy trì việc làm đối với người lao động ngay cả khi doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động. Mục tiêu chính là giữ người lao động trong biên chế để các doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động trở lại ngay sau khi các hạn chế được nới lỏng hoặc dỡ bỏ. Các biện pháp đó có thể bao gồm như chia sẻ công việc và tuần làm việc ngắn hơn, trợ cấp tiền lương, tạm dừng đóng thuế và đóng góp an sinh xã hội. Trong một số trường hợp, người sử dụng lao động có thể nhận được trợ cấp để đảm bảo rằng nhân viên bị sa thải có thể trở lại làm việc cho họ một khi tình hình được cải thiện. Doanh nghiệp có nhiều dây chuyền sản xuất khác nhau hoặc có các công ty con có thể luân chuyển công nhân sang các dây chuyền có nhu cầu cao hơn - ví dụ như chuyển đổi một phần cơ cấu sản xuất hiện tại để sản xuất các sản phẩm y tế và các sản phẩm khác cần thiết trong bối cảnh đại dịch. Các biện pháp như vậy được đánh giá là phù hợp với các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và chúng đã được thực hiện rộng rãi ở các nước châu Âu, giúp duy trì mối quan hệ việc làm và tạo thuận lợi cho giai đoạn phục hồi.
 
Chia sẻ công việc là việc giảm thời gian làm việc để tránh sa thải công nhân. Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, một số vấn đề chính cần được giải quyết để đảm bảo tính toàn diện và công bằng khi đưa ra các thỏa thuận chia sẻ công việc (ví dụ, những người lao động cụ thể nào nên được bảo hiểm? Số giờ làm việc nên giảm ở mức độ nào và mức lương tương ứng bị giảm? Số giờ làm việc bị giảm nên được phân bổ như thế nào theo thời gian? Việc sắp xếp sẽ được thực hiện trong bao lâu?). Tất cả các biện pháp này cần được hướng dẫn thông qua đối thoại xã hội giữa các tổ chức của người sử dụng lao động và công đoàn để đảm bảo rằng việc thiết kế và thực hiện các biện pháp này dựa trên sự đồng thuận và phù hợp với nơi làm việc. Tại châu Âu, các biện pháp giảm giờ làm việc gần đây được áp dụng để đối phó với đại dịch đều được thương lượng giữa các tổ chức công đoàn, tổ chức của người sử dụng lao động và Chính phủ. 
 
Việc cắt giảm đáng kể cả giờ làm việc và tiền lương có thể gây ra khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là ở những người lao động có mức lương thấp. Ở Áo, một biện pháp được thông qua gần đây trong đó quy định những người lao động được trả lương thấp nhất nhận 90% mức lương bình thường của họ, người có thu nhập trung bình nhận 85% và những người có thu nhập cao hơn nhận 80%10.
 
Các biện pháp duy trì việc làm có thể được kết nối hiệu quả với việc cung cấp các cơ hội đào tạo mới cho người lao động. Ví dụ, các khóa học trực tuyến có thể được cung cấp để giúp phát triển các kỹ năng của người lao động để họ thích nghi hơn và có thể chuyển đổi nhanh chóng sang các công việc khác sau khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Các biện pháp để giữ chân người lao động phụ thuộc vào hệ thống bảo trợ xã hội của quốc gia đó, đặc biệt là sự sẵn có và phạm vi của bảo hiểm thất nghiệp. Một giải pháp thay thế cho các biện pháp duy trì việc làm cho các quốc gia này là cung cấp các cơ hội việc làm tạm thời, đặc biệt là thông qua các chương trình việc làm công. 
 
Mở rộng bảo trợ xã hội cho tất cả các đối tượng
 
Đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện các biện pháp bảo trợ xã hội trong khuôn khổ ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, đặc biệt là trong các lĩnh vực bảo vệ sức khỏe, bảo vệ thất nghiệp, trợ cấp ốm đau và trợ cấp xã hội. Điều này góp phần đảm bảo sự tiếp cận toàn diện và hiệu quả với hoạt động chăm sóc sức khỏe, đảm bảo thu nhập, qua đó hỗ trợ việc làm, sinh kế cho người dân đặc biệt là những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương. Để đối phó với cuộc khủng hoảng, một số quốc gia đã áp dụng các khoản trợ cấp ốm đau đột xuất được tài trợ bằng cách đánh thuế chung để chi trả cho những người lao động không được hưởng trợ cấp ốm đau, trong khi những quốc gia khác đang triển khai chuyển tiền mặt tới một số nhóm lao động phi chính thức. 
 
TRỤ CỘT 3: Bảo vệ người lao động tại nơi làm việc 
 
Trong bối cảnh phải sống chung với dịch bệnh thì việc đảm bảo công việc có thể được thực hiện một cách an toàn là ưu tiên chung. Thực hiện các biện pháp an toàn và sức khỏe đầy đủ là chìa khóa để giúp người lao động đối phó trong những thời điểm thử thách này. Trong bối cảnh không có mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ thu nhập đầy đủ, nhiều lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc bất chấp những hạn chế về di chuyển và giao tiếp xã hội. Tăng cường an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, điều chỉnh sắp xếp công việc, ngăn ngừa phân biệt đối xử và loại trừ, cung cấp khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nghỉ phép có lương (cũng như các dịch vụ thực phẩm và xã hội cho những người dễ bị tổn thương nhất) đều là những yếu tố không thể thiếu trong phản ứng phối hợp giữa y tế và xã hội đối với cuộc khủng hoảng.
 
Điều chỉnh sắp xếp công việc (ví dụ: thúc đẩy công việc từ xa, giờ làm việc và thay đổi thời gian nghỉ giải lao), tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh lao động và thích nghi với sự sắp xếp công việc (ví dụ như làm việc từ xa) giúp kiểm soát sự lây lan của virus, có tác động tích cực đến tính liên tục của doanh nghiệp. Cung cấp quyền tiếp cận sức khỏe cho tất cả mọi người: Gần 40% dân số thế giới thiếu bảo hiểm y tế hiệu quả. Họ phải dùng đến các khoản chi trả từ tiền tiết kiệm để tiếp cận các dịch vụ y tế hoặc thậm chí từ bỏ hoàn toàn việc chăm sóc sức khỏe. Việc để người bệnh không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho họ và gia đình họ mà còn góp phần làm lây lan virus trên diện rộng hơn. Trước mắt, trong ngắn hạn, bảo hiểm y tế cần được mở rộng cho tất cả người lao động và gia đình của họ, bất kể tình trạng việc làm hiện nay. Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp thu hẹp khoảng cách trong bảo vệ sức khỏe xã hội bằng nhiều hình thức, ví dụ, bổ sung thêm nguồn lực tài khóa vào hệ thống y tế hoặc cải thiện sự phối hợp của hệ thống, với vai trò trung tâm được dành để cung cấp công cộng. Tuy nhiên, những nỗ lực này cần được duy trì, mở rộng và gắn chặt trong khuôn khổ pháp lý và tài chính. 
 
Mở rộng quyền tiếp cận với chế độ nghỉ ốm và nghỉ phép có lương: Gần 50% lực lượng lao động toàn cầu không có quyền lợi hợp pháp để hưởng trợ cấp ốm đau. Những người lao động này phải lựa chọn giữa ở nhà khi họ bị ốm để bảo vệ sức khỏe của chính họ (và sức khỏe cộng đồng) và tiếp tục làm việc để duy trì công việc và thu nhập của họ, do đó đặt sức khỏe của họ và những người khác vào tình thế nguy hiểm. Vì thế, các biện pháp tức thời để mở rộng khả năng tiếp cận trợ cấp ốm đau là cần thiết. Để đối phó với đại dịch Covid-19, một số quốc gia đã mở rộng/điều chỉnh phạm vi bảo hiểm. 
 
