Kho bạc Nhà nước tiến rất gần tới mục tiêu không dùng tiền mặt

(Banker.vn) Năm 2024, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đạt được những kết quả ấn tượng trong lộ trình hướng tới mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước (NSNN) bằng tiền mặt so với tổng thu NSNN qua KBNN năm 2024 còn 0,057% (giảm 0,012% so với năm 2023); tỷ lệ chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng chi NSNN qua KBNN năm 2024 còn 0,06% (giảm 0,037% so với năm 2023).

Chiều 13/1, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức họp báo công bố kết quả công tác trọng tâm trong năm 2024. Tại buổi họp báo, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng Giám đốc KBNN, cho biết trong năm qua, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã được thực hiện hiệu quả theo tinh thần "hành chính phục vụ". KBNN tiếp tục mở rộng mạng lưới thu NSNN và cho phép thu nộp NSNN 24/7, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước
Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước

Tính đến hết ngày 31/12/2024, tổng thu NSNN lũy kế đạt 2.038.168 tỷ đồng, bằng 119,82% so với dự toán năm 2024 được giao; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 121,37% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 118,27% dự toán.

Đối với công tác kiểm soát chi, KBNN đã chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai các giải pháp tăng cường kỷ luật và nâng cao trách nhiệm của công chức trong việc kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chi NSNN chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, kịp thời ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Năm 2024 cũng là năm thứ năm KBNN thực hiện lập báo cáo tài chính nhà nước theo quy định của Luật Kế toán. Việc công khai các báo cáo này giúp nâng cao tính minh bạch và cung cấp một công cụ quan trọng cho các cơ quan nhà nước trong việc quản lý tài chính và giám sát ngân sách.

KBNN cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan để điều hành ngân quỹ nhà nước một cách tập trung, thống nhất, và hiệu quả. Nguồn ngân quỹ nhà nước đã được gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vừa đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý, vừa hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi chính sách tiền tệ. Ngoài ra, việc sử dụng ngân quỹ nhàn rỗi để cho ngân sách trung ương vay đã giúp giảm áp lực huy động vốn từ thị trường và ổn định thị trường trái phiếu Chính phủ.

Một điểm đáng chú ý là trong năm 2024, KBNN đã phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng phù hợp với nhu cầu vốn của NSNN, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả cũng như bám sát tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước và tồn ngân quỹ nhà nước.

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Pháp chế (KBNN) cho biết, trong năm 2024, KBNN tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong toàn hệ thống đến năm 2025 và đã đạt được những kết quả tích cực.

Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh TTKDTM trong thu, chi NSNN qua hệ thống KBNN đã góp phần làm giảm số tiền và tỷ trọng thu, chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu, chi NSNN qua KBNN. Cụ thể, tỷ lệ thu NSNN bằng tiền mặt so với tổng thu NSNN qua KBNN năm 2024 còn 0,057% (giảm 0,012% so với năm 2023); tỷ lệ chi NSNN bằng tiền mặt so với tổng chi NSNN qua KBNN năm 2024 còn 0,06% (giảm 0,037% so với năm 2023). Như vậy, theo ông Quang, KBNN đã tiến rất gần tới mục tiêu “không tiền mặt”.

Năm 2025, KBNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN. Cùng với đó, sẽ nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông; nghiên cứu để hoàn thiện các hệ thống thanh toán của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng mô hình thanh toán tập trung của KBNN theo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản của KBNN tại ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, thời gian tới, KBNN sẽ đẩy mạnh thu, chi qua KBNN bằng các hình thức TTKDTM; tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN tại các hệ thống ngân hàng thương mại. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản. Song song với đó sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và sắp xếp vị trí việc làm trong hệ thống KBNN đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Tổ chức lại Tổng cục Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước

Ngày 11/1/2025, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 18, liên quan đến ...

Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) đang đạt được những kết quả tích cực về quản trị và tài chính. ...

MB điều gần 80 nhân sự chất lượng sang vực dậy ngân hàng 0 đồng

Tại Hội nghị nhà đầu tư diễn ra mới đây, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết ...

Sơn Tùng

Sơn Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục