Ngày 4/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg, chính thức thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng. Với quy mô diện tích 20.000 ha, bao gồm khoảng 2.909 ha đất lấn biển, Khu kinh tế này nằm ở khu vực Đông Nam thành phố Hải Phòng, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong chiến lược kinh tế biển của Việt Nam.
Phối cảnh Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng |
Theo Quyết định, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được thiết kế với các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Các khu chức năng này sẽ được xác định cụ thể trong quy hoạch chung, nhằm đảm bảo tính khoa học và khả thi. Mục tiêu trọng tâm của Khu kinh tế là khai thác tối đa lợi thế địa lý tại cửa ngõ quốc tế, thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics hiện đại. Đồng thời, Khu kinh tế sẽ kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, và bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực.
Phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng hướng tới trở thành một trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa chức năng, đóng vai trò động lực chính trong tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng. Nơi đây sẽ được xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại với khu thương mại tự do áp dụng các cơ chế, chính sách vượt trội. Điều này không chỉ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Giai đoạn đầu đến năm 2025, Khu kinh tế sẽ tập trung vào việc lập quy hoạch chung và phân khu chức năng, đồng thời triển khai một số công trình hạ tầng giao thông và kỹ thuật. Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ chứng kiến việc xây dựng các khu chức năng trọng điểm, cảng Nam Đồ Sơn, các khu đô thị mới, và các dự án hạ tầng xã hội như nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện. Sau năm 2030, các hạng mục đầu tư còn lại sẽ được hoàn thiện, đưa Khu kinh tế vào hoạt động toàn diện.
Quyết định này cũng được giao cho UBND thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm cao nhất về tính khả thi của phương án huy động vốn và phân kỳ đầu tư. Thành phố cần xây dựng danh mục các dự án ưu tiên, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội quan trọng. Bên cạnh đó, Hải Phòng cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp bảo vệ môi trường, giám sát chặt chẽ hoạt động lấn biển và xả thải, cũng như cam kết trồng rừng thay thế, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Với vị trí chiến lược, Hải Phòng nằm trong vùng động lực kinh tế phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và là cửa ngõ quan trọng ra biển của cả khu vực. KKT ven biển phía Nam được kỳ vọng sẽ tạo liên kết chặt chẽ với các KKT lân cận, hình thành chuỗi KKT ven biển, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra, sự hoàn thiện của các tuyến giao thông trọng điểm như cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đường sắt Lào Cai - Hải Phòng, và cảng hàng không quốc tế tại Tiên Lãng sẽ tăng cường kết nối liên vùng, nâng cao năng lực logistics, và thu hút đầu tư quốc tế.
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, sự ra đời của Khu kinh tế ven biển phía Nam là bước đi cần thiết để đáp ứng “làn sóng” đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn, và điện tử. Khu kinh tế này được thiết kế để áp dụng các chính sách hội nhập cao, tạo động lực cạnh tranh đối với khu vực. Dự kiến đến năm 2030, Khu kinh tế sẽ đóng góp 550.000 tỷ đồng vào ngân sách và tạo ra 301.000 việc làm, đạt 80% năng lực của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Phạm Hường