TRỤ CỘT 4: Giải pháp đối thoại xã hội
 
Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp môi trường cần thiết cho đối thoại xã hội bằng cách thiết lập các khuôn khổ pháp lý và thể chế dựa trên các tiêu chuẩn lao động quốc tế; cung cấp các dịch vụ cho phép tất cả các bên tham gia vào đối thoại xã hội hiệu quả; và thúc đẩy và hiện thực hóa “các quyền cho phép”. Đối thoại xã hội hai bên và ba bên có thể giúp đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp và mạnh mẽ cho những thách thức trước mắt do khủng hoảng mang lại. Đối thoại xã hội phải mang tính bao trùm để đảm bảo rằng các chính sách kinh tế xã hội giải quyết được nhu cầu của những người lao động dễ bị tổn thương nhất, phù hợp với Mục tiêu Phát triển Bền vững (“Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững, tạo việc làm và công việc tốt cho tất cả mọi người”) và với cam kết của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc “không bỏ lại ai phía sau”. Như đã đề cập, lợi ích của người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức và của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần được đại diện đầy đủ và được tính đến. Ở một số quốc gia, các chính phủ đã tham vấn, hoặc thậm chí tham gia, đại diện của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động khi thiết kế các chính sách và chương trình theo đuổi các mục tiêu như: tăng cường hệ thống y tế; định nghĩa về “các ngành thiết yếu” của nền kinh tế; việc mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội; cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để giúp họ duy trì việc làm và đáp ứng các nghĩa vụ tài chính khác nhau; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; và hỗ trợ thu nhập cho những người không còn khả năng lao động.
 
Hơn nữa, việc thực hiện đối thoại xã hội hai bên và ba bên có thể giúp hoạch định các chính sách và chiến lược dài hạn hơn cho giai đoạn sau khủng hoảng nhằm thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự gắn kết, khả năng phục hồi và ổn định của xã hội. Đối thoại xã hội về điều kiện lao động và các biện pháp duy trì việc làm - đặc biệt là thông qua thương lượng tập thể - cần được thúc đẩy và tăng cường để đảm bảo bảo vệ người lao động và hỗ trợ hoạt động kinh doanh liên tục.
 
Khuyến nghị đối với Việt Nam
 
Để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ, các bộ, ban ngành đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp để kích thích nền kinh tế với trọng tâm là phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đối chiếu với 04 trụ cột của ILO, thì về cơ bản, Việt Nam đã và đang thực hiện trụ cột thứ 1 (kích thích nền kinh tế và tạo việc làm thông qua chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa)11và một số tiêu chí tại trụ cột 2 (thực hiện biện pháp duy trì việc làm, cung cấp tài chính hoặc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp). Do tác động của đại dịch, theo khuyến nghị của ILO về khuôn khổ chính sách đối phó với khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra - góc nhìn từ thị trường lao động, bài viết đưa ra một số khuyến nghị chính sách sau:
 
Một là, tập trung vào các chính sách để tăng khả năng tìm kiếm việc làm mới trong giai đoạn dịch bệnh và cả sau dịch cho những đối tượng bị mất việc hoặc tạm thời thất nghiệp do tác động của dịch bệnh. Đặc điểm của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển là nguồn lực hạn hẹp (năng lực y tế yếu kém, nguồn cung y tế và dược phẩm không đảm bảo, thiếu hụt nguồn lực tài chính) và dân số đông với trình độ lao động thấp chiếm tỷ trọng cao. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Dưới tác động của dịch bệnh, với trình độ tay nghề lao động thấp, tỷ lệ thất nghiệp tạm thời tăng cao nên khả năng tìm kiếm việc làm mới cho những đối tượng này cũng rất khó khăn kể cả sau khi dịch bệnh kết thúc, trong khi khả năng hỗ trợ từ Chính phủ hạn hẹp. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu và đưa ra chính sách phù hợp để hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng cho nhóm đối tượng này.
 
Hai là, các doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp để bảo vệ người lao động tại nơi làm việc (thu nhập, sức khỏe, môi trường làm việc) nhằm duy trì việc làm giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Việc hỗ trợ thêm, đặc biệt là cho người có thu nhập thấp, là cần thiết nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với người lao động, người sử dụng lao động, gia đình và con cái họ, cải thiện môi trường làm việc, tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh lao động là những việc làm cần được ưu tiên triển khai.
 
