IDICO (IDC) báo doanh thu tăng gấp đôi, lợi nhuận tăng gấp bốn năm 2022

(Banker.vn) Năm 2022, Tổng công ty IDICO - CTCP (HNX: IDC) đã trình diễn những vũ điệu đẹp mắt về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu tăng gấp đôi và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 4 lần, đều lập đỉnh cao nhất lịch sử hoạt động.

'Nhọc nhằn' của Coteccons: Thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác, nợ vay tăng 'dựng đứng' hàng trăm lần

Vũ điệu đẹp mắt về doanh thu và lợi nhuận

IDICO đã có một năm 2022 kinh doanh “như mơ” khi các chỉ tiêu đều tăng trưởng tốt. Tính riêng quý IV/2022, doanh thu thuần tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.208 tỷ đồng.

Đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu là mảng dịch vụ khu công nghiệp với 4.227 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần và chiếm 51%. Theo sau là mảng kinh doanh điện với doanh thu 2.875 tỷ đồng, tăng 6,5%. Tiếp đến là mảng phí đường bộ với doanh thu 421 tỷ đồng, tăng 36%. Riêng mảng bất động sản giảm 29%, đạt 105 tỷ đồng.

Do giá vốn giảm, lợi nhuận gộp đã tăng tới 2,6 lần, đạt 498 tỷ đồng.

Quý này, doanh thu tài chính sụt giảm 93%, còn 12 tỷ đồng, do IDICO không còn khoản chuyển nhượng cổ phần. Chi phí tài chính đạt 98 tỷ đồng, giảm 41% do bớt được chi phí hoạt động kinh doanh chứng khoán. Trong khi đó, chi phí vận hàng tăng đáng kể, cụ thể: chi phí bán hàng đạt 28 tỷ đồng, tăng 65% và chi phí quản lý đạt 90 tỷ đồng, tăng 36%.

Kết thúc quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của IDC đạt 298 tỷ đồng, tăng 4,8 lần; lợi nhuận sau thuế 231 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

IDICO
Năm 2022, IDICO đã trình diễn những vũ điệu đẹp mắt về doanh thu và lợi nhuận. Ảnh minh hoạ

IDICO đã có một năm kinh doanh “như mơ” khi các chỉ tiêu đều tăng trưởng bằng lần. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2022 tăng gấp đôi so với năm trước, đạt 8.242 tỷ đồng; là mức doanh thu cao nhất lịch sử của công ty.

Lợi nhuận gộp đạt 3.580 tỷ đồng, tăng 4,8 lần. Biên lợi nhuận gộp đạt 43,4%, tăng mạnh mẽ so với mức 17,1% của năm trước.

Cùng với 144 tỷ đồng doanh thu tài chính đạt 144 tỷ đồng, 45 tỷ đồng lợi nhuận khác, IDC đã kết lại năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế 3.246 tỷ đồng, tăng 4,3 lần; lợi nhuận sau thuế 2.596 tỷ đồng, tăng 4,5 lần. Đây là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất lịch sử của IDC.

Năm 2022, IDC đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.347 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.333 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu thực hiện đã cao gấp 2,46 lần mục tiêu, lợi nhuận thực hiện cao gấp 1,39 lần mục tiêu.

Nhờ lợi nhuận “khủng” nên dòng tiền kinh doanh năm 2022 của IDICO rất đẹp, dương 2.592 tỷ đồng. Công ty cũng tích cực sử dụng đòn bẩy khi dòng tiền vay/trả đạt 3.373 tỷ đồng/3.438 tỷ đồng, tăng lần lượt 58% và 2,5 lần.

Sở hữu nguồn tiền dồi dào nên trong năm IDICO mạnh tay mua sắm tài sản (1.349 tỷ đồng), chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (256 tỷ đồng). Dù vậy, lưu chuyển tiền thuần cả năm vẫn dương 591 tỷ đồng, đưa lượng tiền và tương đương tiền cuối năm đạt 1.087 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với đầu năm.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của IDICO đạt 16.732 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

Cơ cấu tài sản ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của khoản phải thu ngắn hạn - tăng 58% lên1.206 tỷ đồng. Các khoản phải thu dài hạn cũng tăng 74% lên 984 tỷ đồng, tăng 74%. Hàng tồn kho đạt 797 tỷ đồng, tăng 45%. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang 2.088 tỷ đồng, giảm 54%.

Nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 đạt 10.225 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 3.467 tỷ đồng, giảm 1,8%. Doanh thu chưa thực hiện 4.613 tỷ đồng, giảm 26% - đây là tiền cho thuê đất, phí quản lý và sử dụng hạ tầng nhận trước tại các khu công nghiệp, tức nguồn doanh thu tương lai của IDC.

Với vốn chủ sở hữu 6.507 tỷ đồng, tăng 29%, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của IDC là 1,57 lần - mức tương đối an toàn.

IDICO gặp khó trong 2023?

Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), năm 2023, IDICO sẽ gặp khó khăn do nguồn vốn FDI đăng ký năm 2022 tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng tới vốn FDI giải ngân vào 2023.

Thêm nữa, IDICO với các khu công nghiệp (KCN) trọng điểm như Phú Mỹ II và Phú MỸ II MR tập trung thu hút nhà đầu tư vào ngành công nghiệp nặng; hay KCN Hựu Thạnh với các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, lương thực, dệt may, đồ gỗ,… BVSC đánh giá với tệp khách hàng chọn lọc, IDC sẽ gặp áp lực trong ngắn hạn đối với việc chào thuê cũng như giá chào thuê.

Bởi vậy, đơn vị nghiên cứu đã điều chỉnh tốc độ tăng giá chào thuê tại KCN Phú Mỹ II, Phú Mỹ II MR và Hựu Thạnh từ 8% về 5%; giãn tiến độ cho thuê và tiến độ thu tiền qua các năm tại các KCN này. Theo BVSC, Phú Mỹ II và Phú Mỹ II MR nằm tại ví trị gần cảng Cái Mép – Thị Vải, được xác định là KCN chuyên sâu gồm nhà máy và kho bãi thuộc các ngành công nghiệp nặng gắn liền cảng như: điện lực, hóa chất, phân bón, thép, vật liệu xây dựng.

“Chúng tôi cho rằng khách hàng khá chọn lọc với những ngành nghề này. KCN Hựu Thạnh với lợi thế vị trí thuận lợi, nằm cạnh cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, thuận lợi cho các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng như sợi, dệt, may mặc, giày dép, lương thực, … công nghiệp điện, công nghiệp đồ gỗ, nội thất. Các ngành công nghiệp này hiện tại đang bị ảnh hưởng khá nặng nề do tình hình vĩ mô khó khăn nói chung. Vì các lý do trên, BVSC điều chỉnh giá chào thuê và tiến độ cho thuê tại các KCN”, BVSC phân tích.

Về dài hạn, BVSC đánh giá IDICO có nhiều tiềm năng nhờ quỹ đất khu công nghiệp thương phẩm sẵn sàng kinh doanh lớn, nằm tại các vị trí thuận lợi với nhu cầu từ khách hàng cao. Điều này sẽ mang đến dòng tiền rất lớn cho IDICO.

Nguồn tiền này sẽ là động lực để IDICO đảm bảo cho sự phát triển dài hạn hơn thông qua mở rộng quỹ đất; M&A dự án… Trong ngắn hạn, những khó khăn chung của tình hình vĩ mô ảnh hưởng tới tốc độ cho thuê và giá cả, dẫn tới giảm giá trị hợp đồng ghi nhận trong 2023-2024.

Năm 2023, BVSC dự phóng doanh thu của IDICO đạt 9.078,7 tỷ đồng, tăng 5,3% so với năm 2022. Trong đó doanh thu từ khu công nghiệp có thể đạt 4.832,4 tỷ đồng (tăng 3,2%), doanh thu từ kinh doanh điện đạt 3.310,5 tỷ đồng (tăng 12,4%), doanh thu từ thu phí đường bộ đạt 352 tỷ đồng (tăng 2%).

Nguyễn Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán