Tham dự cuộc họp có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cùng đại diện các tổ chức tín dụng hội viên (phía Nam) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Đồng hành cùng tổ chức hội viên
Tính đến ngày 21/9/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có tổng số 28 tổ chức hội viên khu vực phía Nam, bao gồm: 21 hội viên chính thức và 7 hội viên liên kết; trong đó chia thành 3 nhóm hội viên: Nhóm 1 gồm 16 ngân hàng; Nhóm 2 gồm 6 công ty tài chính; Nhóm 3 gồm 6 tổ chức trung gian thanh toán (công nghệ tài chính - Fintech).
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng hội viên trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Hiệp hội đã tham gia góp ý, phản biện cơ chế chính sách có hiệu quả, có tính thuyết phục cao, giúp tạo hành lang pháp lý đúng chuẩn, phù hợp cho các tổ chức hội viên. Đây là một thành công không phải hiệp hội ngành nghề nào cũng làm được.
Đặc biệt, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh đến sự đổi mới rõ nét trong công tác truyền thông của Hiệp hội Ngân hàng. Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng đã chủ động nắm bắt để triển khai, phổ biến đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đến tổ chức hội viên, đồng thời nói lên những kiến nghị, vướng mắc mà tổ chức hội viên gặp phải. Bên cạnh đó, thông qua Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Cổng thông tin điện tử của Hiệp hội, các thông tin về hoạt động kinh doanh, thay đổi nhân sự, hoạt động văn hóa, từ thiện, thể dục thể thao đều được cập nhật thường xuyên, liên tục.
Đối với công tác đào tạo, bước đầu đã đạt được một số thành công đáng ghi nhận khi tổ chức được những khóa đào tạo có nội dung được đông đảo tổ chức hội viên quan tâm, kịp thời phổ cập kiến thức, thu hút được sự tham gia đông đảo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại chưa khắc phục được. Cụ thể, “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” đã ban hành gần 4 năm nhưng chưa đi sâu rộng vào các tổ chức hội viên, một số tổ chức hội viên vẫn chưa thực sự quan tâm và dẫn đến xảy ra những trường hợp vi pham đạo đức của một số cán bộ ngân hàng.
Do đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu các tổ chức hội viên đặc biệt lưu ý xem xét để tạo ra sự thống nhất, đoàn kết, đồng thời quyết tâm làm đến nơi đến chốn, nâng cao đạo đức người cán bộ ngân hàng, góp phần đưa ngành Ngân hàng phát triển vững mạnh.
Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của hội viên khu vực phía Nam trong 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, các tổ chức tín dụng (TCTD) không ngừng nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ, phát triển công nghệ mới, đặc biệt triển khai các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, quyết liệt, phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, thông suốt, xử lý nợ xấu song song với tuân thủ quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước...
Báo cáo cũng chỉ rõ, dù quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành để duy trì và phát triển kinh doanh nhưng nhìn chung, các chỉ tiêu tăng trưởng cơ bản như tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế của hầu hết các ngân hàng và công ty tài chính 9 tháng qua ở mức hạn chế so với thời kỳ trước đại dịch. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu, nợ dưới tiêu chuẩn tăng đột biến ở nhiều TCTD. Một số công ty tài chính ghi nhận lợi nhuận lỗ lũy kế lớn.
Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn thành phố đến ngày 30/9/2023 ước đạt 3.350.400 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm và tăng 2,54% so với cùng kỳ; Tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đến ước đạt 3.365.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm và tăng 5,89% so với cùng kỳ.
Dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt 187.957 tỷ đồng, với 17.827 khách hàng vay vốn, giảm 3% so với cùng kỳ, giảm 3% so với cuối năm trước. Trong đó: Cho vay nông nghiệp, nông thôn giảm 40% so với cùng kỳ, giảm 29% so với cuối năm; Cho vay xuất khẩu giảm 23% so với cùng kỳ, giảm 16% so với cuối năm; Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7% so với cùng kỳ, tăng 3% so với cuối năm; Cho vay công nghiệp hỗ trợ giảm 9% so với cùng kỳ, tăng 10% so với cuối năm; Cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao không còn dư nợ.
Tính đến nay, NHNN thành phố đã tiếp nhận và xử lý 1.020 trường hợp doanh nghiệp cần trực tiếp tháo gỡ khó khăn được gửi về từ các sở, ngành, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức. Trong đó, đã có kết quả xử lý 1.018 trường hợp, còn 2 trường hợp các TCTD đang xử lý.
Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến cuối tháng 8/2023: dư nợ được cơ cấu gốc và lãi đạt khoảng 33.663 tỷ đồng cho 29.419 khách hàng.
Tình hình thực hiện các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11/NQ-CP và Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN: Tình hình thực hiện hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến cuối tháng 7/2023 của các NHTM trên địa bàn: Tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 21.939 tỷ đồng, với 362 khách hàng; tổng số tiền đã hỗ trợ lãi suất lũy kế đạt 224,98 tỷ đồng. Dư nợ được hỗ trợ thuộc các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội….
Chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện DongABank đánh giá cao kết quả hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng không chỉ qua 9 tháng đầu năm 2023 mà còn cả trong những năm qua.
Đặc biệt, DongABank đã được Hiệp hội hỗ trợ rất nhiều trong thời gian qua. Nhìn nhận những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, đại diện DongABank đề nghị, Hiệp hội Ngân hàng phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục có những kiến nghị chất lượng tới Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành để tháo gỡ cho các tổ chức hội viên, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Đại diện SCB cho biết, SCB cũng như các ngân hàng khác đang gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến thi hành án vẫn chưa có tiến triển mới. Ngân hàng mong muốn sẽ có chính sách và sự hỗ trợ nhất quán, đồng bộ giữa các cơ cấp cơ quan quản lý để hoạt động của ngân hàng được đảm bảo.
Xử lý tài sản bảo đảm cũng là thách thức chính mà OCB đang phải đối mặt. Đại diện OCB đề nghị Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ về vấn đề pháp lý trong công tác thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm
Mặt khác, về vấn đề nhân sự, đại diện OCB mong muốn có cơ chế quản lý, giám sát nhân sự trong hệ thống các ngân hàng, tránh trường hợp nhân sự không làm tròn trách nhiệm tại ngân hàng này lại “nhảy” qua vị trí cao trong ngân hàng khác. Trong bối cảnh hiện nay, đây là vấn đề rất cấp thiết và quan trọng.
Tại ACB, đại diện ngân hàng chia sẻ những trăn trở về phí SMS Banking. Theo đó, ACB đang phải chịu lỗ nặng vì chi phí này. Gánh nặng dẫn đến ACB phải tăng thu phí khách hàng. Ngân hàng đã tìm mọi cách để làm giảm chi phí SMS để nguồn vốn này có cơ hội hỗ trợ nhiều hoạt động khác. Dù đã có phản ánh đến các nhà mạng nhưng các nhà mạng vẫn chưa có động thái tiết giảm và vẫn đang trong quá trình xem xét.
Còn theo đại diện Nam A Bank, hiện nay các quy định, hướng dẫn đối với xác thực trong giao dịch điện tử chưa có tính đồng nhất (OTP, SMS, xác thực sinh trắc học…) và chưa đủ rõ ràng. Đặc biệt, công tác thu thập thông tin cá nhân theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP đang gặp nhiều vướng mắc, lúng túng trong quá trình triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể.
Đối với vấn đề xử lý tài sản bảo đảm hiện nay, trong bối cảnh nợ quá hạn đang tăng nhanh, việc triển khai thu nợ, thu giữ tài sản rất khó khăn, chưa kể các khách hàng cũng nắm được "kẽ hở" pháp luật để đối phó nên rất khó trong công tác thu giữ tài sản.
Những khó khăn trong việc thực hiện theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP cũng là vấn đề khiến nhiều ngân hàng, công ty tài chính, trung gian thanh toán trăn trở. Đại diện BVBank cho biết, Nghị định 13/2023/NĐ-CP khiến các ngân hàng khó xác định, liệu đã thực hiện đúng quy định hay chưa. Ngoài việc các quy định chồng chéo và chưa, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Công an khiến các tổ chức tín dụng rất “vướng”.
Đại diện BVBank cũng đề cao tầm quan trọng của Bộ quy tắc ứng xử: Đây là việc rất quan trọng của “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” đối với quản trị nhân sự trong hệ thống ngân hàng. BVBank đề nghị có những khóa tập huấn định kỳ để nâng cao phẩm chất đạo đức cho cán bộ nhân viên ngân hàng.
Góp ý từ đại diện đơn vị Fintech cho thấy, bên cạnh Nghị định 13/2023/NĐ-CP, việc sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt theo chia sẻ của các trung gian thanh toán là quá lâu và có thể các trung gian thanh toán trong nước bị đào thải trước sự cạnh tranh của các đối thủ đến từ nước ngoài giàu tiềm lực.
Về phía các công ty tài chính, đại diện HD SAISON đề nghị, trong bối cảnh người lao động chịu ảnh hưởng bởi nền kinh tế khó khăn như hiện nay, cần có quy định trích lập dự phòng đặc thù hơn đối với các công ty tài chính.
Mặt khác, nhiều người dân vẫn chưa phân biệt được công ty tài chính tiêu dùng chính thống với các công ty tài chính tiêu dùng không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, dẫn đến người dân đánh đồng và chây ì không trả nợ, khiến việc thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, các hình thức tín dụng đen tràn lan trên intermet (thống kê sơ bộ có hơn 160 app cho vay tín dụng đen trong khi chỉ có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép), gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các công ty tài chính chính thống…
Trước những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh ghi nhận đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của tổ chức tín dụng trong thời gian qua để vượt qua những thách thức, giúp ngân hàng tương đối ổn định, làm tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, đưa hoạt động dịch vụ ngân hàng tiếp tục tăng trưởng.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Lệnh đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục tuân thủ các chỉ đạo, quy định của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống. Đồng thời, mong muốn các tổ chức tín dụng tích cực tham gia hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi bởi khi doanh nghiệp đã hồi phục sẽ giúp cho nợ xấu tại các tổ chức tín dụng được giảm bớt. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng cần tiếp tục chú trọng đến công tác truyền thông…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận các ý kiến phát biểu tại hội nghị. Đồng thời cho biết, từ nay đến cuối năm, Hiệp hội sẽ tiếp tục tích cực tham gia góp ý vào một số dự thảo luật. Hiệp hội Ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các Vụ/Cục chức năng, các ủy ban của Quốc hội để tham gia ý kiến, tiếp tục bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của các tổ chức hội viên.
Trong những tháng cuối năm, công tác đào tạo sẽ tiếp tục được kiện toàn và đẩy mạnh, công tác hội viên sẽ chặt chẽ hơn. Hiệp hội cũng sẽ tăng cường và đẩy mạnh công tác truyền thông, góp phần giúp lan tỏa hình ảnh tích cực của các công tác hội viên…
Mặt khác, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng mong muốn các tổ chức tín dụng hội viên cần chủ động phản ánh những khó khăn vướng mắc trong khi thực thi cơ chế chính sách, chẳng hạn như Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN mới đây. Hoặc, những vấn đề gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng như tăng thu phí SMS Banking…
TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, các tổ chức hội viên trên tinh thần thẳng thắn góp ý với Hiệp hội Ngân hàng để Hiệp hội Ngân hàng có kế hoạch phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc và triển khai các giải pháp, kế hoạch nhằm hỗ trợ tích cực cho các tổ chức hội viên.
Với các đề xuất/kiến nghị tháo gỡ khó khăn được nêu ra tại cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sẽ tập hợp lại để báo cáo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh để hoạt động của các tổ chức hội viên được hiệu quả, an toàn và lành mạnh.
Quỳnh Lê
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|