Ba là, tăng cường giải pháp đối thoại xã hội giữa Chính phủ - người sử dụng lao động - người lao động đảm bảo mọi người lao động đều được tiếp cận với những biện pháp hỗ trợ tại nơi làm việc, không phân biệt đối xử, từ đó tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận của các bên.
 
Bốn là, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích,bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân và duy trì công ăn việc làm.

___________
 
1 ILO: ILO Monitor: Covid-19 and the world of work, First edition (18 Mar. 2020), Second edition (7 Apr. 2020), Third edition (29 Apr. 2020).
2 ILO: Covid-19 and the world of work: Sectoral impact, responses and recommendations, web page [accessed 10 May 2020].
3ILO: Social protection responses to the Covid-19 crisis: Country responses and policy considerations, ILO brief, 23 Apr. 2020.
4 LO: ILO Monitor: Covid-19 and the world of work, Third edition, 29 Apr. 2020.
5 Detailed policy recommendations for both essential sectors and some of the most hard-hit sectors are provided in: Covid-19 and the world of work: Sectoral impact, responses and recommendations, ILO web page [accessed 10 May 2020].
6 The briefing notes in the series ILO Monitor: Covid-19 and the world of work provide regularly updated estimates of the impact of the crisis on workers and enterprises.
7 ILO: Interventions to support enterprises during the Covid-19 pandemic and recovery, ILO brief, 16 Apr. 2020.
8ILO: Covid-19 and the world of work: Country policy responses, web page [accessed 10 May 2020]
9For more information, see ILO: Covid-19 enterprises resources, web page [accessed 10 May 2020].
10 ILO: Covid-19 and the world of work: Country policy responses – Austria, web page [accessed 10 May 2020].
11(1) Về gói hỗ trợ tài khóa, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020), giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu; thực hiện hỗ trợ thu nhập cho cá nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (Nghị quyết 42/NQ-CP)... (2) Về chính sách tiền tệ, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; Chỉ thị 
02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; thực hiện giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng, với số tiền thực hiện tính đến nay là khoảng 1.000 tỷ đồng; 03 lần giảm mạnh lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19; ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN hướng dẫn việc cho vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, để cho vay người sử dụng lao động để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động...
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Các trang thông tin điện tử (website): www.imf.org; www.worldbank.org; https://www.ilo.org.
2. A policy framework for tackling the economic and social impact of the Covid-19 crisis - ILO - May 2020 
3. ILO: Covid-19 and the world of work: Country policy responses – Austria, web page [accessed 10 May 2020]. ILO Monitor: Covid-19 and the world of work, First edition (18 Mar. 2020), Second edition (7 Apr. 2020), Third edition (29 Apr. 2020).
4. ILO: Covid-19 and the world of work: Sectoral impact, responses and recommendations, web page [accessed 10 May 2020].
5. ILO: Social protection responses to the Covid-19 crisis: Country responses and policy considerations, ILO brief, 23 Apr. 2020.
6. ILO: ILO Monitor: Covid-19 and the world of work, Third edition, 29 Apr. 2020.
7. Detailed policy recommendations for both essential sectors and some of the most hard-hit sectors are provided in: 
Covid-19 and the world of work: Sectoral impact, responses and recommendations, ILO web page [accessed 10 May 2020.
8. The briefing notes in the series ILO Monitor: Covid-19 and the world of work provide regularly updated estimates of the impact of the crisis on workers and enterprises.
9. ILO: Interventions to support enterprises during the Covid-19 pandemic and recovery, ILO brief, 16 Apr. 2020.
10. ILO: Covid-19 and the world of work: Country policy responses, web page [accessed 10 May 2020].

Ths. Nguyễn Thị Thúy Linh

Theo TCNH số 20/2020
Theo Tạp chí Ngân hàng (Link gốc)
Theo: