Hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài

(Banker.vn) Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, hình ảnh của nước ta trên trường quốc tế.
Trong xu thế phát triển và hội nhập toàn cầu, đầu tư ra nước ngoài là một trong những phương thức hiệu quả để các nền kinh tế trên thế giới có cơ hội trao đổi, học hỏi và giao thương với nhau. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật để thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, hình ảnh của nước ta trên trường quốc tế. Đồng thời, việc mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng giúp các nhà đầu tư trong nước có cơ hội quảng bá sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và học hỏi, tiếp thu các kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến của thế giới để ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để hoạt động đầu tư ra nước ngoài tiếp tục đạt được hiệu quả trong thời gian tới, cần xây dựng hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là các quy định của Nhà nước về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.


Một số vướng mắc, bất cập liên quan tới hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài cần sớm được sửa đổi

Để triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, sau đó các nhà đầu tư thực hiện đăng ký và đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan tới hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Văn bản xác nhận đăng ký và đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan tới hoạt động đầu tư ra nước ngoài được cấp bởi NHNN sẽ là căn cứ để các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép thực hiện theo đúng thông tin dự án, tiến độ chuyển vốn và tài khoản vốn đã được chấp thuận. Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định về quản lý ngoại hối trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài chưa được cập nhật phù hợp với thực tiễn và còn nhiều bất cập khiến các nhà đầu tư khó khăn khi thực hiện.

Tác giả xin nêu ra một số vướng mắc, bất cập liên quan tới hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại Thông tư số 12/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 của Thống đốc NHNN (Thông tư số 12/2016/TT-NHNN) để qua đó, các nhà làm luật có thể nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi. Đó là:

Thứ nhất, một số nội dung tại Thông tư số 12/2016/TT-NHNN đang dẫn chiếu tới các quy định đã hết hiệu lực, cụ thể: Khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều 15, điểm a khoản 2 Điều 17, khoản 5 Điều 21 vẫn đang dẫn chiếu các quy định tại Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư; khoản 3 Điều 18 Thông tư số 12/2016/TT-NHNN vẫn đang dẫn chiếu tới quy định tại điểm d khoản 1 Điều 62 Luật Đầu tư cũ đã hết hiệu lực (Luật Đầu tư mới là Luật Đầu tư năm 2020). Điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu và chấp hành đúng các quy định về quản lý ngoại hối trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Thứ hai, Điều 9 Thông tư số 12/2016/TT-NHNN quy định về hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài; chưa quy định về giấy tờ pháp lý liên quan nhà đầu tư là cá nhân. Điều này khiến việc thẩm định hồ sơ gặp khó khăn và thông tin trong văn bản xác nhận đăng ký/đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan tới hoạt động đầu tư ra nước ngoài không chính xác trong trường hợp nhà đầu tư là cá nhân đã thay đổi địa chỉ cư trú nhưng chưa làm đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài hoặc chưa thực hiện cập nhật thông tin trên hệ thống Cổng thông tin Quốc gia.

Thứ ba, Điều 11 Thông tư số 12/2016/TT-NHNN quy định về các trường hợp đăng ký, thông báo thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài; chưa có quy định về trường hợp thay đổi tài khoản vốn cùng loại ngoại tệ mở tại cùng một TCTD được phép thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi hay gửi thông báo về việc thay đổi này. Điều này tạo lỗ hổng trong công tác quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiện nay do việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư và tài khoản này phải được NHNN cấp xác nhận. Vì vậy, việc nhà đầu tư tự ý đóng tài khoản vốn đầu tư cũ và mở, sử dụng tài khoản vốn đầu tư mới (trong trường hợp tài khoản vốn mới cùng loại ngoại tệ mở tại cùng một TCTD được phép với tài khoản vốn cũ) khi chưa được NHNN xác nhận sẽ khiến NHNN gặp khó khăn trong việc giám sát dòng vốn đầu tư và không kịp thời phát hiện các vi phạm để chấn chỉnh các nhà đầu tư.

Thứ tư, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 12/2016/TT-NHNN về các trường hợp đăng ký, thông báo thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài quy định: “2. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, nhà đầu tư phải thực hiện thông báo bằng văn bản… kèm bản sao văn bản điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài khi phát sinh nội dung thay đổi sau đây: a) Thay đổi địa chỉ của nhà đầu tư đối với trường hợp sự thay đổi này không làm thay đổi cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài; b) Thay đổi tên dự án đầu tư ở nước ngoài;…”

Tuy nhiên, hai trường hợp thay đổi trên không thuộc trường hợp phải thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo Luật Đầu tư mới; vì vậy, các nhà đầu tư sẽ không thể nộp kèm bản sao văn bản điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài như quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-NHNN. Đồng thời, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN cũng chưa có quy định cụ thể hướng dẫn căn cứ xác định tên dự án đầu tư ở nước ngoài. Phần lớn Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp chỉ nêu tên tổ chức kinh tế thành lập tại nước ngoài (không có tên dự án đầu tư ở nước ngoài). Vậy, những trường hợp này, tên tổ chức kinh tế thành lập ở nước ngoài có được coi là tên dự án đầu tư ở nước ngoài hay không? Nếu có thì cần quy định đồng nhất và rõ ràng trong cách gọi để giúp các nhà đầu tư hiểu và tuân thủ đúng quy định.

Thứ năm, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN chưa có quy định liên quan tới đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tại Điều 70 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định: “Đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài phải là vốn chủ sở hữu, trong đó không bao gồm vốn góp để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trường hợp sử dụng vốn góp tăng thêm để đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định này trước, sau đó thực hiện thủ tục tăng vốn và góp đủ vốn điều lệ tại Việt Nam trước khi chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.”. Thực tế, NHNN cần có những quy định rõ ràng về thành phần hồ sơ để kiểm soát việc các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng vốn, góp đủ vốn điều lệ tại Việt Nam,… trước khi cấp văn bản xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan tới hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Việc này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp FDI hạn chế việc sử dụng vốn vay để đầu tư ra nước ngoài và trong trường hợp kinh doanh không thuận lợi sẽ phải dùng tới vốn góp trong doanh nghiệp FDI để trả nợ, điều này ảnh hưởng tới chính hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ sáu, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN chỉ có quy định việc sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư dự án ở nước ngoài trong hai trường hợp là tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài và thực hiện dự án đầu tư khác ở nước ngoài mà chưa có hướng dẫn liên quan tới việc nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu được từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký. Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2020 đã thêm quy định về trường hợp này tại khoản 1 Điều 67: “Sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài: 1. Nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong trường hợp sau đây: a) Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký; ...”

Riêng đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí được quy định tại Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 của Chính phủ và Thông tư số 31/2018/TT-NHNN ngày 18/12/2018 của Thống đốc NHNN cũng cần nghiên cứu và cập nhật quy định theo đúng thực tế phát sinh trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện đúng quy định, tránh trường hợp các nhà đầu tư vi phạm hành chính do quy định còn chưa rõ ràng và chưa phù hợp với thực tế phát sinh.

Nhìn chung, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động đầu tư ra nước ngoài là một phần tất yếu, việc thắt chặt hay nới lỏng việc cấp phép, quản lý hoạt động này phụ thuộc vào chiến lược phát triển quốc gia theo từng thời kỳ. Hiện nay, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn rất nhỏ so với dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Thu nhập chuyển về nước từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn rất hạn chế. Do vậy, nếu trong bối cảnh các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, trong khi đó lợi nhuận chuyển về nước từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài lại không đáng kể thì sẽ rất dễ dẫn đến thâm hụt cán cân thu nhập của Việt Nam.

Để hoạt động đầu tư ra nước ngoài thật sự hiệu quả và mang lại lợi ích cho quốc gia, cần xây dựng chiến lược cụ thể như: Đẩy mạnh hỗ trợ các dự án đầu tư khai thác và tiếp cận với những nguồn tài nguyên hiện đang khan hiếm trong nước; các dự án giúp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, thiết bị, dịch vụ và lao động của Việt Nam; các dự án nghiên cứu công nghệ tiên tiến trên thế giới để đưa những ứng dụng công nghệ về áp dụng tại Việt Nam,... Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chuẩn về chính sách, các quy định của nước tiếp nhận đầu tư để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư trong nước kịp thời nắm bắt./.
 
ThS. Đỗ Như Thùy
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội
Theo: Tạp chí Ngân hàng