Khu vực kinh tế chưa được quan sát: Góc nhìn từ nguyên nhân và hậu quả

(Banker.vn) Bài viết tổng hợp các quan điểm hiện nay về khu vực kinh tế chưa được quan sát, cũng như 5 bộ phận của khu vực kinh tế này. Đồng thời, xác định rõ các nguyên nhân và hậu quả khi khu vực kinh tế chưa được quan sát không được kiểm soát tốt. Từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm kiểm soát quy mô hoạt động của khu vực này.

Tóm tắt:

Bài viết tổng hợp các quan điểm hiện nay về khu vực kinh tế chưa được quan sát, cũng như 5 bộ phận của khu vực kinh tế này. Đồng thời, xác định rõ các nguyên nhân và hậu quả khi khu vực kinh tế chưa được quan sát không được kiểm soát tốt. Từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm kiểm soát quy mô hoạt động của khu vực này.

Từ khóa: khu vực kinh tế chưa được quan sát, kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức

Non- observed economy: a perspective from cause and effect

Abstract: The paper summarizes current attitudes on non-observed economy, as well as its 5 components. At the same time, the article also identifies causes and consequences when this area of the economy is not well controlled.  Then the article gives a number of solutions to control the scale of this area’s operation. 

Keywords: Non-observed economy, underground economy, informal economy

1. Đặt vấn đề

Khu vực kinh tế chưa được quan sát được cho là sẽ đóng vai trò không chỉ là một động lực giúp duy trì các hoạt động vĩ mô mà còn góp phần cải thiện tình trạng thất nghiệp, xoá đói giảm nghèo. Nó tồn tại như một tất yếu khách quan, luôn chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi quốc gia.

Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khu vực kinh tế chưa được quan sát đóng góp trung bình từ 1% cho đến 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia trên thế giới (OECD, 2002). Báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2016 cho thấy hơn 61% số dân có việc làm của thế giới, tương đương 2 tỷ người làm việc tại khu vực kinh tế chưa được quan sát, trong đó chủ yếu là người dân tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (GSO, 2016). Ở Đông Nam Á, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người lao động làm trong khu vực kinh tế chưa được quan sát cao. Theo Medina and Schneider (2019), quy mô “nền kinh tế bóng tối” của Việt Nam giai đoạn 1991 - 2017 thay đổi theo từng thời điểm, bình quân tương đương 17,8% GDP chính thức (thấp nhất 12,5% vào năm 2017, cao nhất lên đến 21,3% GDP trong năm 1991) và có xu hướng giảm dần từ năm 2007.

Thuật ngữ Khu vực kinh tế chưa được quan sát (Non-Observed Economy - NOE) được thảo luận nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt từ khi Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam được triển khai năm 2019 thì các vấn đề xoay quanh khu vực này lại càng được đề cập đến nhiều hơn. Trên thực tế, đã có khá nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế liên quan đến khu vực kinh tế chưa được quan sát và hầu hết các thuật ngữ được sử dụng là “kinh tế ngầm” hoặc “kinh tế phi chính thức”, và định nghĩa về khu vực này hiện cũng không hoàn toàn giống nhau ở một số quốc gia có đặc điểm về nền kinh tế khác biệt. Lý giải cho sự tồn tại của kinh tế chưa được quan sát, các nhà kinh tế đã đưa ra nhiều nguyên nhân như thể chế, gánh nặng thuế và an sinh xã hội, sự phát triển của nền kinh tế chính thức… trong đó, chất lượng thể chế ở các nước đang phát triển còn nhiều khiếm khuyết và hạn chế, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khu vực kinh tế chưa được quan sát ở các nước đang phát triển. Vậy khi khu vực kinh tế này phát triển, nó có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của khu vực kinh tế chính thức? Theo Alm and Embaye (2013), sự gia tăng quy mô của khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ bóp méo việc phân bổ nguồn lực, làm thay đổi phân phối thu nhập và giảm nguồn thu thuế cho Chính phủ. Vì vậy, cần nhận diện đúng những nguyên nhân hình thành khu vực này và những hậu quả đi kèm, từ đó có các biện pháp phù hợp nhằm kiểm soát và làm giảm quy mô của khu vực này.

2. Các khái niệm về khu vực kinh tế chưa được quan sát và phân biệt với khu vực kinh tế phi chính thức

Khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE) tồn tại như một tất yếu khách quan, luôn luôn chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, của chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào mỗi nước. Khu vực này đã trở thành bộ phận cấu thành của nền kinh tế của các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến NOE, tuy nhiên vẫn chưa có một định nghĩa chung sử dụng thống nhất cho khu vực này.

2.1. Một số khái niệm về khu vực kinh tế chưa được quan sát trên thế giới

Thuật ngữ “khu vực kinh tế chưa được quan sát” có nguồn gốc từ mô hình mô tả các tài khoản xã hội có trong phiên bản thứ tư của Hệ thống Tài khoản Quốc gia năm 1993 (SNA 1993) và SNA 2008. Hoạt động kinh tế khu vực chưa được quan sát tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm của mỗi quốc gia, đặc biệt là thể chế mà tên gọi và cách phân loại của hoạt động này cũng không giống nhau giữa các quốc gia trên thế giới. Nhiều thuật ngữ đã được sử dụng để mô tả NOE như sau: kinh tế phi chính thức (informal economy), kinh tế ngầm (shadow economy), kinh tế bị che giấu (concealed economy) … Hiện nay, mặc dù nhiều nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý đã đưa ra một số định nghĩa, tuy nhiên chưa có định nghĩa nào được thống nhất áp dụng. Một số khái niệm tiêu biểu về NOE được đề cập như sau:

- Schneider and Enste (2000) đã thảo luận rất nhiều những định nghĩa về NOE từ các nghiên cứu trước, theo đó, định nghĩa phổ biến được sử dụng là “khu vực mà tất cả những hoạt động kinh tế của nó có đóng góp vào tổng sản phẩm quốc dân nhưng chưa được đăng ký”. Sản xuất hàng hóa dịch vụ của khu vực đó dù hợp pháp hay không hợp pháp đều chưa được phát hiện trong các ước tính chính thức về GDP. Tuy nhiên, các định nghĩa này cũng không thể trả lời hết mọi câu hỏi liên quan đến khu vực kinh tế ngầm. Hơn thế nữa, định nghĩa còn có thể thay đổi tùy theo phương thức chúng ta đo lường khu vực này.

- Trong nghiên cứu về NOE thuộc các nền kinh tế chuyển đổi của Eilat & Zinnes (2002), nó được gọi là những hoạt động giá trị gia tăng mà các số liệu thống kê chính thức không đăng ký.

- Theo Hệ thống tài khoản quốc gia - SNA 2008, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thu thập được thông tin trong các nguồn dữ liệu cơ bản để biên soạn tài khoản quốc gia (EC-IMF-OECD-UN-WB, 2009).

- Theo OECD (2002), khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm các hoạt động sản xuất ngầm (hợp pháp nhưng cố tình che giấu để né thuế hoặc bất hợp pháp), phi chính thức (thực thể hợp pháp, nhưng quy mô nhỏ, không đăng ký kinh doanh) hoặc tự cung tự cấp tại hộ gia đình.

- Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đưa ra và khuyến khích sử dụng, theo đó “Kinh tế không được quan sát bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế bị pháp luật của quốc gia đó coi là phi pháp, các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng không được báo cáo, hoặc được che dấu khỏi sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm (i) trốn tránh các nghĩa vụ thuế; (ii) trốn tránh các khoản đóng góp an sinh xã hội, tránh các quy định của pháp luật lao động như lương tối thiểu, giờ làm tối đa, tiêu chuẩn an toàn lao động…(iii) tránh các rắc rối liên quan đến thủ tục hành chính”.

Một điểm chung nổi bật mà các tổ chức, các nhà nghiên cứu khi tiếp cận để đưa ra khái niệm của khu vực chưa được quan sát bắt đầu từ việc xem xét và phân tích những đặc trưng của khu vực này. Các tiêu chí thường được xem xét là tính hợp pháp, đăng ký, thuế và các khoản nộp, số liệu thống kê và các tiêu chuẩn do nhà nước quy định

Như vậy, dù được gọi bằng những cách khác nhau nhưng tất cả thuật ngữ trên đều thể hiện một điểm chung của NOE là phản ánh các hoạt động kinh tế ở một khu vực chưa được thống kê so với khu vực kinh tế chính thức đã được thống kê trên Hệ thống tài khoản quốc gia. Nó bao gồm các đơn vị kinh tế có quy mô nhỏ, sản xuất, phân phối hàng hoá và dịch vụ do người lao động tự do, người lao động trong gia đình và một số ít người lao động đảm nhận. Đặc điểm của khu vực này là dễ xâm nhập, yêu cầu về vốn thấp, sử dụng công nghệ và kỹ năng đơn giản, năng suất lao động thấp. Cụ thể, kinh tế chưa được quan sát gồm 3 thành tố sau: (i) nền kinh tế phi chính thức (thoát khỏi một phần hoặc hoàn toàn quy định của Nhà nước, đặc biệt ở các nước đang phát triển); (ii) kinh tế ngầm (tránh các quy định của nhà nước nhằm cố ý khai thấp doanh số) và (iii) kinh tế bất hợp pháp (buôn bán các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp như ma tuý, mại dâm…) (OECD, 2002).

2.2. Khái niệm khu vực kinh tế chưa được quan sát tại Việt Nam

Khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE) bắt đầu được quan tâm ở Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây. Tuy nhiên trong một số nghiên cứu vẫn chưa phân biệt rõ ràng khu vực kinh tế phi chính thức và khu vực kinh tế chưa được quan sát, đôi khi có sự đồng nhất giữa hai khái niệm này (Dũng, 2004), (Khoa, 2006), (An, 2017), (Luyện, 2018), (Nghiệp, 2019), (Thái, 2019), (Hương, 2019), (Lâm, 2019), (Phụng, 2019).

Những năm gần đây, vấn đề thống kê, quản lý khu vực kinh tế chưa được quan sát bắt đầu được Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế quan tâm nhiều hơn. Điều này được thể hiện trong các báo cáo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) như Báo cáo “Kinh tế phi chính thức tại các nước đang phát triển và “Báo cáo lao động phi chính thức năm 2016” (ILO & GSO, 2016). Các báo cáo này chủ yếu tập trung vào hai chủ đề chính: (i) sự phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân nói chung ở Việt Nam; (ii) sự năng động của khu vực chưa được quan sát. Điểm chung của các báo cáo này là dựa vào khảo sát một bộ phận doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định tại một số tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, khái niệm kinh tế phi chính thức và khu vực kinh tế chưa được quan sát vẫn chưa được làm rõ về quy mô, đặc điểm và các thành phần chính.

Từ khi Đề án thống kê khu vực NOE tại Việt Nam được triển khai năm 2019, NOE tại Việt Nam được hiểu thống nhất và phân chia thành 5 nhóm với các hoạt động kinh tế theo đúng bản chất kinh tế của từng nhóm, phù hợp với phương pháp luận của Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 đang được nhiều nước vận dụng bao gồm: (i) hoạt động kinh tế ngầm (underground economy); (ii) hoạt động kinh tế bất hợp pháp (illegal economy); (iii) hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát (informal non-observed economy); (iv) hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình (household self-production and self-consumption economy); (v) hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu.

Tóm lại, dù khái niệm về NOE có thể được hiểu chưa đồng nhất ở một số khu vực với các nền kinh tế phát triển khác nhau, nhưng các khái niệm đều phản ánh bản chất hoạt động kinh tế của một khu vực trái ngược với khu vực chính thống. Quy mô của NOE ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào quy mô, trình độ, mức độ minh bạch của mỗi nền kinh tế, cũng như trình độ quản trị nhà nước và mức độ can thiệp của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế xã hội (Phụng, 2019).

2.3. Các bộ phận trong khu vực kinh tế chưa được quan sát

Tại Việt Nam, các nhà khoa học và nhà quản lý cũng có những quan điểm khác nhau về 2 cách gọi: khu vực kinh tế phi chính thức và khu vực kinh tế chưa được quan sát. Tuy nhiên, theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” thì phạm vi của khu vực NOE rộng hơn nhiều, bao gồm 5 hoạt động kinh tế sau:

- Hoạt động kinh tế ngầm: Bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ các cơ sở kinh doanh đó chủ ý không khai báo vì mục đích trốn thuế, không nộp thuế thu nhập, không nộp thuế giá trị gia tăng hay vì mục đích trốn đóng bảo hiểm xã hội, không thực hiện các chế độ báo cáo theo pháp lý của nhà nước (chế độ báo cáo tài chính, báo cáo thống kê).

- Hoạt động kinh tế bất hợp pháp: Các hoạt động pháp luật cấm như buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm, hay bao gồm cả hoạt động hợp pháp nhưng do các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp thực hiện, những cơ sở không đăng ký kinh doanh.

- Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát: Là bộ phận kinh tế phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh. Khu vực này bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ thường không phân biệt sản xuất kinh doanh hay hộ cá thể hoặc không rõ quan hệ lao động giữa chủ lao động với người lao động, không ký kết hợp đồng lao động.

- Hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình: Là hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên của hộ gia đình đó.

- Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê: Là hoạt động kinh tế lẽ ra phải được thu thập thông tin biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê khác, nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập các thông tin đó.

Như vậy, so với quan điểm chung về khu vực NOE trên thế giới thì Đề án “Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” tại Việt Nam có phạm vi thống kê rộng hơn. Nghĩa là, ngoài 3 hoạt động đã được phân loại theo OECD (2002) (kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế tự sản tự tiêu), thì khu vực kinh tế chưa được quan sát còn bao gồm thêm 2 hoạt động: hoạt động kinh tế phi chính thức chưa quan sát được và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu nhập dữ liệu thống kê.

3. Nguyên nhân gia tăng khu vực kinh tế chưa được quan sát

Có nhiều nguyên nhân tác động đến khu vực kinh tế chưa được quan sát, được tổng hợp trong sơ đồ 1.

Sơ đồ: Các nguyên nhân dẫn đến gia tăng nền kinh tế chưa được quan sát

Nguồn: Tổng hợp

Thứ nhất, gánh nặng thuế và các khoản đóng góp xã hội. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, gánh nặng thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng qui mô của nền kinh tế phi chính thức (Schneider & Enste, 2013; Tanzi, 1980). Theo đó, chính sách thuế và phúc lợi xã hội tác động nhiều đến thu nhập trước và sau thuế. Càng nhiều khoản đóng góp thì thu nhập thực nhận sau thuế của người lao động sẽ thấp đi và nếu khoản chênh lệch này càng lớn thì động cơ để người lao động tham gia vào nền kinh tế chưa được quan sát càng gia tăng. Sự chênh lệch này phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống an sinh xã hội và gánh nặng thuế ở mỗi quốc gia. Không chỉ là vấn đề thuế suất cao mà còn là các khoản chi phí giao dịch liên quan quan đến thủ tục hành chính về thuế, chi phí tuân thủ… tất cả các khoản chi phí chính thức và không chính thức này tạo nên gánh nặng tổng thể của thuế và tất yếu gánh nặng thuế càng cao thì tinh thần đóng thuế càng thấp. Cùng với thuế, các khoản an sinh xã hội góp phần làm gia tăng chi phí của lao động trong nền kinh tế chính thức, khiến người lao động muốn rút ra khỏi khu vực kinh tế chính thức để tham gia vào các hoạt động của khu vực chưa được quan sát nhằm giảm các gánh nặng chi phí và thuế.

Các nghiên cứu đã kết luận rằng thuế và các khoản an sinh xã hội tác động rất nhiều đến thu nhập sau thuế. Càng nhiều khoản đóng góp thì thu nhập thực nhận của người lao động và doanh nghiệp càng thấp, từ đó động cơ để họ tham gia vào nền kinh tế chưa được quan sát càng lớn.

Trong một khía cạnh khác, (Hirschman, 1970) cho rằng số lượng người lao động hay doanh nghiệp tìm đến khu vực kinh tế này ngày càng nhiều hơn có thể xem như là phản ứng của họ đối với sự quá tải của gánh nặng thuế và các khoản an sinh nặng nề.

Thứ hai, số lượng các quy định. Số lượng các quy định thường được đo lường bởi số lượng các điều lệ, chứng chỉ các quy định về thị trường lao động. Khi số lượng quy định tăng, các công ty đối diện với các chi phí lao động tăng, từ đó lao động sẽ bị cắt giảm. Hệ quả của việc này là người lao động có động cơ để chuyển sang làm việc trong khu vực kinh tế chưa được quan sát, nơi mà họ có thể tránh được các loại chi phí này. Kaufmann và Andrei Shleifer (1997) dự đoán rằng, nền kinh tế có các quy định mang tính bao quát hơn thì quy mô của nền kinh tế ngầm sẽ cao hơn.

Thứ ba, chất lượng thể chế. Lý giải cho sự tồn tại của kinh tế chưa được quan sát, nhiều nhà kinh tế thống nhất rằng môi trường thể chế là một trong những nguyên nhân dẫn đến hình thành khu vực kinh tế chưa được quan sát ở một số quốc gia. Một nhà nước pháp quyền với tinh thần thượng tôn pháp luật - ở đó quyền tài sản được đảm bảo, tính thực thi hợp đồng cao sẽ mang lại lợi ích, sự tin tưởng cho các chủ thể trong nền kinh tế, khuyến khích họ tham gia nhiều hơn vào thị trường chính thức. Ngược lại, với chất lượng thể chế thấp, tham nhũng cao, tính minh bạch kém của chính phủ, sẽ là động cơ để các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào khu vực chưa được quan sát - nơi được coi là hiệu quả hơn so với hoạt động ở khu vực chính thức. Sự phát triển của khu vực này được xem như là một thất bại của hệ thống thể chế trong việc thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiệu quả (Johnson, Kaufmann, & Zoido-Lobaton, 1998).

Thứ tư, sự suy giảm của nền kinh tế chính thức. Hiện trạng của nền kinh tế chính thức sẽ quyết định sự lựa chọn của người lao động tham gia vào thị trường kinh tế chính thức hay kinh tế chưa được quan sát (Bajada & Schneider, 2005; Feld & Schneider, 2010). Theo đó, khi nền kinh tế chính thức bị suy giảm thì người lao động có động cơ tìm nguồn thu nhập khác để bổ sung cho khoản thu thiếu hụt từ nền kinh tế chính thức bằng cách gia nhập vào hoạt động kinh tế chưa được quan sát. Mặt khác, các nghiên cứu chỉ ra rằng, khủng hoảng kinh tế diễn ra ở các nước đang phát triển thường để lại hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát, nợ công và nợ xấu gia tăng. Cá nhân hoặc doanh nghiệp trong nhiều trường hợp bị phá sản, mất việc làm. Hệ quả tất yếu là họ phải nhanh chóng khắc phục những tổn thất xảy ra hoặc tìm kiếm việc làm hay thu nhập thay thế… Chính những áp lực kinh tế sẽ thúc đẩy cá nhân và doanh nghiệp có xu hướng gia nhập vào nền kinh tế này. Nghiên cứu của Roero (2010) cũng chỉ ra sự tồn tại của khu vực này không chỉ bởi sự khác nhau về kỹ năng của người lao động mà còn bởi tình trạng thiếu việc làm trong nền kinh tế chính thức. Đối với các quốc gia mới nổi và đang phát triển, xu hướng công nghiệp hoá nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng nhanh của dân số thì cạnh tranh tìm kiếm việc làm ở nền kinh tế chính thức trở nên gay gắt hơn. Trong khi khu vực kinh tế chính thức không thể hấp thu hết tất cả nhu cầu việc làm của người lao động thì khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ là sự lựa chọn thay thế.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như thu nhập bình quân đầu người, và quy mô của ngành nông nghiệp.

4. Ảnh hưởng tiêu cực của khu vực kinh tế chưa được quan sát đến phát triển kinh tế đất nước

Khu vực kinh tế chưa được quan sát nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ nhất, ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách của Chính phủ, đặc biệt là việc kiểm soát lượng tiền mặt trong lưu thông. Đặc thù của các giao dịch trong nền kinh tế chưa được quan sát chủ yếu là bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, kinh doanh hộ gia đình cá thể và do thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân vẫn chưa thay đổi. Theo thống kê, ở nước ta việc sử dụng tiền mặt để chi tiêu vẫn là phổ biến trong khi đã có nhiều phương tiện thanh toán hiện đại và tiện ích đã được triển khai như chuyển khoản qua ngân hàng, thẻ, ví điện tử… Sở dĩ người dân duy trì thói quen thanh toán bằng tiền mặt, nhất là trong khu vực chưa được quan sát có thể được lý giải do người dân chưa quen với việc sử dụng công nghệ, tâm lý lo sợ thanh toán không an toàn, các vấn đề liên quan đến phí sử dụng thẻ. Và cũng có những nguyên nhân xuất phát từ phía người bán hàng, các cửa hàng nhỏ cũng không có thói quen hoặc không muốn áp dụng hình thức thanh toán điện tử. Mặt khác, hạn chế về hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán điện tử cũng là một nguyên nhân. Nhà nước rất khó kiểm soát các giao dịch tiền mặt này và khó có thể thống kê chính xác, quản lý hiệu quả lượng tiền mặt đang lưu thông. Ngoài ra, các hoạt động trong khu vực này không được thống kê vào các chỉ tiêu kinh tế làm cho các chỉ tiêu này không phản ánh được một cách toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó ảnh hưởng đến việc hoạch định và triển khai các chính sách vĩ mô của chính phủ.

Thứ hai, ảnh hưởng đến nguồn thu của chính phủ từ việc thu thuế. Theo Shukla, Pham, Engelschalk, & Le (2011), với quy mô nền kinh tế phi chính thức từ 17,6% GDP đến 35,7% GDP thì mức độ thất thu thuế tương ứng từ 3,5% GDP đến 6,1% GDP.

Thứ ba, gây méo mó đối với sự phát triển của thị trường lao động. Người làm việc ở khu vực này có độ rủi ro cao. Làm việc trong khu vực kinh tế chưa được quan sát đồng nghĩa với việc không được pháp luật bảo vệ, không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội và chế độ làm việc khác. Công việc trong khu vực này thường không cố định, bấp bênh, thời gian làm việc dài… Họ thường không có hợp đồng lao động và khả năng được đóng bảo hiểm xã hội rất hạn chế (gần 98% lao động phi chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội) (Nguyễn Công Nghiệp, 2019)

Thứ tư, ảnh hưởng sự phát triển chung của nền kinh tế. Do tính manh mún, nhỏ lẻ của khu vực kinh tế này làm cho các doanh nghiệp và sản phẩm giảm năng lực cạnh tranh cả ở tầm quốc gia, khó có thể hội nhập được với các hoạt động thương mại quốc tế. Từ đó, xuất hiện nguy cơ đẩy quốc gia càng tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khác. Ngoài ra, không khuyến khích và thúc đẩy tính sáng tạo, không khuyến khích đầu tư dài hạn, quy mô lớn, đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

5. Một số giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động khu vực kinh tế chưa được quan sát

Hoạt động kinh tế của khu vực chưa được quan sát ra đời và tồn tại như một tất yếu khách quan. Mặc dù không thể hòa nhập cùng kinh tế chính thức nhưng cần phải có giải pháp cụ thể để khắc phục các mặt hạn chế, tiêu cực; đồng thời tạo điều kiện và môi trường để khu vực này phát huy được những giá trị tích cực cho xã hội dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Cụ thể:

Thứ nhất, xuất phát từ nguyên nhân về hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính phức tạp rườm rà, thể chế yếu kém, thì Nhà nước cần phân tích kỹ thực trạng, từ đó có giải pháp tháo gỡ. Ví dụ như cải thiện trình độ dân trí, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp để giảm hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kê khai thuế…

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để buộc các đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực bất hợp pháp từ bỏ, chuyển sang hoạt động kinh doanh được pháp luật cho phép. Có chính sách khuyến khích dành cho đối tượng các hộ kinh doanh cá thể để họ dần tham gia vào khu vực kinh tế chính thức, hoạt động dưới sự giám sát của nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn mới, làm cơ sở xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ. Để làm được điều này, cần sự hợp tác từ Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán và người cung cấp dịch vụ bán hàng, người tiêu dùng trong việc tạo ra các chính sách thiết thực, phù hợp để thúc đẩy người dân trong việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt như miễn thuế, phí.

Tài liệu tham khảo:

- Alm, J., & Embaye, A. (2013). Using dynamic panel methods to estimate shadow economies around the world, 1984–2006. Public Finance Review, 41(5), 510-543.

- An, N. T. H. L. V. (2017). Nền kinh tế phi chính thức và thất thoát thu thuế ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 245.

- Bajada, C., & Schneider, F. (2005). The shadow economies of the Asia Pacific. Pacific Economic Review, 10(3), 379-401.

- Dũng, P. V. (2004). Khu vực kinh tế phi chính thức: Thực trạng và những vấn đề đặt ra với công tác quản lý. Đại học Quốc gia Hà Nội

- EC-IMF-OECD-UN-WB. (2009). Hệ thống tài khoản quốc gia - SNA 2008. Retrieved from

- Eilat, Y., & Zinnes, C. (2002). The shadow economy in transition countries: Friend or foe? A policy perspective. World Development, 30(7), 1233-1254.

- Feld, L. P., & Schneider, F. (2010). Survey on the shadow economy and undeclared earnings in OECD countries. German economic review, 11(2), 109-149.

- GSO, I. (2016). Báo cáo lao động phi chính thức. Retrieved from

- Hirschman, A. O. (1970). Exit, voice, and loyalty: Responses to decline in firms, organizations, and states (Vol. 25): Harvard university press.

- Hương, T. T. B. N. Đ. T. M. (2019). Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp. Tạp chí Tài chính.

- Johnson, S., Kaufmann, D., & Zoido-Lobaton, P. (1998). Regulatory discretion and the unofficial economy. The American economic review, 88(2), 387-392.

- Khoa, D. Đ. (2006). Hoạt động của khu vực kinh tế không chính thức tại Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế.

- Lâm, N. B. (2019). Tổng quan về Khu vực kinh tế chưa được quan sát: Kinh nghiệm quốc tế và thực trạng của Việt Nam. Tạp chí Kinh doanh và Công nghệ, 2.

- Luyện, Đ. T. (2018). Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và một số khuyến nghị. Tạp chí Tài chính.

- Medina, L., & Schneider, F. (2019). Shedding light on the shadow economy: A global database and the interaction with the official one.

- Nghiệp, N. C. (2019). Quy mô khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính., 1.

- OECD. (2002). Measuring the Non-Observed Economy: A Handbook.

- Phụng, N. V. (2019). Thuế đối với hoạt động kinh tế phi chính thức. Tạp chí Tài chính., 1.

- Schneider, F., & Enste, D. H. (2000). Shadow economies: Size, causes, and consequences. Journal of economic literature, 38(1), 77-114.

- Schneider, F., & Enste, D. H. (2013). The shadow economy: An international survey: Cambridge University Press.

- Shukla, G. P., Pham, D. M., Engelschalk, M., & Le, T. M. (2011). Tax Reform in Vietnam.

- Tanzi, V. (1980). The underground economy in the United States: estimates and implications. Quarterly Review, 33(135).

- Thái, P. M. (2019). Hộ kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính.

- Vẹn, L. P. (2019). Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Tài chính.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 20 năm 2021

ThS. Nguyễn Đặng Hải Yến -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