Hiệp hội Ngân hàng tổ chức tập huấn Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022

(Banker.vn) Ngày 28/2, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với sự hỗ trợ của Sáng kiến Pháp quyền của Hiệp hội Luật sư Hoa kỳ (ABA-ROLI), tổ chức Tập huấn Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cho cán bộ các tổ chức hội viên. Chương trình tập huấn được tổ chức dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 2.000 cán bộ.

Tới dự buổi tập huấn có ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN; đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối, NHNN....

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được ban hành từ năm 2012 sau 10 năm triển khai, tới năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) năm 2022 là Luật hết sức mới, số điều quy định tăng lên, khác biệt so với trước tương đối nhiều, việc triển khai trong hệ thống TCTD là hết sức cần thiết gắn với quá trình hoạt động của các TCTD. Hiện nay, NHNN đang tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

"Nhận thấy, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là nội dung hết sức quan trọng đối với tổ chức tín dụng nên Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức tập huấn, triển khai đến các hội viên. Sau khi Nghị định và Thông tư hướng dẫn ban hành, Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức triển khai đến các hội viên để nắm bắt đầy đủ hơn", Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh và cho biết thêm khi Hiệp hội gửi tới các tổ chức hội viên những biểu mẫu báo cáo thì nhận thấy còn nhiều lúng túng, khó khăn trong triển khai.

''Buổi tập huấn hôm nay chú trọng vào những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), những vấn đề phải lưu ý, sự khác biệt giữa luật mới và cũ, trách nhiệm của cơ quan quản lý, của tổ chức tín dụng'', Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nói.

Trình bày tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN đã chia sẻ và cung cấp những thông tin tổng quan về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Theo đó, Luật sửa đổi gồm 4 Chương, 66 Điều, bổ sung thêm đối tượng phải báo cáo là các trung gian thanh toán. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động liên quan đến các lĩnh vực: chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, trò chơi có thưởng, dịch vụ thỏa thuận pháp lý… trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan và chuẩn mực quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN

Các đối tượng phải báo cáo, trong đó có các tổ chức tín dụng sẽ phải nhận biết khách hàng ở các khía cạnh thu thập, cập nhật, xác minh thông tin về khách hàng theo quy định; cập nhật thông tin nhận biết khách hàng; xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác; nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba.

Về trách nhiệm đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo phải đánh giá rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền. Sắp tới, NHNN sẽ hướng dẫn quy trình quản lý rủi ro, các biện pháp tương ứng với các mức độ rủi ro.

Về nhận biết khách hàng, Luật quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng; bổ sung quy định đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp; sửa đổi các quy định về nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba và quy định xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác.

Các giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một ngày, có tổng giá trị bằng hoặc vượt mức quy định sẽ phải thực hiện báo cáo.

Đối tượng báo cáo phải thực hiện báo cáo khi biết giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo, người bị kết án và có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch là tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của bị can, bị cáo, người bị kết án đó. Việc xác định bị can, bị cáo, người bị kết án theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được xác định từ việc xem xét, thu thập và phân tích thông tin khi khách hàng, giao dịch có một hoặc nhiều dấu hiệu đáng ngờ quy định tại các điều 27 đến điều 33 của Luật này và có thể từ các dấu hiệu khác do đối tượng báo cáo xác định.

16 nội dung cơ bản trong Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được bà Nguyễn Thị Minh Thơ lưu ý gồm: đối tượng báo cáo về phòng chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng chống rửa tiền; quy định về đánh giá rủi ro quốc gia; đối tượng báo cáo về rửa tiền; quy định về đánh giá rủi ro quốc gia; đối tượng báo cáo; quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật; xác minh thông tin nhận biết khách hàng; trách nhiệm của đối tượng báo cáo khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới; sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới; giám sát một số giao dịch đặc biệt; minh bạch thông tin của pháp nhân, thỏa thuận pháp lý, minh bạch trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận; trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ hồ sơ, thông tin về phòng chống rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử, lưu trữ, trách nhiệm báo cáo, bảo đảm bí mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời; áp dụng các biện pháp tạm thời; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng chống rửa tiền; điều khoản thi hành.

Bà Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ Thư ký, Ủy ban Chính sách, Hiệp hội Ngân hàng

Cùng tham gia trình bày tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ Thư ký, Ủy ban Chính sách, Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ nội dung liên quan đến Phòng chống rửa tiền trong thương mại quốc tế.

Theo bà Phương, các ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động rửa tiền trong thương mại quốc tế bởi nhiều lý do như thiếu hụt các quy định, tiêu chuẩn về hoạt động rửa tiền trong thương mại; còn hạn chế trong việc phát hiện và giám sát hoạt động rửa tiền trong thương mại; khó khăn trong việc cân đối giữa khả năng sinh lời và rủi ro có thể phát sinh quốc tế.

Bà Phương đã nêu ra các dấu hiệu cảnh báo rửa tiền trong thương mại quốc tế bao gồm: Hoạt động thương mại không phù hợp với ngành nghề kinh doanh của các bên tham gia; Sự không nhất quán giữa các hóa đơn, hợp đồng hoặc các chứng từ thương mại khác, giao dịch trốn thuế; Các bên có những tin tức tiêu cực ảnh hưởng đáng kể, thổi phồng giá trị hàng hóa…

Ngay tại buổi tập huấn, các cán bộ tham dự và các giảng viên đã có những hỏi, đáp, trao đổi chi tiết làm rõ hơn các vấn đề của Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) đối với hoạt động kinh doanh casino, xác minh nhận biết khách hàng, vấn đề đối với các khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị…. Phần hỏi đáp, trao đổi sôi nổi kéo dài vượt quá thời gian tổ chức là minh chứng rõ nét cho thành công của chương trình tập huấn.

Được biết, sau chương trình tập huấn lần này, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn có tính chất chuyên sâu giúp cho việc triển khai Luật trong hệ thống đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Bùi Trang -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục