Đoàn Chủ tịch tại Đại hội bất thường - Ảnh: Huy Hoàng/Tạ Dũng |
Ngày 8/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Đại hội bất thường và hội nghị thường niên lần thứ 2, nhiệm kỳ 7, với sự tham dự của các đại biểu:
Về phía VNBA gồm có: Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Phạm Quang Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội; cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức hội viên; và các CBNV Hiệp hội.
Về phía khách mời có: Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước; ông Trần Ngọc Trí, đại diện Vụ Tổ chức Phi Chính phủ, Bộ Nội vụ; ông Lê Văn Khanh, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Tổ chức, Đảng ủy Cơ quan Ngân hàng Trung ương; ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico…
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng phát biểu - Ảnh: Huy Hoàng/Tạ Dũng |
Phát biểu khai mạc đại hội, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội cho biết, thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng đã chủ động xây dựng và triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của Hiệp hội; phù hợp với Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ VII. Với sự quyết tâm, nỗ lực, hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động, được Lãnh đạo NHNN, các cơ quan quản lý và các tổ chức hội viên ghi nhận đánh giá cao.
Xuất phát những yêu cầu thực tiễn, đồng thời, căn cứ Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Nghị quyết của Hội đồng Hiệp hội, ngày 8/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức 2 Hội nghị, gồm: Hội nghị thứ nhất là Đại hội bất thường với nội dung: Thông qua dự thảo Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam năm 2022; Hội nghị thứ hai là Hội nghị thường niên lần thứ hai nhiệm kỳ VII”.
Theo ông Phạm Đức Ấn cho biết, Đại hội bất thường thông qua Điều lệ sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu hoạt động của Hiệp hội trong giai đoạn mới cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu - Ảnh: Huy Hoàng/Tạ Dũng |
Báo cáo tóm tắt việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho biết, thực hiện Nghị quyết số 104/NQ-HĐHH ngày 23/3/2021 của Hội đồng Hiệp hội tại kỳ họp thứ nhất nhiệm kỳ VII trong đó có chủ trương nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thường trực đã rà soát và đánh giá việc thực hiện Điều lệ 2014.
Do đó, trên quan điểm tạo cơ chế thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hoạt động của Hiệp hội phù hợp với xu thế phát triển của ngành trong tiến trình hội nhập và giao lưu quốc tế nhưng vẫn đảm bảo thực hiện theo quy định pháp luật, cũng như kế thừa cơ bản những nội dung của Điều lệ năm 2014, Cơ quan Thường trực đã xây dựng dự thảo Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng sửa đổi bổ sung.
“Dự thảo này đã được hoàn thiện sau khi Lãnh đạo Hiệp hội (Chủ tịch, các phó CT) trao đổi, thảo luận nhiều lần, lấy ý kiến thống nhất từ Hội đồng Hiệp hội, tham khảo ý kiến của Vụ Tổ chức phi Chính phủ - Bộ Nội vụ, của Ngân hàng Nhà nước; ý kiến góp ý từ Ban Kiểm tra, các đơn vị trực thuộc, các Tổ chức hội viên và các Ban, đơn vị của Cơ quan Thường trực,... dự thảo đã qua 5 lần tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ và cho biết thêm: “Những nội dung phù hợp đã được Ban soạn thảo và Hội đồng Hiệp hội nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung và một số nội dung cần xem xét nghiên cứu hoặc chưa hợp lý có giải trình rõ ràng”.
Theo đó, Điều lệ năm 2014 gồm: 8 Chương, 29 Điều. Nay dự thảo sửa đổi Điều lệ gồm 8 Chương, 30 Điều, trong đó: giữ nguyên nội dung các Điều 1, 2, 3, 4, 5, 22, 24; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung các Điều như: Điều 6, 7 về quyền hạn, nhiệm vụ của Hiệp hội; các điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20 và 21 quy định về Đại hội, Hội nghị thường niên, Hội đồng Hiệp hội, Ban Kiểm tra, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội và các đơn vị; Điều 23 quy định về Tài chính, tài sản và thẩm quyền phê duyệt và xử lý về tài chính của Hiệp hội...
Đáng chú ý, dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung nội dung khoản 1 Điều 13. Đại hội Hiệp hội. Theo đó, thay vì “Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 4 (bốn) năm một lần”, thì tại dự thảo sửa đổi, bổ sung thành “Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 5 (năm) năm một lần kể từ ngày kết thúc Đại hội nhiệm kỳ trước”.
Lý giải việc sửa đổi bổ sung này, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, theo quy định tại Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ “Nhiệm kỳ đại hội do Điều lệ hội quy định nhưng không quá 5 năm…”. Như vậy về mặt pháp lý cho phép nhiệm kỳ Hiệp hội là 5 năm, mặt khác nhiệm kỳ của tổ chức đảng, đoàn thể hiện nay cũng quy định là 5 năm. Việc quy định nhiệm kỳ đại hội Hiệp hội 5 năm nhằm phù hợp, đồng bộ với nhiệm kỳ tổ chức đảng, đoàn thể tại Cơ quan Thường trực, đồng thời tránh thay đổi nhân sự chủ chốt vào năm cuối nhiệm kỳ, mặt khác cũng nhằm phù hợp với hoạt động có tính đặc thù cao của Hiệp hội Ngân hàng. (Hiện nay hầu hết các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp ở Việt Nam đều đang thực hiện nhiệm kỳ 5 năm).
Dự thảo điều lệ cũng bổ sung thêm khoản 3 Điều 12 về cơ cấu tổ chức “Thường trực Hội đồng Hiệp hội”, theo đó bổ sung Điều 17 quy định chi tiết về Thường trực Hội đồng Hiệp hội.
“Thường trực Hội đồng Hiệp hội” là cơ quan giúp Hội đồng Hiệp hội triển khai và điều hành trực tiếp các nhiệm vụ, kế hoạch do Hội đồng Hiệp hội đề ra. Thường trực Hội đồng Hiệp hội bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký. Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng Hiệp hội cùng với nhiệm kỳ Hội đồng Hiệp hội.
Tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Điều lệ sửa đổi bổ sung lần này quy định “Phó Chủ tịch Hiệp hội do Hội đồng hiệp hội bầu trong số các thành viên Hội đồng. Số lượng Phó Chủ tịch do Hội đồng Hiệp hội quyết định, trong đó một Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký”. Lý do của việc sửa đổi này là do Tổng Thư ký là người thay mặt Hội đồng Hiệp hội điều hành trực tiếp Cơ quan thường trực và thực hiện một số nhiệm vụ trong các hoạt động đối nội, đối ngoại và một số nhiệm vụ khác theo phân cấp, ủy quyền của Chủ tịch Hiệp hội ....
Do đó, việc cơ cấu Tổng Thư ký trong Ban lãnh đạo Hiệp hội vị trí Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký là cần thiết. (Hiện nay nhiều Hội, Hiệp hội đang quy định một Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Hiệp hội Ngân hàng là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp lớn và quan trọng trong hệ thống Hội, Hiệp hội ở Việt Nam, việc cơ cấu Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký là phù hợp). Theo đó, dự thảo Điều lệ bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của Tổng Thư ký cho phù hợp với quyền hạn và nghĩa vụ của Tổng Thư ký do một Phó Chủ tịch kiêm nhiệm.
Dự thảo bổ sung thêm khoản 7 Điều 12 cơ cấu tổ chức “Các tổ chức cơ sở (chi hội, liên chi hội,...) và đơn vị trực thuộc Hiệp hội (câu lạc bộ chuyên môn,...)”, theo đó bổ sung, chỉnh sửa nội dung khoản 10 Điều 6 (quyền hạn của Hiệp hội), điểm c khoản 2 Điều 17 (quyền hạn của Thường trực Hội dồng Hiệp hội) điểm đ khoản 2 Điều 20 (Quyền hạn của Tổng Thư ký) và Điều 22 (Các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hiệp hội).
Toàn cảnh Đại hội bất thường Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Ảnh: Huy Hoàng/Tạ Dũng |
Tại đại hội, các ý kiến thảo luận của các thành viên Hiệp hội đều bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ.
Ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT Vietcombank cho biết, Vietcombank đã tham gia các vòng điều chỉnh sửa đổi Điều lệ và nhận thấy dự thảo Điều lệ đã tiếp thu và chỉnh lý một cách đầy đủ, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Góp ý vào vấn đề cụ thể, bà Phan Thị Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho rằng, việc thành lập Thường trực Hội đồng Hiệp hội là rất cần thiết. “Tôi đồng ý với việc thành lập thường trực Hiệp hội”, bà Phan Thị Thanh Bình bày tỏ quan điểm.
Hay bà Nguyễn Thị Tâm, thành viên HĐQT HDBank đề nghị, nhiệm kỳ Đại hội 5 năm nên bắt đầu áp dụng kể từ khi Nghị quyết được phê duyệt.
Sau khi thảo luận, 100% đại biểu tham dự Đại hội đã biểu quyết tán thành thông qua việc chỉnh sửa, bổ sung Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và thông qua Nghị quyết với các nội dung cốt lõi sau:
Điều chỉnh thời hạn nhiệm kỳ Đại hội là 5 năm; Bổ sung thêm mô hình “Thường trực Hội đồng Hiệp hội” bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký. Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng Hiệp hội cùng với nhiệm kỳ Hội đồng Hiệp hội; Bổ sung quy định “Phó Chủ tịch Hiệp hội do Hội đồng hiệp hội bầu trong số các thành viên Hội đồng. Số lượng Phó Chủ tịch do Hội đồng Hiệp hội quyết định, trong đó một Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký”;
Nghị quyết cũng giữ nguyên nội dung về thẩm quyền thông qua báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng, báo cáo hoạt động năm của Hội đồng Hiệp hội; thực hiện phân cấp, uỷ quyền cho Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký trong quan hệ đối nội và đối ngoại của Hiệp hội;
Bổ sung quy định “Các pháp nhân, các tổ chức cơ sở (Chi hội, liên chi hội,...), đơn vị trực thuộc Hiệp hội (Câu lạc bộ chuyên môn,…) được thành lập hoặc giải thể theo quyết định của Hội đồng Hiệp hội trên cơ sở đề nghị của Tổng Thư ký, phù hợp với Điều lệ Hiệp hội và quy định của pháp luật”.
Ngoài các nội dung trọng yếu nêu trên, bổ sung một số nội dung khác cho phù hợp với quy định và yêu cầu hoạt động của Hiệp hội trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Một số câu, từ, cụm từ được điều chỉnh cho rõ ràng, súc tích và phù hợp hơn.
Nghị quyết giao Hội đồng Hiệp hội chịu trách nhiệm chỉ đạo Cơ quan Thường trực hoàn thiện dự thảo Điều lệ theo các nội dung đã được thông qua và triển khai các quy trình thủ tục trình Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt Điều lệ sửa đổi, bổ sung đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước theo quy định hiện hành.
Nghị quyết này được thông qua với tỷ lệ 100% phiếu tán thành có hiệu lực kể từ ngày ký. Hội đồng Hiệp hội, Ban Kiểm tra, các đơn vị, tổ chức trực thuộc và tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Ngô Hải
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|